Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Các biến chứng gãy xương như sốc chấn thương hay tổn thương các nội tạng là cực kỳ nguy hiểm nếu người bệnh không được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Vậy khi xảy ra một số biến chứng sớm của gãy xương để người nhà có thể hiểu được tình huống trong giai đoạn cấp cứu.
1. Sốc chấn thương do gãy xương
1.1 Nguyên nhân
Đây là một biến chứng gãy xương khá trầm trọng do đau hoặc mất máu và chúng có thể nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân. Đau do các dây thần kinh cảm giác trên màng xương và vùng xung quanh ổ gãy bị tổn thương. Mất máu do chảy máu từ các mạch máu ở màng xương, vỏ xương, tủy xương và các mô mềm xung quanh ổ gãy hoặc từ các mạch máu chính bị tổn thương. Trong thực tế sốc do mất máu và sốc do đau đớn đặc biệt trường hợp gãy xương kín máu không chảy ra ngoài nên không thấy mà ứ đọng lại trong ổ gãy và các mô mềm xung quanh thường dễ dàng gây tử vong cho nạn nhân do không được chẩn đoán sớm và xử trí điều trị kịp thời.
1.2 Chẩn đoán
Dựa trên một số triệu chứng lâm sàng như:
- Mạch tăng, huyết áp giảm, chỉ số sốc >1
- Da, niêm nhạt, tay chân lạnh, mũi lạnh, khát nước.
- Dấu bấm móng tay hồng lại chậm hơn 2 phút.
1.3 Xử trí sốc chấn thương
Bệnh nhân bị sốc chấn thương cần được:
- Truyền dịch nhanh nước và các chất điện giải, bù hoàn máu mất.
- Thở oxy.
- Ngăn chặn sự chảy máu: cầm máu, bất động xương gãy.
- Giảm đau: bất động xương gãy, gây tê ổ gãy hoặc phong bế gốc chi đối với gãy hở. Trong trường hợp gãy nhiều xương và không có các tổn thương sọ não, bụng, ngực phối hợp thì có thể dùng thêm các thuốc giảm đau thần kinh trung ương.
2. Chèn ép khoang cấp tính do gãy xương
2.1 Nguyên nhân
Chèn ép khoang là tình trạng tăng áp lực mô trong khoang kín (được giới hạn bởi xương, cân mạc, vách liên cơ) gây đè ép các mạch máu đi qua khoang gây hoại tử cơ và tê liệt các thần kinh. Nguyên nhân tình trạng chèn ép khoang có thể từ bên ngoài như bó bột chặt, vết thương khâu kín, và băng ép chặt kết hợp với tác nhân từ bên trong như phù nề, máu tụ.
2.2 Chẩn đoán chèn ép khoang
Khi tiến hành chẩn đoán cho bệnh nhân, bác sĩ cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Có chèn ép khoang không.
- Có bao nhiêu khoang bị chèn ép.
- Mức độ bị chèn ép.
- Các dấu hiệu nghi ngờ có chèn ép khoang như đau tự nhiên như bỏng buốt, đau tăng lên khi ấn vào khoang và khi làm nghiệm pháp căng cơ trong khoang.
- Khi có chèn ép khoang rõ rệt, các triệu chứng trên sẽ nặng hơn và thêm các triệu chứng tê bì, mất cảm giác, liệt vận động. Ở những khoang có động mạch chính thì mạch sẽ giảm hoặc mất. Xuất hiện tình trạng da ở vùng dưới nơi chèn ép sẽ lạnh hơn.
- Chèn ép khoang sẽ nặng hơn nếu áp lực chèn ép lớn và lâu dài. Áp lực khoang có thể đo được dễ dàng theo phương pháp Whitesides. Áp lực bình thường < 5mmHg. Khi có chèn ép khoang áp lực tăng cao gấp 5-6 lần. Thời gian chèn ép càng lâu, các cơ bị hoại tử nhiều.
