Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là bệnh lý do dịch dạ dày trào ngược lên thực quản. Các biến chứng trào ngược dạ dày thực quản có thể gây nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời và đúng cách. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người chưa thực sự quan tâm đến bệnh này, dẫn đến tỷ lệ người mắc bệnh ngày càng cao và các biến chứng ngày càng nghiêm trọng. Thông qua bài viết này chúng ta sẽ hiểu hơn về mức độ nguy hiểm của bệnh cũng như điều trị như thế nào.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Nguyễn Hồng Trâm - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
1. Tổng quan về bệnh trào ngược dạ dày thực quản
1.1. Định nghĩa
Trào ngược dạ dày thực quản hay còn được biết đến với tên tiếng anh là GERD (Gastroesophageal reflux disease) là sự trào ngược từ dạ dày lên thực quản của dịch vị và thức ăn, gây ra các triệu chứng cũng như biến chứng trào ngược dạ dày thực quản. Thực tế, trào ngược dạ dày thực quản là hiện tượng từ sinh lý bình thường cho đến khi dịch vị dạ dày trào ngược lên thực quản quá mức, kéo dài và dần dần gây ra bệnh.
Về mặt giải phẫu, thực quản được bảo vệ bởi cơ vòng thực quản dưới và nhu động của thực quản. Cơ chế này giúp ngăn cản các chất từ dạ dày trào ngược lên trên. Tuy nhiên, khi các cấu trúc và cơ chế bảo vệ này yếu đi hoặc mất chức năng, các chất từ dạ dày có thể dễ dàng trào ngược lên thực quản.
1.2. Nguyên nhân
Các nguyên nhân gây ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản bao gồm:
- Các bệnh lý hoặc bất thường bẩm sinh của thực quản.
- Sau khi phẫu thuật thực quản.
- Thoát vị hoành.
- Các bệnh lý làm chậm việc rỗng dạ dày, tăng tiết axit dạ dày, tăng áp lực trong dạ dày hoặc trong ổ bụng và ứ đọng thức ăn tại dạ dày.
- Nhiễm vi khuẩn H. pylori.
- Các vấn đề tâm lý như lo âu, suy nghĩ tiêu cực, căng thẳng.
- Sử dụng các loại thuốc như NSAIDs (thuốc kháng viêm không steroid), steroid, thuốc kháng cholinergic, thuốc chẹn canxi, Theophylline, Nitro, thuốc chứa hormone (progesterone), thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc chẹn beta.
- Thói quen tiêu dùng rượu bia, đồ uống có gas hoặc hút thuốc lá.
- Ít vận động hoặc thiếu luyện tập thể dục.
- Thừa cân, béo phì hoặc phụ nữ mang thai.
- Bệnh có tính di truyền.
2. Chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày thực quản
2.1. Lâm sàng
Các triệu chứng tại thực quản
- Ợ nóng, ợ chua hay ợ hơi: Thường xảy ra sau khi ăn no hoặc khi nằm lâu vào ban đêm...
- Ợ trớ, buồn nôn hoặc nôn: Cảm giác các chất trào ngược vào thực quản và có thể đi lên miệng và hạ hầu.
- Khó nuốt: Do dịch vị dạ dày chứa thành phần axit làm phù nề, sưng tấy và hẹp đường kính thực quản.
- Rối loạn giấc ngủ do ảnh hưởng bởi các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa.
Các triệu chứng ngoài thực quản
- Ho dai dẳng mãn tính.
- Tăng tiết nước bọt do axit dạ dày trào ngược lên gây phản xạ tự nhiên.
- Bệnh hen phế quản.
- Viêm họng hoặc viêm thanh khí quản tái phát do trào ngược dạ dày thực quản.
- Hôi miệng, khó chịu về răng miệng và bào mòn răng do trào ngược dạ dày thực quản.
- Viêm phổi hít hay viêm phổi thùy.
- Đau ngực không phải do tim.
2.2. Cận lâm sàng
- X-quang dạ dày thực quản có uống thuốc cản quang.
- Nội soi dạ dày tá tràng.
- Manometry thực quản còn gọi là đo áp lực nhu động thực quản.
- Đo pH trong 24 giờ.
- Test Bernstein.
- Xét nghiệm sinh thiết hoặc mô bệnh học.
