Các giai đoạn của ung thư tuyến giáp được xác định dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm kích thước của khối u, mức độ lan rộng của tế bào ung thư đến các cơ quan khác trong cơ thể. Các loại ung thư tuyến giáp khác nhau sẽ trải qua các giai đoạn khác nhau và thường khá phức tạp. Bài viết này cung cấp những thông tin chi tiết các giai đoạn của ung thư tuyến giáp.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Ung thư tuyến giáp là gì?
Trước khi đi sâu vào các giai đoạn của ung thư tuyến giáp, hãy cùng tìm hiểu ung thư tuyến giáp là gì và các phương pháp chẩn đoán bệnh.
Ung thư tuyến giáp là một loại bệnh lý liên quan đến sự phát triển bất thường của các tế bào trong tuyến giáp, nguyên nhân chính là do sự rối loạn trong quá trình phân chia của ADN. Bệnh này có thể xảy ra ở cả nam giới và nữ giới.
Trong giai đoạn đầu, dấu hiệu ung thư tuyến giáp thường không rõ ràng, gây khó khăn trong xác định bệnh. Do đó, các tế bào ung thư có nguy cơ lan rộng sang các bộ phận khác của cơ thể trước khi bệnh được chẩn đoán.
Khi được phát hiện ở giai đoạn muộn, việc điều trị bệnh trở nên khó khăn và đôi khi là không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp ung thư tuyến giáp được phát hiện và điều trị thành công ngay từ sớm.
2. Chẩn đoán
Ngày nay, nhờ vào sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, các phương pháp phát hiện và điều trị ung thư tuyến giáp đã tiến bộ đáng kể. Các kỹ thuật sàng lọc hiện đại giúp chẩn đoán bệnh sớm ngày càng trở nên hiệu quả hơn.
Phần lớn các trường hợp ung thư tuyến giáp được phát hiện ở giai đoạn đầu khi bệnh nhân khám sức khỏe định kỳ. Thông thường, trong những buổi khám lâm sàng, bác sĩ có thể phát hiện các khối u nhỏ ở phần cổ phía trước, từ đó sẽ chỉ định các xét nghiệm tiếp theo để xác định chính xác tình trạng ung thư tuyến giáp.
Xét nghiệm máu hoặc siêu âm tuyến giáp thông thường có thể phát hiện ra những thay đổi trong tuyến giáp, tuy nhiên, 2 phương pháp này không được khuyến cáo là xét nghiệm sàng lọc ung thư trừ trường hợp người bệnh có những yếu tố nguy cơ mắc bệnh cao chẳng hạn như tiền sử gia đình có người mắc ung thư hoặc người đã từng mắc ung thư tuyến giáp trước đây.
Những người có tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến giáp tủy thường có nguy cơ cao mắc phải bệnh này. Trong những trường hợp này, các chuyên gia thường khuyến cáo nên tiến hành xét nghiệm di truyền để phát hiện các kiểu gen bất thường có thể liên quan đến ung thư tuyến giáp.
Đối với những người không thể thực hiện các xét nghiệm gen, các phương pháp khác như xét nghiệm máu và siêu âm tuyến giáp cũng có thể được sử dụng để sàng lọc và phát hiện sớm ung thư tuyến giáp ở giai đoạn đầu, khi bệnh vẫn còn có khả năng được chữa khỏi. Dưới đây là một số phương pháp chẩn đoán ung thư tuyến giáp phổ biến:
2.1 Siêu âm tuyến giáp và hạch vùng cổ
Đây là một kỹ thuật chẩn đoán khá phổ biến, giúp phát hiện các khối u bất thường. Phương pháp này cho phép các bác sĩ xác định vị trí, kích thước, tính chất cũng như số lượng các khối u ở khu vực tuyến giáp và hạch vùng cổ.
2.2 Xét nghiệm tế bào học u tuyến giáp, hạch cổ dưới hướng dẫn của siêu âm
Siêu âm kết hợp chọc hút kim nhỏ (FNA) là một kỹ thuật chẩn đoán chuyên sâu, trong đó sử dụng kim để đưa qua da vào tuyến giáp hoặc các hạch ở cổ. Mục đích của phương pháp này là lấy mẫu tế bào từ các khối u hoặc hạch để phân tích. Sau khi thu thập, mẫu tế bào được kiểm tra dưới kính hiển vi trong phòng thí nghiệm nhằm tìm kiếm các dấu hiệu của tế bào ung thư.
2.3 Chụp CT và MRI vùng cổ
Đây là hai phương pháp chẩn đoán hình ảnh tiên tiến, giúp các bác sĩ đánh giá chi tiết mức độ xâm lấn của khối u tuyến giáp và các hạch vào các cơ quan lân cận như khí quản, cơ mềm vùng cổ và thực quản.
2.4 Sinh thiết tức thì trong phẫu thuật
Trong quá trình phẫu thuật tuyến giáp, bác sĩ quyết định cắt bỏ một thùy của tuyến giáp hoặc nhân giáp. Sau khi cắt bỏ, các mẫu bệnh phẩm sẽ được gửi ngay đến phòng thí nghiệm để tiến hành xét nghiệm mô bệnh học. Kết quả xét nghiệm này rất quan trọng, giúp bác sĩ xác định tính chất của khối u, từ đó đưa ra quyết định xử lý kịp thời và phù hợp.
