Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Thị Thùy Trang - Bác sĩ Nội soi tiêu hóa, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa.
Bệnh co thắt tâm vị là bệnh liên quan đến co thắt thực quản cũng như những hoạt động vận động của thực quản bị rối loạn dẫn đến hẹp tâm vị thực quản, gây ra những ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe của người bệnh. Co thắt thực quản gây rối loạn đến những chức năng của bộ máy tiêu hóa như làm cho bệnh nhân khó nuốt và những biểu hiện toàn thân khác, chẳng hạn như đau ngực, vì vậy cần phát hiện và điều trị sớm nhất có thể.
1. Co thắt thực quản
Co thắt thực quản là bệnh lý bị gây ra bởi tình trạng cơ thắt dưới thực quản không thể tự động mở ra khi thực hiện phản xạ nuốt, dẫn đến hiện tượng thức ăn cũng như nước bọt tiết ra không thể di chuyển từ thực quản xuống dạ dày được. Ngoài ra, co thắt thực quản cũng làm cho nhu động cơ trơn thực quản bị mất đi. Bệnh lý co thắt thực quản có nguyên nhân do sự thoái hóa của cơ thực quản, đặc biệt là do ảnh hưởng từ những dây thần kinh chi phối các cơ thực quản.
Để giải thích cho tình trạng này, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi bệnh nhân bị co thắt thực quản dẫn đến hẹp tâm vị thực quản thì cơ thể sẽ mất những nơron thần kinh ức chế Nitric Oxide và nơron chứa Vasoactive Intestinal Polypeptide trong đám rối thực quản.
Đối với hẹp tâm vị thực quản ở giai đoạn sớm thì đám rối thần kinh ở tạng sẽ bị viêm, đồng thời sẽ xuất hiện sự xâm nhập của các tế bào lympho T. Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn muộn hơn thì sẽ xảy ra tình trạng mất tế bào hạch cũng như những neuron thần kinh sẽ bị xơ hóa ở giai đoạn này. Một số trường hợp thì những nơron ức chế hậu hạch Nitric Oxide và nơron chứa Vasoactive Intestinal Polypeptide sẽ bị mất đi và ngược lại, nơron kích thích sẽ được giữ lại, là nguyên nhân dẫn đến co thắt thực quản và giảm sự giãn cơ thực quản dưới gây nên tình trạng hẹp thực quản.
2. Những dấu hiệu và triệu chứng co thắt tâm vị là gì?
Các biểu hiện lâm sàng của bệnh lý hẹp tâm vị thực quản bao gồm:
- Khó nuốt: Đây là dấu hiệu đặc trưng nhất của co thắt thực quản, biểu hiện trên hầu hết tất cả bệnh nhân bị hẹp thực quản. Khó nuốt trong giai đoạn đầu tiên thường xảy ra với những loại thức ăn đặc, sau đó sẽ trở nặng hơn, bệnh nhân khó nuốt ngay cả với những thức ăn ở dạng lỏng, bệnh nhân có cảm giác thức ăn bị vướng và dính lại vùng phía sau của xương ức
- Nôn: Là hiện tượng xảy ra với những bệnh nhân hẹp tâm vị thực quản sau khi ăn xong, thường xuất hiện với tỷ lệ trong khoảng 60% - 90% bệnh nhân, nôn thường xảy ra khi bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng.
- Trào ngược: Cũng là một trong những triệu chứng hay gặp của bệnh nhân hẹp tâm vị thực quản, chiếm tỷ lệ khoảng 59% - 81%. Trào ngược thường không xuất hiện sớm mà diễn ra ở giai đoạn muộn, sau khi ăn xong, thậm chí có thể khiến bệnh nhân ho, sặc thức ăn và phải dùng biện pháp móc họng để nôn ra.
- Đau ngực: Vị trí đau được bệnh nhân mô tả là phần sau xương ức, đau nhiều hơn khi thực hiện động tác nuốt.
- Sụt cân vì không ăn uống được do khó nuốt cũng như nôn dẫn đến.
- Một số triệu chứng ở đường hô hấp bị gây ra do bệnh nhân sặc thức ăn dẫn đến viêm phổi hít.
Ngoài ra, để góp phần vào việc chẩn đoán chính xác bệnh lý này thì bệnh nhân cần phải thực hiện một số xét nghiệm, kỹ thuật cận lâm sàng như sau:
- Soi thực quản có cản quang bằng chụp X – quang: Đây là một trong những kỹ thuật cơ bản nhất để tầm soát bệnh lý co thắt thực quản, hiệu quả rất cao. Một số hình ảnh có thể tìm thấy đối với bệnh nhân hẹp tâm vị như dấu mỏ chi, mất nhu động thực quản, sự vận chuyển của thuốc cản quang khi qua thực quản rất chậm do tình trạng hẹp tâm vị thực quản...
- Chụp X – quang thực quản có sử dụng thuốc cản quang: Mục đích của phương pháp này đó là khảo sát bệnh co thắt thực quản, đánh giá sau khi điều trị bằng phương pahps nong Balloon. Chụp X – quang thực quản cần trải qua 3 thời điểm là 1 phút, 2 phút và 5 phút sau khi bệnh nhân được uống Barium với lượng từ 100 đến 250ml.
- Đo áp lực thực quản: Là một kỹ thuật có giá trị cao trong chẩn đoán co thắt thực quản.
- Nội soi thực quản: Là cận lâm sàng có hiệu quả trong việc chẩn đoán phân biệt hẹp tâm vị thực quản với trường hợp giả co thắt tâm vị hoặc ung thư tâm vị. Với bệnh nhân hẹp tâm vị thì sẽ có hình ảnh giãn thực quản cũng như xoắn vặn thực quản.
3. Co thắt tâm vị điều trị
Một số phương pháp được áp dụng để điều trị co thắt tâm vị như sau:
- Duy trì một chế độ ăn uống phù hợp: Bệnh nhân cần tuân thủ ăn thức ăn lỏng, có chứa đủ lượng calo cần thiết trong ngày, chia nhỏ những bữa ăn trong ngày. Khi ăn, bệnh nhân cần chú ý thực hiện một số động tác như sau ưỡn cổ ra sau khi nuốt cũng như thở mạnh để thức ăn dễ di chuyển xuống dạ dày. Ngoài ra, bệnh nhân còn phải uống nước ấm, không ăn nhiều thức ăn trước khi ngủ, không sử dụng bia rượu, không hút thuốc lá và ăn nhiều đồ ăn có gia vị...
- Dùng thuốc: Một số thuốc được chỉ định với bệnh nhân co thắt thực quản đó là thuốc an thần, thuốc giảm co thắt, thuốc giãn cơ thắt dưới của thực quản, truyền đạm hoặc truyền máu cho bệnh nhân trong những trường hợp cơ thể bệnh nhân rơi vào tình trạng suy kiệt.
- Tiêm độc tố Botulinum: Botulinum là độc tố có ở vi khuẩn độc thịt, được dùng để tiêm và cơ thắt dưới của thực quản bằng phương pháp nội soi để giãn cơ này, điều trị triệu chứng khó nuốt của bệnh nhân hẹp tâm vị thực quản.
- Điều trị bằng phương pháp nội soi can thiệp: Bệnh nhân sẽ được thực hiện nong lỗ tâm vị thực quản bằng bóng hơi có cài đặt đồng hồ dùng để đo áp lực, được đưa vào bên trong thực quản bằng biện pháp nội soi. Phương pháp này có tác dụng làm cơ thắt dưới thực quản có thể giãn ra ở mức cao nhất, được thực hiện nhiều lần để có hiệu quả điều trị cao nhất. Ngoài ra, nhờ vào nội soi bệnh nhân cũng có thể được cắt niêm mạc 1/3 dưới thực quản để cắt cơ thắt dưới thực quản trong một số trường hợp cần thiết.
- Phẫu thuật: Có thể mổ nội soi hoặc mổ hở truyền thống đối với những bệnh nhân điều trị bằng cách dùng thuốc hoặc nong nội soi không thành công, phương pháp này có khả năng gây ra một số biến chứng nên cần cân nhắc kỹ trước khi thực hiện trên bệnh nhân.
Co thắt thực quản là bệnh lý rối loạn cơ vận động của thực quản, dẫn đến tình trạng hẹp tâm vị thực quản làm bệnh nhân xuất hiện một số triệu chứng làm cản trở sinh hoạt ăn uống hằng ngày cũng như ảnh hưởng đến một số bộ phận khác trong cơ thể. Vì vậy, bệnh hẹp thực quản cần được chẩn đoán sớm để có hướng điều trị hiệu quả nhất.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh lý thần kinh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.