3. Các biến chứng trào ngược dạ dày thực quản
3.1. Viêm loét thực quản trào ngược (erosive esophagitis – EE)
Đây là biến chứng trào ngược dạ dày thực quản phổ biến nhất, xuất hiện ở khoảng 50% số bệnh nhân. Nguyên nhân là do dịch vị từ dạ dày gây tổn thương niêm mạc của thực quản, dẫn đến hình thành các ổ viêm sau thời gian dài. Biểu hiện của biến chứng này bao gồm đau ngực phía sau xương ức, cảm giác đau khi nuốt, khó nuốt, buồn nôn và mất cảm giác thèm ăn…

3.2. Hẹp thực quản
Có khoảng 10% bệnh nhân mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản phát triển thành tình trạng hẹp thực quản. Khi thực quản tiếp xúc với dịch vị axit của dạ dày trong thời gian dài, có thể dẫn đến sưng phù, viêm và ăn mòn niêm mạc thực quản. Các tổn thương sau này có thể biến chứng thành mô sẹo và gây chít hẹp thực quản.
Dù triệu chứng ợ chua và ợ nóng có thể giảm dần nhưng các triệu chứng như khó nuốt, khó ăn và nôn trớ nhiều khi ăn các loại thức ăn đặc sẽ ngày càng trầm trọng.
3.3. Thủng thực quản
Đây là một biến chứng trào ngược dạ dày thực quản hiếm gặp. Khi niêm mạc thực quản bị viêm, các tổ chức dưới niêm mạc có thể bị lộ ra và tiếp xúc với thức ăn và dịch vị axit từ dạ dày. Các tổ chức này cũng sẽ bị tổn thương, làm cho niêm mạc thực quản bị tổn thương sâu dần. Cuối cùng, tình trạng này dẫn đến thủng thực quản, gây ra trào thức ăn và dịch vị vào trung thất. Đây là một biến chứng nguy hiểm, tuy nhiên, nếu phát hiện, điều trị kịp thời và đúng cách, có thể giảm thiểu nguy cơ này.
3.4. Barrett thực quản
Tỷ lệ mắc bệnh Barrett thực quản trong số bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản dao động từ 8 đến 15%. Do trào ngược dạ dày dai dẳng ở một số bệnh nhân, thực quản sau khi bị tổn thương sẽ bắt đầu tăng tái tạo và ở một số trường hợp, các tế bào mới có thể trải qua biến đổi, chuyển hóa hoặc nghịch sản (do môi trường trong thực quản bị thay đổi). Điều này dẫn đến biến chứng trào ngược dạ dày gọi là bệnh Barrett, được coi là một dạng tổn thương tiền ung thư.
Thực quản Barrett có hai dạng chính :
- Thực quản Barrett đoạn ngắn: Tổn thương < 3 cm.
- Thực quản Barrett đoạn dài: Tổn thương ≥ 3 cm.
Hoặc phân loại theo Prague (theo mô bệnh học):
- Barrett thực quản không loạn sản hoặc dị sản (0,5 %): Bệnh cảnh này cần được theo dõi bằng nội soi mỗi từ 3 đến 5 năm.
- Barrett thực quản có loạn sản mức độ thấp (10 %): Việc cân nhắc điều trị hoặc theo dõi bằng nội soi sinh thiết mỗi 6 tháng.
- Barrett thực quản có loạn sản mức độ cao (40 %): Chỉ định cắt niêm mạc thực quản qua nội sau hoặc phẫu thuật cắt vào tạo hình thực quản.
3.5. Ung thư thực quản
Ung thư là một biến chứng trào ngược dạ dày thực quản nguy hiểm nhất. Loại ung thư phổ biến nhất là ung thư biểu mô tuyến thực quản, thường phát triển sau giai đoạn Barrett thực quản với sự loạn sản mức độ cao. Ung thư này thường xuất hiện ở người trên 50 tuổi, có thể gây ra các triệu chứng như chảy máu từ thực quản, đau nhiều hơn, sút cân và sạm da. Bệnh nhân mắc ung thư biểu mô tuyến thực quản có tỉ lệ tử vong cao, với tỷ lệ sống sót trong 3 năm kể từ khi bệnh được phát hiện chỉ khoảng 5%.
