Gout là bệnh lý xương khớp phổ biến với triệu chứng điển hình là các cơn đau nhức xương khớp dữ dội, đột ngột ở khớp ngón chân, đầu gối, ngón tay kèm theo đó là tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau.
1. Bệnh học Gout
Gout là bệnh lý chuyển hóa liên quan đến tình trạng tăng nồng độ acid uric trong máu. Đặc trưng của Gout là những cơn đau viêm khớp cấp hoặc viêm khớp mạn tính do lắng đọng tinh thể Mononatri Urat trong mô liên kết và khớp, các tinh thể này cũng có thể lắng đọng trong kẽ thận gây sỏi thận do tăng acid uric.
Tăng acid uric máu dẫn đến tình trạng tích lũy tinh thể urat tại mô, tạo ra các microtophi. Khi các hạt microtophi tại sụn khớp bị vỡ sẽ dẫn đến khởi phát cơn Gout cấp. Tại các khớp sẽ xảy ra một loạt các phản ứng như sau:
- Bạch cầu tập trung đến thực bào làm giải phóng Lysozyme gây viêm
- Các vi tinh thể hoạt hóa yếu tố Hageman dẫn đến hình thành Kallicrein và Kinin có vai trò gây viêm khớp
- Hoạt hóa Plasminogen và bổ thể.
Từ đó gây ra các triệu chứng bao gồm đau khớp chân, đau khớp ngón tay...
Sự lắng đọng vi tinh thể cạnh khớp, trong mô sụn, trong màng hoạt dịch và mô xương sẽ dẫn đến bệnh xương khớp mạn tính do Gout. Sự có mặt của vi tinh thể urat tại mô mềm, bao gân tạo nên hạt Tophi và cuối cùng là viêm thận kẽ là do tinh thể urat lắng đọng tại chổ chức kẽ của thận.
Các nguyên nhân dẫn đến Gout bao gồm:
- Nguyên nhân nguyên phát: Di truyền hoặc cơ địa. Người bệnh Gout vô căn có quá trình tổng hợp Purine nội sinh làm tăng acid uric quá mức. Phần lớn bệnh gặp ở nam giới trên 40 tuổi có thói quen ăn uống không lành mạnh;
- Nguyên nhân thứ phát: Do một số bệnh lý gây nên như bệnh đa hồng cầu, Leucemie kinh thể tủy, Sarcoma hạch, Hodgkin, đau tủy xương hoặc quá trình sử dụng thuốc khi điều trị bệnh lý ác tính.
2. Triệu chứng của bệnh Gout
Ở giai đoạn đầu, người bệnh được ghi nhận là nồng độ acid uric máu tăng nhưng không xuất hiện triệu chứng bệnh. Theo thời gian, nồng độ acid uric máu tăng cao không hạ dẫn đến sự tích tụ tinh thể urat, gây ra các cơn đau khớp... Triệu chứng bệnh xảy ra đột ngột, các cơn đau khớp xảy ra dữ dội đến âm ỉ, thường xuất hiện vào ban đêm.
Các triệu chứng điển hình của bệnh Gout như sau:
- Đau khớp dữ dội: Chủ yếu là đau khớp ngón chân, mắt cá chân, đầu gối, đau khớp ngón tay, cổ tay và khuỷu tay. Tần suất xảy ra ít hơn ở khớp háng, vùng chậu, vai... Cơn đau khớp trở nên nghiêm trọng nhất trong vòng từ 4 – 12 giờ đầu tiên sau khi khởi phát. Các tinh thể lắng đọng tại khớp sẽ dẫn đến quá trình viêm và đau nhức xương khớp;
- Đau nhức xương khớp âm ỉ, kéo dài: Sau cơn đau dữ dội của đợt cấp, người bệnh sẽ có những triệu chứng đau âm ỉ trong thời gian dài, cơn đau có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần, tần suất lần đau sau sẽ mạnh và kéo dài hơn lần trước;
- Viêm và sưng tấy: Các khớp bị ảnh hưởng trở nên sưng, nóng, đỏ, mềm;
- Giới hạn khả năng hoạt động khớp: Khi bệnh Gout tiến triển, người bệnh không cử động khớp được như bình thường.
3. Biến chứng của bệnh Gout
Bên cạnh triệu chứng đau nhức xương khớp như sưng đau khớp ngón chân, ngón tay... Người bệnh còn có thể gặp các biến chứng sau nếu không điều trị bệnh kịp thời:
- Sỏi thận: Theo thống kê khoảng 20% người bệnh Gout bị sỏi thận, nguyên nhân là do sự tích tụ tinh thể urat và calci tạo thành sỏi. Sỏi thận làm tắc nghẽn và nhiễm trùng đường tiểu, suy giảm chức năng thận;
- Giảm mức độ lọc của cầu thận;
- Mức độ nặng của Gout liên quan đến tỷ lệ cao của bệnh tim thiếu máu;
- Nguy cơ hoại tử khớp, tàn phế khi các hạt Tophi vỡ gây loét, tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng dẫn đến viêm khớp;
- Tăng nguy cơ đột quỵ, đau tim và các bệnh lý về tim mạch;
- Thoái hóa khớp;
- Tăng nguy cơ mắc ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến tiền liệt;
- Các vấn đề về sức khỏe tâm thần;
- Rối loạn cương dương ở nam giới.
4. Phương pháp điều trị Gout
Các phương pháp điều trị bệnh Gout cụ thể như sau:
- Phương pháp điều trị bằng thuốc: Thuốc giảm đau, kháng viêm như Colchicine, Allopurinol có tác dụng ức chế sự hình thành acid uric. Các loại thuốc này cần được chỉ định bởi bác sĩ điều trị;
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học bằng cách hạn chế các loại thức ăn có chứa hàm lượng Purin cao như hải sản, nội tạng động vật, thịt đỏ, một số loại đậu... Không hút thuốc lá, uống rượu bia hoặc dùng các chất kích thích;
- Luyện tập thể thao để có được sức khỏe lành mạnh; giảm cân nếu người bệnh đang trong tình trạng thừa cân, béo phì; uống đủ lượng nước trong ngày (2 – 3 lít nước) và kiềm hóa nước tiểu bằng Natri Bicacbonat;
- Giảm căng thẳng, stress;
- Điều trị bằng phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp viêm khớp kéo dài. Lúc này, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt bỏ lớp bao hoạt dịch khớp. Trường hợp khớp bị hư hoàn toàn có thể chỉ định thay bằng khớp nhân tạo.
5. Phòng ngừa bệnh Gout
Một số phương pháp phòng ngừa bệnh Gout như sau:
- Thăm khám bác sĩ nếu người bệnh xuất hiện các triệu chứng của bệnh Gout, không tự ý sử dụng thuốc mà cần được thăm khám và chẩn đoán bởi bác sĩ điều trị;
- Tái khám theo đúng định kỳ sẽ giúp người bệnh kiểm soát được tình trạng bệnh, xử lý được những vấn đề bất thường;
- Luyện tập thể dục hàng ngày;
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học;
- Hạn chế ăn các loại thịt đỏ, hải sản và nội tạng động vật.
Hiện nay cùng với sự phát triển của xã hội, nguy cơ và tỉ lệ mắc bệnh Gout ngày càng tăng lên và có xu hướng trẻ hóa. Vì vậy người bệnh cần đến cơ sở y tế thăm khám khi có các triệu chứng điển hình của bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.