Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thi Diễm Thúy - Bác sĩ tư vấn vắc-xin - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Virus HPV là một trong những Virus lây nhiễm qua đường tình dục. Có nhiều type HPV khác nhau. Trong đó có một số type có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe trong đó có ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Tuy vậy, hiện đã có vắc xin phòng ngừa virus HPV.
1. Ung thư cổ tử cung là gì? Nguyên nhân gây bệnh?
Ung thư cổ tử cung là tổn thương ác tính phát triển tại cổ tử cung dưới nhiều dạng: chồi, sùi, loét, polyp, hoặc thâm nhiễm, dễ chảy máu.
Ung thư xuất hiện khi các tế bào cổ tử cung biến đổi và phát triển bất thường một cách không kiểm soát. Ung thư cổ tử cung có thể là ung thư xâm lấn tại chỗ hoặc lan rộng đến các cơ quan khác của cơ thể và gây tử vong.
Theo các nghiên cứu, hơn 99 % các trường hợp ung thư cổ tử cung có sự hiện diện của vi rút gọi là Human papillomavirus thuộc týp nguy cơ cao.
Human papillomavirus hay còn gọi là virus HPV, là loại virus với hơn 100 tuýp, trong đó có khoảng 15 tuýp có khả năng gây ung thư gọi là tuýp “nguy cơ cao” và phổ biến nhất là các tuýp HPV 16 và 18, gây ra hơn 70% trường hợp ung thư cổ tử cung trên toàn cầu, kế đến là tuýp 31 và 45.
2. Virus HPV lây truyền như thế nào?
HPV lây truyền qua đường tình dục. Có thể bị nhiễm HPV từ người bị nhiễm qua quan hệ tình dục bằng miệng, hậu môn và âm đạo. Bệnh hoàn toàn có thể lây sang người lành ngay cả khi người bệnh không có bất cứ biểu hiện hay triệu chứng nào của bệnh.
Lây nhiễm virus HPV không phụ thuộc vào số lượng người tình. Người bệnh vẫn có thể bị nhiễm HPV ngay cả khi chỉ quan hệ với một người. Nguy cơ nhiễm sẽ cao hơn không chỉ HPV mà còn các bệnh qua đường tình dục khác nếu bạn quan hệ với nhiều bạn tình.
HPV đề kháng với nhiệt và trong điều kiện khô. Do đó, virus này còn lây truyền không qua đường tình dục như các dụng cụ cắt móng tay chân, kim bấm sinh thiết, đồ lót...
HPV có thể lây truyền dọc từ mẹ sang con trong lúc sinh và gây ra đa bướu gai đường hô hấp.
3. Triệu chứng nhiễm vi rút HPV?
Tùy vào khả năng gây ung thư hay không, mà người ta chia các chủng HPV ra làm 2 nhóm:
- Nhóm HPV nguy cơ thấp: Chỉ gây mụn cóc ở tay chân, mồng gà ở vùng hậu môn, sinh dục, u nhú đường hô hấp hay tăng sản biểu mô khoang miệng.
- Nhóm HPV nguy cơ cao: Có khoảng 15 chủng HPV nguy cơ cao, có thể tồn tại lâu dài, làm biến đổi tế bào cổ tử cung một cách bất thường, không kiểm soát, gây ra các tổn thương từ mức độ thấp và cao rồi tiến triển dần thành ung thư cổ tử cung và các ung thư khác. Tiến trình này có thể mất hơn 10 năm.
4. Phòng ngừa virus HPV bằng cách nào?
Tiêm phòng vắc xin: Vắc xin phòng ngừa HPV rất an toàn và có hiệu quả phòng bệnh. Tiêm vắc xin ung thư cổ tử cung cho các đối tượng trong nhóm tuổi khuyến cáo tiêm phòng giúp cho đối tượng này đề kháng với các bệnh gây ra bởi vi rút HPV.
Sàng lọc định kỳ phát hiện ung thư cổ tử cung: Sàng lọc định kỳ cho phụ nữ trong độ tuổi từ 21 đến 65 có thể giúp phòng chống ung thư cổ tử cung.
Khi quan hệ tình dục: Sử dụng bao cao su đúng cách mọi lúc có quan hệ, điều này giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm HPV nhưng HPV có thể lây lan vào vùng cơ quan không được bao cao su che phủ, do đó bạn phải ý thức rằng bao cao su có thể không thể giúp bảo vệ bạn hoàn toàn khỏi vi rút HPV; Quan hệ chung thủy với một bạn tình, một vợ một chồng cũng giúp hạn chế nguy cơ lây lan HPV.
5. Liều và lịch tiêm vắc xin ung thư cổ tử cung?
Tiêm phòng ung thư cổ tử cung đủ liệu trình là rất quan trọng để đạt được hiệu quả phòng bệnh HPV
Tiêm phòng ung thư cổ tử cung đủ liệu trình là rất quan trọng để đạt được hiệu quả phòng bệnh HPV. 2 loại vắc xin phòng ngừa vi rút HPV được sử dụng tại Việt Nam gồm: Gardasil (Mỹ) và Cervarix (Bỉ).
