Các bước chẩn đoán và điều trị táo bón kéo dài ở trẻ nhỏ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Hồ Thị Hồng Tho - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Nếu không để ý và điều trị sớm, táo bón kéo dài ở trẻ nhỏ làm rối loạn chức năng vị tràng, khiến các chất cặn bã không được đào thải. Việc không đào thải được độc tố lâu ngày có thể gây viêm nhiễm trực tràng và nguy cơ gây bệnh ung thư đại tràng.

1. Chẩn đoán táo bón ở trẻ em

Táo bón là tình trạng đi tiêu gặp khó khăn, mất nhiều thời gian để tống xuất phân ra ngoài và khoảng cách giữa các lần đi tiêu dài hơn bình thường. Tình trạng này xảy ra có thể là dấu hiệu cảnh báo hệ tiêu hóa không khỏe mạnh.

Táo bón rất phổ biến ở trẻ em bởi hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh chưa phát triển hoàn thiện nên bé rất dễ gặp các rối loạn tiêu hóa. Táo bón có thể ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bé, khiến bé biếng ăn, còi cọc, chậm lớn, suy dinh dưỡng..

Phần lớn táo bón ở trẻtáo bón chức năng (90-95%). Các yếu tố góp phần dẫn đến táo bón chức năng rất đa dạng, bao gồm:

  • Xu hướng tự nhiên của trẻ: Một số trẻ nhu động ruột chậm, gây táo bón
  • Hành vi nín nhịn giữ phân: Trẻ mải chơi, nhịn đi cầu làm cho phân to, cứng hơn, làm bị đau sau khi đi tiêu, trẻ lại càng tránh đi cầu, lần sau đi lại càng đau hơn.
  • Do môi trường toilet mới (trẻ mới đi học).
  • Ảnh hưởng từ chế độ ăn bởi một số trẻ có xu hướng dễ táo bón, nếu ăn ít chất xơ sẽ dễ bị táo bón hơn.
  • Táo bón do bệnh lý: Một số bệnh gây táo bón ở trẻ như bệnh Hischsprung, suy giáp, xơ nang, một số bệnh thần kinh, tác dụng phụ của một số thuốc điều trị bệnh ở trẻ...
  • Táo bón ở trẻ sơ sinh có thể do ảnh hưởng từ chế độ ăn của mẹ nếu trẻ bú mẹ hoặc do trẻ sơ sinh dùng sữa công thức.

Chẩn đoán táo bón ở trẻ nếu trẻ có ít nhất 2 trong các dấu hiệu dưới đây:

  • Trẻ đi ngoài dưới 3 lần mỗi tuần, phân ít, cứng hoặc vỡ vụn như phân dê.
  • Trẻ bị táo bón sẽ đi ngoài phân quá rắn, cảm thấy rất căng thẳng và rặn, đau khi đi tiêu.
  • Trẻ chán ăn, đau bụng, chướng bụng dẫn đến chậm lớn; táo bón ở trẻ sơ sinh thường quấy khóc, bỏ bú.
  • Phân có thể lẫn máu vì nứt hậu môn và phân sẽ có mùi khó chịu.
  • Trẻ bị đau bụng vùng dạ dày, giảm và hết đau bụng sau khi đi tiêu.

Táo bón xảy ra có thể là dấu hiệu cảnh báo hệ tiêu hóa không khỏe mạnh.
Táo bón xảy ra có thể là dấu hiệu cảnh báo hệ tiêu hóa không khỏe mạnh.

2. Hậu quả của táo bón kéo dài ở trẻ nhỏ

Nếu không để ý và điều trị sớm, táo bón kéo dài làm rối loạn chức năng vị tràng, khiến các chất cặn bã không được đào thải. Việc không đào thải được độc tố lâu ngày có thể gây viêm nhiễm trực tràng, các chất gây ung thư tích tụ trong đại tràng và trực tràng sẽ dẫn đến căn bệnh ung thư đại tràng.

Táo bón kéo dài ở trẻ em, nếu mẹ để tình trạng này kéo dài không có giải pháp điều trị kịp thời thì sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của trẻ như:

  • Biếng ăn: Táo bón khiến phân tích tụ không thoát ra ngoài, gây chướng bụng, đầy hơi làm trẻ ăn không ngon miệng, chán ăn, khó tiêu,... Từ đó dẫn đến chứng biếng ăn, kém hấp thụ dinh dưỡng gây suy dinh dưỡng.
  • Giảm sức đề kháng: Không được bổ sung đủ chất dinh dưỡng cần thiết sẽ làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể.
  • Bệnh trĩ: Ở trẻ nhỏ, phân ứ đọng lâu ngày trong trực tràng gây cản trở quá trình tuần hoàn máu, lâu dần gây nên bệnh trĩ.
  • Táo bón kéo dài làm rối loạn chức năng vị tràng

3. Điều trị táo bón kéo dài ở trẻ nhỏ

  • Bước 1: Xác định trẻ có bị táo bón hay không và nguyên nhân gây táo bón ở trẻ.
  • Bước 2: Làm rỗng đại tràng, kích thích đại tràng thải phân bằng cách dùng thảo dược nhuận tràng hoặc massage bụng tăng nhu động ruột.
  • Bước 3: Cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho hệ tiêu hóa như vi khuẩn có lợi, chất xơ hòa tan, vitamin C, khoáng chất giúp tiêu hóa hoàn toàn thức ăn.

Táo bón kéo dài làm rối loạn chức năng vị tràng
Táo bón kéo dài làm rối loạn chức năng vị tràng

4. Phòng ngừa táo bón ở trẻ nhỏ

  • Tập thói quen đi cầu hằng ngày cho trẻ, thời gian toilet để khoảng 3-5 phút. Không nên la mắng, đánh đòn nếu trẻ không phối hợp.
  • Chế độ ăn lành mạnh (thức ăn mềm, dễ tiêu, đủ dinh dưỡng): cho trẻ ăn các loại trái cây, rau củ thường xuyên trong và giữa các bữa ăn. Giới hạn lượng sữa bò tiêu thụ mỗi ngày. Trẻ từ 18 tháng tuổi chỉ nên tiêu thụ 500ml sữa bò mỗi ngày. Uống đủ nước.
  • Tăng cường vận động: Việc vận động thường xuyên rất quan trọng, giúp thức ăn di chuyển dọc theo ruột. Việc sử dụng các cơ ở lưng, bụng và đùi giúp ích cho hoạt động của ruột.
  • Đối với táo bón ở trẻ sơ sinh, nếu trẻ bú mẹ, mẹ nên thay đổi chế độ ăn; trẻ bú sữa công thức thì đổi loại sữa công thức bé đang dùng, nếu không biết chọn loại sữa nào phù hợp với bé, bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa hay chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiệm.
  • Trẻ sơ sinh nên massage bụng (theo chiều kim đồng hồ), tập động tác đạp xe (đưa chân lên thì đầu gối chạm vào bụng theo động tác đạp xe đạp) hoặc co duỗi gối (nắm hai cổ chân hoặc cẳng chân của trẻ, đẩy về phía bụng để hai gối trẻ gập lại) để tăng hoạt động của ruột non, ruột già, kích thích nhu động ruột, giúp trẻ đi tiêu dễ dàng.

Nếu trẻ có dấu hiệu táo bón kéo dài, cha mẹ có thể đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám và nhận được sự hỗ trợ, tư vấn từ các bác sĩ và các chuyên gia dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe