Nhịp tim nhanh gây nhiều triệu chứng khó chịu, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, người bệnh cần áp dụng các cách ổn định nhịp tim lâu dài bằng việc phối hợp nhiều phương pháp cùng lúc.
1. Tạm thời ngừng các hoạt động, nghỉ ngơi và làm mát cơ thể
Nếu bạn đột ngột bị tim đập nhanh thì nên dừng lại các công việc mà mình nên thực hiện. Sau đó, bạn tìm chỗ thoáng mát để nghỉ ngơi hoặc nằm nghỉ thoải mái. Trong khi nghỉ ngơi, bạn hãy suy nghĩ tích cực, tưởng tượng về những điều khiến bạn cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Đồng thời, ngồi thiền hoặc hít thở sâu cũng giúp ổn định nhịp tim. Lúc này bạn không nên vận động mạnh hoặc gắng sức vì việc này sẽ khiến tim phải hoạt động nhiều hơn để cung cấp đủ máu tới các cơ quan. Tất nhiên là điều này sẽ khiến tình trạng tim đập nhanh càng nặng thêm.
Ngoài ra, nhiệt độ môi trường tăng cao cũng dễ làm tim đập nhanh. Do đó, cách để nhịp tim ổn định là làm mát cơ thể bằng việc mặc quần áo mỏng và mát. Đồng thời, bạn có thể dùng nước mát để giải nhiệt, rửa mặt bằng nước lạnh hay tắm dưới vòi hoa sen. Rửa mặt bằng nước lạnh giúp kích thích dây thần kinh X - dây thần kinh phế vị. Đây là dây thần kinh chi phối nhiều hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, trong đó có nhịp tim. Khi dây thần kinh X bị kích thích bằng cách trên thì nhịp tim có thể ổn định lại.
2. Cách làm nhịp tim ổn định là cân bằng điện giải
Rối loạn điện giải như canxi, kali, magie, natri,... là nguyên nhân thường gặp gây rối loạn nhịp tim. Do vậy, những bệnh gây mất cân bằng điện giải như tiêu chảy, sốt cao, ra quá nhiều mồ hôi,... có thể dẫn tới rối loạn nhịp tim. Đó là lý do bạn nên bổ sung nước và các chất điện giải cho cơ thể để ổn định nhịp tim. những dấu hiệu cơ thể đang thiếu nước là nước tiểu sẫm màu, chóng mặt, khô miệng,... Việc uống đủ 2 lít nước/ngày kể cả khi không khát cũng giúp ổn định nhịp tim tốt hơn.
Bổ sung chất điện giải từ thực phẩm sẽ an toàn hơn cả. Các loại trái cây chứa nhiều kali là cam, chuối, táo, nước dừa. Magie có trong hạt điều, hạnh nhân, yến mạch, ngũ cốc,... Canxi có trong tôm, cua, sữa, phomai,... Còn natri có trong các thực phẩm từ sữa, thịt. Bạn không nên bổ sung natri từ muối hoặc bột canh.
3. Cách để nhịp tim ổn định - nghiệm pháp Valsalva
Nghiệm pháp Valsalva là 1 trong những cách điều trị tim đập nhanh tại nhà cấp tốc khá hiệu quả. Nghiệm pháp này có tác dụng làm tăng cung lượng tim và huyết áp nhanh chóng nhưng sau đó huyết áp và nhịp tim sẽ giảm xuống từ từ.
Cách thực hiện: Bịt mũi, ngậm miệng, hít vào 1 hơi thật sâu rồi ép hơi thở ra thật mạnh (nhưng không cho hơi ra). Nếu sau khi thực hiện lần đầu mà nhịp tim vẫn không giảm xuống thì bạn hãy chuyển sang các cách trị nhịp tim nhanh khác. Tuyệt đối không được lặp lại nghiệm pháp này lần 2.
Lưu ý: Những người bị xuất huyết, mới phẫu thuật tai hoặc phẫu thuật thần kinh trung ương không nên áp dụng nghiệm pháp này.