3.6. Biến chứng trên đường hô hấp
Biểu hiện của trào ngược dạ dày ngoài thực quản bao gồm việc dịch vị và thức ăn từ dạ dày trào ngược lên thực quản, đi qua dây thanh âm và vào khí quản. Điều này dẫn đến các triệu chứng như ho mãn tính, viêm họng, tái phát viêm thanh quản, hen phế quản và bào mòn răng...
4. Điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản
4.1. Các biện pháp điều trị không thuốc
Các biện pháp cải thiện:
- Thay đổi chế độ ăn
- Giữ cân nặng ổn định.
- Hạn chế các món ăn hoặc trái cây có vị chua, thực phẩm giàu chất béo hoặc dầu mỡ.
- Giới hạn uống cà phê, bia rượu hoặc các đồ uống có ga.
- Chia nhỏ bữa ăn.
- Tránh nằm ngay sau khi ăn hoặc ăn quá nhiều.
- Thay đổi lối sống
- Nâng đầu giường khi ngủ từ 10 đến 15 cm hoặc sử dụng gối chống trào ngược khi nằm.
- Hạn chế mặc quần áo quá chật.
- Ngừng hút thuốc lá.
- Giảm căng thẳng, stress và lo lắng bằng thiền, yoga, hoặc nghe nhạc thư giãn.
- Tập luyện nhẹ nhàng.
4.2. Điều trị bằng thuốc
- Thuốc ức chế bơm Proton (PPI) : Omeprazole, Esomeprazole, Pantoprazole, Lansoprazole, Rabeprazole, Dexlansoprazole... Thời gian điều trị có thể kéo dài từ 4 đến 12 tuần.
- Thuốc trung hòa Acid: Maalox, Gastropulgite, Alusi...
- Alginate: Gaviscon
- Thuốc kháng thụ thể Histamin H2: Ranitidine, Zantac, Tagamet...
- Thuốc tác dụng trên chức năng vận động thực quản (Prokinetics): Metoclopramide, Baclofen, Domperidone...
4.3. Điều trị ngoại khoa trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Điều trị ngoại khoa được chỉ định khi các phương pháp điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc bệnh nhân không mong muốn sử dụng thuốc lâu dài.
Hiện nay, các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm phẫu thuật nội soi để khâu cơ thắt thực quản, phẫu thuật thực quản và phương pháp Nissen, cũng như sử dụng thiết bị từ tính để điều chỉnh cơ vòng thực quản.
5. Các câu hỏi thường gặp
5.1. Trào ngược dạ dày có gây ra đau đầu không?
Hiện nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy trào ngược dạ dày là một trong những nguyên nhân dẫn đến đau đầu. Tuy nhiên, tình trạng đau đầu có thể xuất hiện do sự giao tiếp của ruột và não qua hệ thống thần kinh trung ương, hệ thống nội tiết và hệ thống miễn dịch, gây áp lực lên não. Vì vậy, khi một người bị trào ngược có thể cảm thấy đau đầu và ngược lại, đau đầu cũng có thể ảnh hưởng đến dạ dày và ruột.
5.2. Trào ngược dạ dày thực quản có gây tình trạng khó thở không?
Khó thở là một trong những triệu chứng nghiêm trọng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Những người mắc trào ngược dạ dày sẽ xuất hiện tình trạng dạ dày sản sinh ra lượng axit quá mức, dẫn đến cơ thể không kịp thời trung hòa gây tích tụ axit dư thừa. Lượng axit này làm thực quản bị giãn ra và không thể đóng kín, gây ra triệu chứng khó thở.
5.3. Khi bị trào ngược dạ dày thực quản bệnh nhân có bị sốt không?
Những trường hợp bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt khi mắc trào ngược dạ dày thực quản là khá hiếm. Thông thường, nếu xuất hiện sốt khi kèm với trào ngược dạ dày thực quản là dấu hiệu cảnh báo cho thấy niêm mạc dạ dày đang bị kích ứng hoặc viêm.
Những biến chứng trào ngược dạ dày thực quản có thể rất nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì vậy, khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến bệnh lý đường tiêu hóa hoặc trào ngược dạ dày thực quản, bệnh nhân hoặc người thân nên nhanh chóng đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị bởi các chuyên gia.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.