Chủng vi khuẩn Streptococcus/ Streptococci hay còn gọi là liên cầu khuẩn là một chi vi khuẩn gram dương. Sự phân chia tế bào diễn ra theo dọc theo một trục duy nhất nên các vi khuẩn này thường có hình dạng chuỗi các hình cầu nối tiếp nhau, đó là nguồn gốc của tên tiếng Việt liên cầu khuẩn.
1. Các loại chủng vi khuẩn streptococcus
Có rất nhiều chủng vi khuẩn streptococcus khác nhau, phổ biến nhất là các chủng streptococcus gây viêm họng. Ngoài ra còn có những chủng streptococcus khác tác động đến nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể, trong đó có cả tim mạch.
Vi khuẩn streptococcus được chia thành nhiều nhóm, trong đó có 4 nhóm chính: A ,B,C và G.
2. Chủng vi khuẩn streptococcus nhóm A
Chủng vi khuẩn streptococcus (GAS) thường gây bệnh ở các cơ quan vùng họng và da. Bệnh nhân nhiễm GAS có thể không xuất hiện triệu chứng rõ rệt. Trong đa số các trường hợp, streptococcus nhóm A chỉ có triệu chứng rất nhẹ và dễ điều trị, tuy nhiên trong một số trường hợp, streptococcus nhóm A có thể dẫn đến tình trạng nặng hơn thậm chí có thể gây tử vong.
Chủng vi khuẩn streptococcus nhóm A thường lây lan qua qua tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc mũi và miệng của người bệnh, hoặc qua vết thương hở trên da. Những bệnh mà nhóm vi khuẩn này có thể gây ra bao gồm:
2.1 Viêm họng
Nhìn chung, các trường hợp viêm họng thường nhẹ và không đáng lo ngại nhưng cũng sẽ gây đau đớn rất nhiều cho bệnh nhân. Các triệu chứng viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A bao gồm viêm họng tiến triển nhanh, nuốt đau, sốt, sưng đỏ amidan (một số trường hợp có xuất hiện mủ), các nốt đỏ trên vòm miệng, và sưng hạch phía trước cổ. Viêm họng thường đi kèm với đau đầu, đau bụng, chóng mặt, buồn nôn đặc biệt ở trẻ em. Triệu chứng thường xuất hiện từ hai đến năm ngày sau khi nhiễm bệnh. Viêm họng do liên cầu khuẩn thường khó chẩn đoán bằng mắt thường và cần xét nghiệm y khoa để có thể có kết quả chính xác nhất.
Trong khi hầu hết các trường hợp viêm họng là do virus, viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A là viêm họng do vi khuẩn nên chỉ có thể điều trị bằng kháng sinh. Bất cứ độ tuổi nào cũng có thể bị viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A, tuy nhiên nhóm tuổi học sinh đi học từ 5 đến 15 tuổi và phụ huynh thường có nguy cơ lây nhiễm cao hơn các nhóm khác.
2.2 Sốt tinh hồng nhiệt (sốt Scarlet)
Là một tình trạng bệnh với triệu chứng đặc thù là viêm đỏ họng, viêm đỏ kèm các nốt sần sùi trên lưỡi. Một số triệu chứng khác bao gồm sốt, hạch cổ, mảng trắng trên lưỡi và các mảng phát ban đỏ ở vùng dưới cánh tay, cùi chỏ và bẹn.
Các triệu chứng sớm thường là số và đau họng. Các mảng phát ban thường xuất hiện sau 1 hoặc 2 ngày, tuy nhiên trong một số trường hợp có thể xuất hiện trước khi có các triệu chứng khác từ 1 đến 7 ngày.
Đây là bệnh rất dễ lây, nó lây truyền qua đường không khí khi tiếp xúc với dịch bắn ra do người bệnh ho hoặc hắt xì. Hít thở dịch bắn, dùng tay chạm vào các bề mặt nhiễm khuẩn rồi đưa lên mũi hoặc miệng, dùng chung ly hoặc dụng cụ ăn uống đều có thể gây lây nhiễm.
Sốt tinh hồng nhiệt có thể được điều trị bằng kháng sinh, biến chứng có thể bao gồm viêm amidan mủ, hạch cổ, viêm xoang và viêm tai.
2.3 Thấp tim
Thấp tim là một bệnh viêm tự miễn phát sinh sau khi có nhiễm khuẩn từ đường họng hoặc miệng, thường do chủng vi khuẩn streptococcus nhóm A gây nên. Nếu không được điều trị đúng cách trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 tuần sau khi nhiễm bệnh do liên cầu khuẩn ở vùng hầu họng, bệnh có thể phát triển thành thấp tim.
Bệnh thấp tim thường phổ biến ở trẻ em từ 5 đến 15 tuổi và ảnh hưởng đều đặn đến cả nam và nữ. Nó có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng tại các bộ phận như tim, khớp, não và da. Liên quan đến tim mạch, thấp tim có thể để lại hậu quả lâu dài như viêm cơ tim, dày dính van tim, hủy hoại van tim, rối loạn nhịp tim, suy tim, đột quỵ, hoặc thậm chí dẫn đến tử vong.
2.3 Bệnh chốc (Impetigo)
Bệnh chốc là tình trạng viêm nhiễm ở thượng bì, thường do vi khuẩn nhiễm vào da thông qua vết cắt, trầy xước hoặc do côn trùng cắn. Triệu chứng gồm có ngứa, các vết loét hoặc mụn nước bao quanh bởi các mảng đỏ trên da, thường là mặt, cánh tay hoặc chân, có thể có mủ.