4. Ho để ổn định nhịp tim
Các triệu chứng tim đập nhanh, khó thở, hồi hộp,... có thể giảm nhẹ khi bạn ho mạnh. Việc ho vài cái trước khi bắt đầu 1 sự kiện quan trọng cũng giúp bạn giữ cho tinh thần ổn định hơn. Nguyên nhân là khi ho thì thành lồng ngực sẽ chịu áp lực. Áp lực này có thể khiến tim đập chậm lại. Đây là biện pháp đơn giản, có thể áp dụng ngay lập tức mà không cần chuẩn bị gì.
5. Cách ổn định nhịp tim: Xoa động mạch cảnh
Bạn có thể kiểm soát chứng tim đập nhanh chỉ sau vài phút bằng cách thực hiện massage nhẹ nhàng động mạch cảnh. Động mạch cảnh nằm ở 2 bên cổ sát với dây thần kinh X. Việc xoa nhẹ nhàng động mạch cảnh trong 5 - 10 giây giúp kích thích dây thần kinh X, làm giảm nhịp tim.
Tuy nhiên, khi áp dụng cách làm ổn định nhịp tim này, bạn cần lưu ý:
- Không xoa hoặc đè ép quá mạnh vào động mạch cảnh;
- Chỉ xoa 1 bên động mạch cảnh. Không nên xoa 2 bên cùng lúc;
- Không áp dụng cách này cho bệnh nhân bị xơ vữa động mạch cảnh, từng bị nhồi máu cơ tim, rung tâm thất, đột quỵ, nhịp nhanh thất trong vòng 3 tháng trở lại đây.
6. Xây dựng chế độ ăn lành mạnh
Ăn gì để nhịp tim ổn định? Theo các chuyên gia tim mạch, chế độ ăn uống có ảnh hưởng không nhỏ đến nhịp tim. 1 phân tích cho thấy, các món ăn từ cá có tác dụng giúp ổn định nhịp tim. Bên cạnh đó, nhiều loại thực phẩm khác cũng nên được thêm vào danh sách này vì chúng rất tốt cho sức khỏe tim mạch.
Cụ thể, cách ổn định nhịp tim nhanh bằng việc thay đổi chế độ ăn như sau:
- Giảm chất béo có hại, tăng cường thực phẩm giàu chất xơ như các loại đậu, hạt lanh, yến mạch, trái cây, cám gạo,...;
- Tăng cường nhóm thực phẩm giàu Omega - 3 như cá ngừ, cá trích, cá hồi, hạt óc chó,...;
- Sử dụng thực phẩm giàu magie và canxi như ngũ cốc, khoai tây, cá hồi, rau màu xanh đậm, sữa ít béo,...;
- Ăn nhiều thực phẩm giúp bảo vệ mạch máu như táo, việt quất, cà chua, mận khô, rau bina,...;
- Giữ đủ nước cho cơ thể, nên uống đồ uống không chứa đường và caffeine, ví dụ như nước lọc và trà thảo mộc;
- Hạn chế chất kích thích như caffeine và nicotine vì chúng có thể gây mất nước, khiến tim phải hoạt động nhiều hơn;
- Hạn chế sử dụng rượu bia vì chúng làm cơ thể mất nước. Đồng thời, rượu bia cũng là 1 chất độc khiến tim phải làm việc nhiều hơn để xử lý và loại bỏ độc tố;
- Hạn chế sử dụng đồ muối chua lên men (cà muối, dưa muối), nước uống có gas, mì chính,... vì chúng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tăng huyết áp - 1 nguyên nhân gây tim đập nhanh.
7. Cách ổn định nhịp tim: Tập thể dục
Các hoạt động thể chất có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của hệ tim mạch. Trái tim càng khỏe mạnh thì việc tuần hoàn máu trong cơ thể càng tốt. Nếu tim đã hoàn thành nhiệm vụ bơm máu thì nó không phải co bóp nhanh, liên tục nữa.
Người bệnh tim đôi khi không dám tập thể dục vì sợ nhịp tim tăng lên. Tuy nhiên, quan niệm này chưa hoàn toàn đúng. Các chuyên gia tim mạch khuyến cáo những người bị rối loạn nhịp tim (nhịp nhanh, nhịp chậm, không đều) đều nên tập thể dục thường xuyên với những bài tập nhẹ nhàng, vừa sức. Bên cạnh đó, việc tập thể dục giúp bạn có vóc dáng cân đối hơn, không bị thừa cân, giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
Bạn nên đi bộ, ngồi thiền, tập yoga, thái cực quyền, đạp xe, bơi lội hoặc tập hít sâu thở chậm,... Các bài tập này giúp khôi phục nhịp đập tự nhiên của trái tim và tăng cường lưu thông máu. Tuy nhiên, khi tập bạn không nên quá gắng sức mà nên tăng cường độ một cách từ từ để cơ thể có thời gian thích nghi. Đồng thời, bạn cũng nên theo dõi nhịp tim khi tập, trao đổi với bác sĩ về việc lựa chọn bài tập, cường độ và thời gian luyện tập phù hợp để ổn định nhịp tim hiệu quả.
8. Giảm căng thẳng và ngủ đủ giấc
Giảm căng thẳng, stress là biện pháp giúp ổn định nhịp tim tại nhà. Căng thẳng có thể khiến adrenaline trong cơ thể tăng đột ngột, dẫn đến tăng nhịp tim. Nhiều người thường chỉ thư giãn khi bị hồi hộp hoặc cảm nhận được tim đang đập nhanh hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến nghị chúng ta nên thư giãn nhiều hơn trong cả ngày bằng cách thiền, nghe nhạc, hít thở sâu,...
Thiếu ngủ kinh niên cũng là nguyên nhân gây căng thẳng cho cơ thể, bao gồm cả tim mạch. Vì vậy, 1 cách làm ổn định nhịp tim đơn giản chính là ngủ đủ giấc. Người trưởng thành nên ngủ khoảng 7 - 9 giờ mỗi ngày.
8. Cách ổn định nhịp tim bằng thuốc
Nếu đã áp dụng những cách làm ổn định nhịp tim tại nhà kể trên nhưng tình trạng vẫn không cải thiện hoặc xuất hiện các triệu chứng cảnh báo bệnh lý tim mạch nguy hiểm thì bệnh nhân nên đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa. Bác sĩ sẽ thăm khám, yêu cầu thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán cần thiết để tìm nguyên nhân bệnh lý và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Ở người bị rối loạn nhịp tim, các bác sĩ thường kê đơn thuốc giúp ổn định nhịp tim như:
- Nhóm thuốc chẹn beta giúp thư giãn mạch máu, ngăn ngừa nguy cơ co mạch gây tăng nhịp tim;
- Thuốc chẹn canxi giúp giãn mạch máu, làm ổn định nhịp tim trở lại;
- Thuốc ức chế kênh kali và thuốc ức chế kênh natri giúp người bệnh kéo dài thời gian dẫn truyền, tim đập ổn định hơn.
Với các thuốc điều trị rối loạn nhịp tim, người bệnh nên sử dụng đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, không nên tự ý dùng thuốc. Việc dùng thuốc sai cách có thể dẫn tới nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, gây khó khăn cho việc kiểm soát nhịp tim, làm tổn thương tim mạch.
Các cách ổn định nhịp tim kể trên đều có tác dụng giúp đưa nhịp tim trở về trạng thái bình thường. Chỉ cần áp dụng đúng cách, người bệnh sẽ giảm được tình trạng đánh trống ngực, hồi hộp hay những nguy cơ tổn thương tim về sau. Tuy nhiên, nếu rối loạn nhịp tim kéo dài đi kèm với những triệu chứng nguy hiểm khác thì người bệnh nên sớm đi khám bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.