2.5 Chỉ điểm sinh học
Sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, chỉ số thyroglobulin (Tg) được sử dụng để đánh giá hiệu quả điều trị và theo dõi khả năng tái phát ung thư. Đối với ung thư tuyến giáp thể tủy, các chỉ số Calcitonin và CEA rất quan trọng trong việc dự đoán tiến triển của bệnh và theo dõi tình trạng bệnh nhân sau khi điều trị.
3. Các giai đoạn của ung thư tuyến giáp
Các giai đoạn của bệnh ung thư mô tả mức độ tiến triển và sự lan rộng của các tế bào ung thư trong cơ thể. Giai đoạn ung thư là yếu tố quan trọng giúp các bác sĩ quyết định phác đồ điều trị phù hợp. Việc xác định các giai đoạn ung thư thường dựa trên một số xét nghiệm như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT), và chụp cộng hưởng từ (MRI).
Trong khi đó các giai đoạn của ung thư tuyến giáp khác nhau phụ thuộc vào loại ung thư và độ tuổi của bệnh nhân. Dưới đây là các giai đoạn ung thư tương ứng với từng loại ung thư:
3.1 Các giai đoạn của ung thư tuyến giáp thể nhú và u nang tuyến giáp
Trong trường hợp ung thư tuyến giáp thể nhú hoặc u nang tuyến giáp, yếu tố tuổi tác đóng vai trò quan trọng trong việc phân chia các giai đoạn của ung thư.
3.2 Các giai đoạn ung thư tuyến giáp tuỷ
- Giai đoạn I: Khối u có đường kính dưới 2 cm và vẫn nằm trong giới hạn của tuyến giáp, chưa lan rộng đến các hạch bạch huyết gần đó hay các cơ quan khác.
- Giai đoạn II: Khối u có kích thước từ 2 cm đến 4 cm, có thể vẫn nằm trong tuyến giáp hoặc phát triển ra ngay bên ngoài, nhưng không lan đến các hạch bạch huyết hoặc cơ quan khác.
- Giai đoạn III: Kích thước khối u không xác định, nhưng tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết gần đó, tuy nhiên vẫn chưa di căn đến các cơ quan khác.
- Giai đoạn IVA: Khối u có thể có kích thước bất kỳ, đã phát triển ra ngoài tuyến giáp và ảnh hưởng đến các cấu trúc quan trọng như khí quản, thực quản và các dây thần kinh. Các tế bào ung thư cũng có thể đã lan đến các hạch bạch huyết gần đó, nhưng chưa di căn đến các cơ quan xa hơn.
- Giai đoạn IVB: Kích thước khối u không xác định. Tế bào ung thư đã lan đến các mạch máu gần đó hoặc các mô xung quanh cột sống, nhưng chưa lan đến các cơ quan khác.
- Giai đoạn IVC: Giai đoạn cuối cùng, khi các tế bào ung thư đã di căn theo máu đến các cơ quan khác trong cơ thể. Ở giai đoạn này, việc điều trị nhằm mục đích chữa khỏi gần như không còn khả thi.
3.3 Các giai đoạn ung thư tuyến giáp không biệt hoá
Ung thư tuyến giáp không biệt hóa là một dạng ung thư nặng và thường được xếp vào giai đoạn IV ngay từ khi phát hiện, không liên quan đến độ tuổi của người bệnh. Các giai đoạn của ung thư tuyến giáp không biệt hóa bao gồm:
- Giai đoạn IVA: Khối u không có kích thước xác định nhưng vẫn chỉ nằm trong tuyến giáp. Khối u không lan đến các hạch bạch huyết hay các cơ quan khác.
- Giai đoạn IVB: Khối u không có kích thước xác định, nhưng tế bào ung thư có thể đã lan đến các hạch bạch huyết hoặc cơ quan gần đó như khí quản, thực quản, dây thần kinh hoặc các mạch máu lớn, tuy nhiên chưa di căn đến các cơ quan xa hơn.
- Giai đoạn IVC: Tế bào ung thư đã di căn đến các cơ quan xa tuyến giáp. Giai đoạn này tương tự như giai đoạn cuối của ung thư tuyến giáp tủy. Hầu hết bệnh nhân ở giai đoạn này không thể điều trị khỏi bệnh.
Ung thư tuyến giáp đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Tùy vào loại ung thư (như ung thư tuyến giáp thể nhú, ung thư tuyến giáp tủy, hay ung thư tuyến giáp không biệt hóa) mà các giai đoạn của bệnh sẽ có biểu hiện khác nhau. Việc xác định chính xác các giai đoạn của ung thư tuyến giáp là yếu tố cực kỳ quan trọng, nhằm quyết định phương pháp điều trị sẽ được áp dụng cho bệnh nhân. Khi ung thư đã tiến triển đến giai đoạn cuối, việc điều trị nhằm chữa khỏi thường không còn khả thi. Ở giai đoạn này, các phương pháp như hóa trị hoặc xạ trị thường chỉ nhằm mục đích kéo dài sự sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.