2.3 Điều trị chèn ép khoang
Giai đoạn chèn ép khoang < 6 giờ, áp lực thấp
- Tháo bỏ các nguyên nhân bên ngoài đè ép: cắt bột, cắt băng, cắt chỉ khâu...
- Thuốc giảm đau, phong bế gốc chi (Novocaine 0,25%)
- Kê cao chi vừa phải. Kê cao chi quá nhiều sẽ làm chèn ép khoang nặng hơn do áp lực máu bị giảm.
- Theo dõi diễn biến từng giờ. Sau 2 giờ mà triệu chứng không giảm: cần điều trị phẫu thuật.
Thời gian chèn ép khoang từ 6-15 giờ, áp lực khoang > 30mmHg
Bệnh nhân cần được mổ giải ép, rạch rộng da, cân. Cần chú ý cắt lọc vết thương và không quên thám sát mạch máu chính.
Thời gian chèn ép khoang lâu hơn 15 giờ : cân nhắc giữa giải ép và cắt cụt chi. Nhiều trường hợp mổ giải ép sẽ nặng hơn do trụy tim mạch ( tương tự việc tháo mở ga-rô để lâu)
3. Tổn thương mạch máu chính
3.1 Nguyên nhân
- Thường là các tổn thương động mạch chính của chi đi ngay vùng gãy. Đây là tổn thương đi kèm hoặc xảy ra thứ phát do đầu xương gãy di lệch đè ép.
- Tổn thương có thể là thủng, rách, đứt hoặc chi bị đè ép. Trường hợp thủng, rách hoặc đứt có thể gây chảy máu nhiều ( vết thương mạch máu) hoặc làm nên ổ máu tụ lớn có thể gây ra hội chứng chèn ép khoang.
3.2 Chẩn đoán tổn thương mạch máu chính
Triệu chứng lâm sàng:
- Vết thương chảy máu nhiều
- Mạch bên dưới nơi tổn thương yếu hoặc mất.
- Da lạnh, tím, tê bì, dị cảm.
- Đầu búp ngón móp méo, dấu bấm móng hồng lại muộn hơn 2 phút.
- Trường hợp đến muộn có thể liệt vận động.
- Bệnh nhân bị sốc nhưng truyền nhiều máu, sốc không giảm phải nghĩ đến tổn thương mạch máu lớn.
Cận lâm sàng:
- Siêu âm Doppler
- Chụp X-quang động mạch
- Chụp X-quang động mạch kỹ thuật số xóa nền có thể đánh giá được tổn thương trong lòng mạch.
3.3 Xử trí tổn thương mạch máu chính
Bệnh nhân cần được nắn sớm xương gãy để làm hết nguyên nhân chèn ép. Bác sĩ thực hiện mổ để khâu nối hoặc ghép mạch.
4. Tổn thương thần kinh chính
4.1 Nguyên nhân
Thần kinh chính bị tổn thương khi bị gãy xương có thể do:
- Đè ép, bầm dập.
- Kéo căng.
- Đứt.
Tổn thương có thể đi kèm hoặc xảy ra thứ phát do xương gãy đè, máu tụ, cal lệch...
4.2 Chẩn đoán tổn thương thần kinh chính do gãy xương
- Bệnh nhân mất cảm giác và liệt vận động vùng chi tương ứng với dây thần kinh chi phối.
- Đo điện thần kinh cơ (EMG) nhằm đánh giá sự đáp ứng của cơ khi kích thích thần kinh.
4.3 Xử lý tổn thương thần kinh chính
- Nắn sớm để giải phóng chèn ép, một số trường hợp liệt sẽ giảm dần (có khả năng phục hồi). Nếu sau 4 tuần theo dõi không phục hồi, nên mổ thám sát, nếu thần kinh bị kẹt giữa ổ gãy thì gỡ kẹt và giải phóng chèn ép. Nếu thần kinh bị đứt thì mổ nối hoặc ghép.
- Trường hợp có vết thương khi mổ cắt lọc cần thám sát nếu đứt có thể khâu nối ngay. Trường hợp đến quá muộn hoặc đã khâu nối mà không phục hồi nên mổ chuyển gân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.