Bệnh chốc rất dễ lây, có thể lây qua đường tiếp xúc trực tiếp với vết thương hở hoặc dịch mũi của người bệnh. Bệnh có thể được điều trị bằng kháng sinh. Viêm cầu thận sau khi nhiễm liên cầu khuẩn còn được gọi là Post-Streptococcal Glomerulonephritis ( PSGN) là một biến chứng của nhiễm chủng vi khuẩn Streptococcus nhóm A.
Là một biến chứng nghiêm trọng, PSGN là hệ quả của hệ miễn dịch phản ứng thái quá với liên cầu khuẩn nhóm A, gây ra các tốt thương ở thận. Bệnh thường xuất hiện khoảng 10 ngày sau viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A hoặc sốt tinh hồng và 3 tuần sau viêm da do liên cầu khuẩn nhóm A.
Các triệu chứng bao gồm nước tiểu tối màu, màu nâu đỏ, phù mặt , bàn tay và bàn chân, giảm lượng nước tiểu, mệt mỏi. Bệnh nhân được điều trị theo hướng xử lý triệu chứng, kiêng ăn muối và giảm uống nước, sử dụng thuốc giảm phù. Có thể dùng kháng sinh để tiêu diệt hết chủng vi khuẩn Streptococcus nhóm A còn sót lại trong cơ thể. Hầu hết bệnh nhân sẽ hồi phục sau vài tuần, nhưng trong một số trường hợp có thể dẫn đến tổn thương thận vĩnh viễn và suy thận.
3. Chủng vi khuẩn Streptococcus nhóm B
Liên cầu khuẩn nhóm B còn được gọi là GBS, có thể gây bệnh với mọi lứa tuổi, tuy nhiên rất nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh. Nó có thể gây ra các tình trạng rất nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh như nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm màng não. Ở người lớn. liên cầu khuẩn nhóm B có thể gây ra các bệnh như viêm đường tiết niệu, viêm da, nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm khớp và xương.
Ở trẻ em, chủng vi khuẩn Streptococcus nhóm B bao gồm 2 nhóm là nhóm xuất hiện sớm và nhóm xuất hiện trễ. Đối với nhóm xuất hiện sớm, bệnh thường xuất hiện ở trẻ dưới 1 tuần tuổi, và thường được lây từ mẹ sang con trong khi sinh. Triệu chứng của nhóm này thường xuất hiện từ vài giờ sau khi sinh cho đến vài ngày, bao gồm nhũn toàn thân, không phản ứng, kém bú, thở khò khè, nhịp thở và nhịp tim nhanh hoặc chậm bất bình thường. Sử dụng kháng sinh trong quá trình sinh có thể ngăn chặn việc lây nhiễm GBS từ mẹ sang con.
Đối với nhóm xuất hiện trễ, triệu chứng thường xuất hiện từ trên 1 tuần tuổi cho đến 3 tháng tuổi. Thường được lây từ mẹ sang con hoặc từ các nguồn lây bên ngoài khác. Với tiến bộ khoa học và các biện pháp phòng tránh, tỷ lệ nhiễm GBS ở trẻ em đã giảm đến một con số rất thấp theo dữ liệu của CDC Hoa Kỳ.
Ở người lớn, tần suất nhiễm chủng vi khuẩn Streptococcus nhóm B ít hơn ở trẻ sơ sinh, nhưng bất cứ đối tượng nào cũng có thể bị nhiễm. Hiện nay đường lây nhiễm của vi khuẩn nhóm B chưa được xác định rõ ràng nhưng nhóm vi khuẩn này được phát hiện có mặt ở đường tiêu hoá và đường sinh dục tiết niệu, đây cũng có thể là nguồn lây.
Ở một số trường hợp nặng dẫn đến chứng nhiễm trùng máu, liên cầu khuẩn nhóm B có thể gây tử vong. Theo số liệu từ CDC hoa kỳ, 1 trên 20 người lớn ( ngoại trừ phụ nữ có thai) tử vong khi nhiễm những chủng liên cầu khuẩn nhóm B xâm lấn. Nhóm người trẻ và không có bệnh nền có tỷ lệ tử vong thấp hơn rất nhiều.
4. Chủng vi khuẩn Streptococcus nhóm C và nhóm G
Có rất ít nghiên cứu về 2 nhóm này do các bệnh được gây ra bởi 2 nhóm này thường không phổ biến.
Chủng vi khuẩn Streptococcus nhóm C và nhóm G thường sống ở động vật như ngựa , trâu bò và có tểh lây qua người thông qua sưa tươi hoặc tiếp xúc trực tiếp với những động vật này. Những nhóm liên cầu khuẩn này còn có thể sống khu trú ở họng và da của người, đặc biệc là các vùng da bị chàm hoặc bề mặt niêm mạc nhưng âm đạo hoặc hậu môn.
Các bệnh gây ra bởi 2 nhóm vi khuẩn này có thể được chữa trị bằng kháng sinh, tuy nhiên vẫn có những trường hợp diễn tiến nặng và có thể tử vong, nhất là khi vi khuẩn xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng máu.
Chủng vi khuẩn Streptococcus có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe cũng như gây ra bệnh thấp tim. Tuy nhiên, việc hiểu rõ về chúng và các biện pháp đề phòng hiệu quả có thể giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch của bạn và của gia đình. Hãy luôn tuân thủ các hướng dẫn từ chuyên gia y tế và thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân để giảm nguy cơ nhiễm bệnh.