Các chấn thương gây tụ máu ở gan

Tụ máu ở gan thường là hậu quả do chấn thương, va dập hoặc xuyên thủng. Bệnh nhân có triệu chứng đau bụng, đôi khi lan lên vai. Chẩn đoán chấn thương gan được thực hiện bằng chụp CT hoặc siêu âm. Phương pháp xử trí chủ yếu là theo dõi, đôi khi phải phẫu thuật.

1. Nguyên nhân gây tụ máu ở gan

Tụ máu gan có thể gây ra do những tác động mạnh (ví dụ, tai nạn xe) hoặc vết thương xuyên thủng (như vết dao đâm, vết đạn bắn). Chấn thương gan bao gồm các khối máu tụ dưới bao, các vết rách bao nhỏ, có khi là các vết rách sâu vào nhu mô và đứt cuống mạch.

Những tổn thương ở gan được phân loại theo 6 độ mức độ nghiêm trọng. Hậu quả tức thì của chấn thương gan thường là xuất huyết. Lượng máu chảy có thể ít hoặc nhiều tùy theo tính chất và mức độ thương tổn. Đối với vết rách nhỏ, đặc biệt ở trẻ em, tụ máu ở gan có thể tự ngưng. Các tổn thương lớn tại vùng bụng bên phải có thể dẫn đến xuất huyết trầm trọng, gây ra sốc mất máu. Tỷ lệ tử vong tăng cao nếu bệnh nhân bị tổn thương gan mức độ nặng.

2. Dấu hiệu nhận biết gan bị tụ máu

Bệnh nhân tụ máu ở gan có biểu hiện xuất huyết ổ bụng nghiêm trọng, bao gồm sốc mất máu, đau quặn bụng, cảm ứng phúc mạc và chướng bụng. Những triệu chứng này hầu như có thể phát hiện được trên lâm sàng. Theo đó, dấu hiệu xuất huyết nhỏ hoặc khối máu tụ ở gan dẫn tới đau bụng và phản ứng thành bụng ở vị trí bụng 1/4 trên phải.

Tùy thuộc vào mức độ chấn thương gan nhẹ hay nặng, bác sĩ sẽ có hướng xử lý phù hợp. Hầu hết những trường hợp được nghi ngờ tụ máu ở gan cần bất động tại giường, phải thực hiện hồi sức tích cực và theo dõi sát bằng các phương tiện thăm dò chẩn đoán hiện đại, bao gồm chụp cắt lớp vi tính, siêu âm, chụp mạch. Nếu bệnh nhân tụ máu gan mức độ nặng có biểu hiện sốc chấn thương và giảm khối lượng tuần hoàn (da và niêm mạc nhợt nhạt, ngất hoặc choáng váng, khó bắt mạch hoặc không bắt được do mạch nhanh nhỏ) thì nên can thiệp mổ sớm.


Người bệnh có thể gặp tình trạng đau quặn bụng do tụ máu ở gan
Người bệnh có thể gặp tình trạng đau quặn bụng do tụ máu ở gan

3. Điều trị tụ máu ở gan

Bệnh nhân bị chấn thương gan dẫn đến tụ máu thường được theo dõi các chỉ số huyết động, dấu hiệu sinh tồn và can thiệp khi có dấu hiệu bất thường trong thời gian theo dõi. Tụ máu gan mức độ nặng đôi khi cần can thiệp gây tắc mạch hoặc phẫu thuật.

Nếu bệnh nhân ổn định huyết động và không có chỉ định phẫu thuật mở bụng (ví dụ thủng tạng rỗng) thì có thể được theo dõi qua dấu hiệu sinh tồn và chỉ số HCT (Hematocrit). Cần can thiệp với những bệnh nhân đang xuất huyết nhiều (chẳng hạn như những người có tình trạng hạ huyết áp và sốc, phải truyền máu liên tục hoặc chỉ số HCT giảm). Với những bệnh nhân tụ máu gan có dấu hiệu sinh tồn ổn định nhưng cần được truyền máu liên tục, cần tiến hành chụp mạch và nút mạch có chọn lọc. Trường hợp bệnh nhân toàn trạng không ổn định, nên cân nhắc phẫu thuật mở bụng.

Tỷ lệ thành công trong điều trị tụ máu ở gan không phẫu thuật ứng với từng mức độ tổn thương là:

  • Tổn thương độ 1 và 2: Khoảng 92%
  • Tổn thương độ 3: Khoảng 80%
  • Tổn thương độ 4: Khoảng 72%
  • Tổn thương độ 5: Khoảng 62%

Trong quá trình phẫu thuật, các vết rách nhỏ thường được khâu hoặc thực hiện cầm máu bằng các chất như xenlulose oxy hoá, keo fibrin, hỗn hợp thrombin và bột gelatin. Phẫu thuật mở bụng đối với những thương tổn sâu và phức tạp hơn thường gặp nhiều khó khăn.

4. Biến chứng do tụ máu ở gan và hướng xử trí

Tỷ lệ biến chứng chung khi bị tụ máu ở gan là <7%, tuy nhiên có thể lên đến 15 - 20% đối với các tổn thương ở mức độ nặng. Vết rách nhu mô sâu có nguy cơ dẫn đến rò mật hoặc hình thành tụ mật. Khi bị rò mật, mật rò rỉ tự do vào khoang bụng hoặc ngực. Trong khi đó, tụ mật là sự hình thành một khối chứa mật giống như áp xe. Tụ mật thường được xử trí bằng dẫn lưu qua da. Đối với rò mật, cần làm giảm áp đường mật thông qua nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP), đây là phương pháp có tỷ lệ thành công cao.


Nội soi mật tụy ngược dòng được sử dụng giảm áp đường mật trong tụ máu ở gan
Nội soi mật tụy ngược dòng được sử dụng giảm áp đường mật trong tụ máu ở gan

Áp xe xảy ra trong khoảng 3-5% chấn thương gan, tình trạng này thường là do các mô bị phân hủy khi tiếp xúc mật. Khi nghi ngờ biến chứng này ở những bệnh nhân đau, sốt và tăng bạch cầu trong những ngày tụ máu gan, cần tiến hành chụp CT khẳng định chẩn đoán. Áp xe thường được điều trị bằng cách dẫn lưu qua da, nếu không thành công thì cần cân nhắc phẫu thuật mở bụng.

Sau khi điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về thời gian lưu trú ở ICU, ở lại bệnh viện, phục hồi bằng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hoặc hạn chế hoạt động sau khi được xuất viện.

Hiện nay, nhiều phương pháp mới trong xử trí chấn thương và tụ máu ở gan đã được áp dụng, như phẫu thuật nội soi, gây tắc mạch khi điều trị chảy máu,... Khi nhận thấy triệu chứng tụ máu ở gan, nghi ngờ do chấn thương, bệnh nhân cần đến khám bác sĩ chuyên khoa để được xử lý và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe