Ung thư hạ họng là ung thư xuất phát từ vùng hạ họng. Nguyên nhân bệnh ung thư hạ họng hiện chưa được xác định rõ ràng. U thường xuất phát từ xoang lê, khi ung thư lan dọc theo máng họng thanh quản sẽ lên cao đến họng miệng và lan ra thành sau họng, miệng thực quản, thanh quản.
1. Ung thư hạ họng là gì?
Ung thư hạ họng là ung thư xuất phát từ vùng hạ họng, nếu khi ung thư lan rộng vào thanh quản được gọi là ung thư hạ họng- thanh quản. Đây là dạng ung thư rất phổ biến, chỉ đứng sau ung thư vòm trong các bệnh lý ung thư vùng tai mũi họng.
Có 3 loại ung thư hạ họng phổ biến nhất, gồm:
- Ung thư xoang lê
- Ung thư vùng sau nhẫn phễu
- Ung thư miệng thực quản:
Nguyên nhân bệnh ung thư hạ họng hiện chưa được xác định rõ ràng. Một số yếu tố nguy cơ liên quan đến u hạ họng bao gồm:
- Hút thuốc lá và nghiện rượu bia: mức độ hút thuốc lá tỷ lệ thuận với tỷ lệ mắc ung thư vùng hạ họng. Bên cạnh đó, việc uống rượu kéo dài gây kích thích tại chỗ vùng niêm mạc họng. Do vậy, hút thuốc lá và thường xuyên uống rượu bia là yếu tố nguy cơ chính gây u hạ họng.
- Vệ sinh răng miệng không tốt: Việc vệ sinh răng miệng kém làm các vi khuẩn phát triển mạnh gây viêm nhiễm mãn tính vùng họng, tạo điều kiện thuận lợi gây ung thư hạ họng.
- Virus HPV: nhiễm vi - rút HPV làm tăng nguy cơ ung thư vòm mũi họng và ung thư hạ họng.
- Trào ngược dạ dày thực quản cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh.
- Hội chứng Plummer-Vinson: Dấu hiệu nhận biết là tình trạng khó nuốt, thiếu máu thiếu sắt và lưới thực quản. Bệnh làm tăng tỷ lệ ung thư hạ họng.
- Môi trường: Làm việc, sống trong vùng ô nhiễm môi trường hoặc công nhân tiếp xúc với A-mi- ăng, bụi gỗ làm tăng nguy cơ mắc ung thư hạ họng.
2. Các giai đoạn và sự tiến triển của ung thư hạ họng
Ung thư xoang lê:
- Dấu hiệu ung thư hạ họng trong vùng xoang lê thường gặp nhất là nuốt khó một bên hoặc khó chịu ở một bên họng, đặc biệt khi nuốt nước bọt, đây là dấu hiệu cảnh báo ung thư hạ họng giai đoạn đầu.
- Sau những dấu hiệu đầu tiên, cảm giác nuốt ngày càng tăng dần và đau nhói lên tai ngày càng rõ, có thể khạc đờm nhầy lẫn máu.
- Tiếp đó, xuất hiện dấu hiệu nói khó do khối u đã bắt đầu lan vào thành họng, thanh quản, khám thì đã sờ thấy hạch cổ, vì các triệu chứng lâm sàng cũng như hạch cổ của ung thư hạ họng giai đoạn đầu khá kín đáo, ít rầm rộ hoặc tồn tại một thời gian quá dài.
Ung thư vùng sau nhẫn phễu:
- Khối u thường làm vào thành trong rồi góc trước của xoang lê nhưng hay gặp nhất là lan xuống miệng thực quản. Ở giai đoạn này, thường rất khó phát hiện được u xuất phát từ đâu
- Triệu chứng hay gặp nhất là nuốt khó, nhưng triệu chứng này cũng không rầm rộ và tiến triển chậm.
- Viêm phù nề nhẹ và vùng sau nhẫn phễu thường hơi gờ lên, n
- Ung thư hạ họng giai đoạn đầu vùng sau nhẫn phễu thường chưa phát hiện được hạch cổ.
Ung thư miệng - thực quản:
- Xuất hiện từ phía dưới niêm mạc lên phía hạ họng và xuống phía dưới thực quản, có thể lan ra phía trước vào khí quản hoặc tuyến giáp.
- Lan vào thành họng thanh quản thường ở giai đoạn muộn khiến dây thanh bị cố định.
- Hạch cổ bị di căn và sờ thấy ở giai đoạn muộn.
3. Điều trị và phòng ngừa ung thư hạ họng
3.1. Điều trị ung thư hạ họng
Ung thư hạ họng là bệnh vẫn chưa thể chữa khỏi hoàn toàn. Các biện pháp điều trị u hạ họng bao gồm: phẫu thuật, tia xạ, hóa chất và điều trị miễn dịch.
- Đối với điều trị u hạ họng bằng phẫu thuật: Xem xét vào giai đoạn của bệnh mà chỉ định phẫu thuật phù hợp như cắt họng-thanh quản bán phần, toàn phần hoặc kèm nạo vét hạch cổ.
- Đối với điều trị u hạ họng bằng tia xạ: có thể xạ trị đơn độc hoặc xạ trị bổ trợ sau khi phẫu thuật.
- Đối với điều trị u hạ họng bằng hóa chất và điều trị miễn dịch: Dùng để điều trị toàn thân trong ung thư hạ họng giai đoạn cuối.
3.2. Phòng ngừa ung thư hạ họng
Để phòng tránh ung thư hạ họng, có thể thực hiện một số các biện pháp không đặc hiệu sau:
- Từ bỏ rượu bia và thuốc lá, vì đây là hai yếu tố nguy cơ chính gây ung thư hạ họng.
- Chế độ dinh dưỡng cân đối, tránh suy dinh dưỡng và thiếu vitamin. Ăn uống lành mạnh (nhiều rau của quả, hạt ngũ cốc), đồng thời hạn chế thịt đỏ, thức ăn đã qua chế biến.
- Phòng tránh nhiễm virus HPV bằng vắc xin, quan hệ tình dục an toàn.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, điều trị các bệnh lý vùng mũi họng triệt để nếu có.
- Bảo hộ lao động đầy đủ, đúng quy định trong môi trường hóa chất độc hại.
- Điều trị dứt điểm các bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản nếu có.
- Khi xuất hiện các triệu chứng như khàn tiếng, khó thở, khó nuốt thì cần phải đi khám chuyên khoa tai mũi họng để phát hiện ra nguyên nhân gây bệnh.