Hai loại vắc xin này có một số điểm khác nhau cơ bản về số lượng chủng vi rút HPV có thể phòng ngừa, đối tượng tiêm, lịch tiêm cũng như tác dụng phòng ngừa.
Vắc xin Gardasil:
- Phòng 4 tuýp HPV đó là 6, 11, 16 và 18;
- Độ tuổi tiêm cho nữ giới từ 9 tuổi đến 26 tuổi;
- Vắc xin này cần phải tiêm 3 mũi phòng ung thư cổ tử cung: Mũi 1 là ngày tiêm mũi đầu tiên; mũi 2 là 2 tháng sau mũi đầu tiên; mũi 3 là 6 tháng sau mũi đầu tiên.
Vắc xin Cervarix:
- Phòng 2 tuýp HPV (16 và 18);
- Độ tuổi tiêm cho nữ giới từ 10 tuổi đến 25 tuổi;
- Vắc xin này cũng cần phải tiêm 3 mũi chống ung thư cổ tử cung: Mũi 1 là ngày tiêm mũi đầu tiên; mũi 2 là 1 tháng sau mũi đầu tiên; mũi 3 là 6 tháng sau mũi đầu tiên.
6. Phụ nữ mang thai có tiêm vắc xin HPV được không?
Không nên tiêm phòng ung thư cổ tử cung trong thời gian mang thai hoặc dự tính sẽ có thai trong vòng 6 tháng sắp tới và cho con bú.
Trường hợp đang trong thời gian tiêm phòng HPV mà phát hiện có thai thì thai phụ cần phải dừng tiêm. Sau khi sinh con xong mới tiêm những mũi tiếp theo, nhưng thời gian hoàn tất cả 3 mũi tiêm không được quá hơn 2 năm.
Nếu lỡ tiêm vacxin phòng ung thư cổ tử cung và phát hiện mang thai thì cũng không có khuyến cáo phải bỏ thai.
7. Có cần làm xét nghiệm trước khi tiêm vắc xin HPV?
Không cần làm xét nghiệm HPV và xét nghiệm pap smear trước khi quyết định tiêm vắc xin HPV.
8. Tác dụng phụ khi tiêm phòng vắc xin HPV?
Vắc xin HPV khá an toàn, đã được nghiên cứu và vẫn đang tiếp tục theo dõi. Tác dụng phụ có thể xảy ra gồm:
- Sưng nóng, đỏ, đau nơi ở vết vừa tiêm.
- Sốt nhẹ.
- Tác dụng phụ hiếm gặp khác như nhức đầu, ngất xỉu, viêm tủy cắt ngang (rất hiếm).
Do vậy, sau khi tiêm phòng vắc xin phòng ung thư cổ tử cung do HPV, chị em cần ở lại theo dõi tại địa điểm tiêm trong 30 phút và tiếp tục theo dõi các ngày sau đó tại nhà.
9. Có cần tiêm nhắc lại sau 3 mũi tiêm vaccine HPV không?
Hiệu quả bảo vệ của vắc xin HPV kéo dài sau khi hoàn tất 3 mũi tiêm. Không có khuyến cáo cần thiết phải tiêm nhắc lại sau 3 mũi tiêm này.
10. Nam giới có thể nhiễm virus HPV không?
Nam giới và nữ giới đều có khả năng bị nhiễm HPV và truyền bệnh qua lại một cách bình thường chứ không chỉ riêng phụ nữ mới vị loại vi rút này. HPV được lây từ phụ nữ sang nam giới qua các con đường sau:
- Quan hệ tình dục quá sớm, quan hệ không an toàn
- Có nhiều bạn tình
- Quan hệ với bạn tình đã từng có nhiều bạn tình khác
Mụn cóc sinh dục là một trong những biểu hiện điển hình của tình trạng nhiễm HPV ở nam giới. Mụn cóc sinh dục hay còn gọi là sùi mào gà xuất hiện ở vùng sinh dục của nam giới như: da quy đầu, thân dương vật, miệng niệu đạo, bìu, quanh hậu môn, vùng xương mu... Biểu hiện của các mụn này là: Mụn có thể nhô hay bẹt, nhỏ hoặc lớn; không đau...
Khi Sàng lọc ung thư cổ tử cung tại Vinmec, khách hàng được áp dụng xét nghiệm phát hiện sớm ung thư cổ tử cung ThinPrep Pap Test, phương pháp được Cơ quan Quản lý thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận đưa vào sử dụng từ tháng 05/1996. Phương pháp mới này hiện đang được sử dụng phổ biến tại Mỹ, Châu Âu. ThinPrep Pap Test đã tạo ra bước ngoặt đối với phương pháp Pap smear truyền thống, thông qua công nghệ chuyển tế bào có kiểm soát bằng màng lọc, giúp làm tăng độ nhạy và độ đặc hiệu trong việc phát hiện các tế bào tiền ung thư, đặc biệt là tế bào biểu mô tuyến, một loại tế bào ung thư rất khó phát hiện. Đồng thời qua đó có thể thực hiện xét nghiệm HPV test để xác định phụ nữ nhiễm HPV các nhóm nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung.
Nguồn tham khảo: Bvydhue.com và Cih.com.vn
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.