Các biến chứng nội tiết có thể gặp sau tổn thương não

Tổn thương não (Traumatic brain injury - TBI) đã trở thành đại dịch trên toàn thế giới với ngày càng nhiều người bị phơi nhiễm do di chứng của các môn thể thao tiếp xúc, tai nạn xe cơ giới hoặc chiến tranh.

Từ lâu đã được công nhận là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra các biến chứng nội tiết có thể gặp như sự thiếu hụt hormone tuyến yên (PHD), tổn thương não cũng đang ngày càng nổi lên như một ưu tiên nghiên cứu vì trong bối cảnh này, tỷ lệ hormone tuyến yên, cơ chế sinh lý bệnh và phản ứng với hormone thay thế vẫn chưa được xác định rõ ràng.

Khi nghĩ về ảnh hưởng của tổn thương não (TBI) đối với cơ thể, nhiều người có thể nghĩ ngay đến tình trạng yếu cơ hoặc co cứng, khó giao tiếp, suy nghĩ chậm.... Ảnh hưởng của chấn thương sọ não lên hệ thống nội tiết của cơ thể có thể ít thể hiện rõ ràng ra bên ngoài. Tuy nhiên rối loạn chức năng nội tiết do tổn thương não có thể ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động hàng ngày của mỗi người và hiện nay nó thường bị bỏ qua hoặc xem nhẹ.

1. Hệ nội tiết là gì?

Hệ nội tiết là một nhóm các tuyến không có ống điều chỉnh các quá trình cũng như phản ứng sinh hóa trong cơ thể thông qua việc bài tiết các chất hóa học được gọi là hormone. Hệ thống nội tiết được phân bố khắp cơ thể. Chúng bao gồm vùng dưới đồi, tuyến yên, tuyến tùng, tuyến giáp, tuyến cận giáp, tuyến tụy, tuyến thượng thận, tinh hoàn và buồng trứng. Với mục đích của bài viết này, trọng tâm sẽ là những cấu trúc bên trong não, vùng dưới đồi, tuyến yên và tuyến tùng.


Hệ nội tiết là một nhóm các tuyến không có ống điều chỉnh
Hệ nội tiết là một nhóm các tuyến không có ống điều chỉnh

2. Hệ nội tiết hoạt động như thế nào?

Vùng dưới đồi nằm trong vùng não thất của não. Nói một cách đơn giản hơn, nó nằm gần về phía đáy não. Vùng dưới đồi được tạo thành từ một số nhân và các phần nhỏ với các vai trò chức năng riêng biệt.

Tuy nhiên, là một đơn vị, vùng dưới đồi phục vụ để điều chỉnh cân bằng nội môi, kiểm soát hệ thống thần kinh tự chủ và các chức năng nội tạng, đồng thời điều chỉnh sự thèm ăn, nhiệt độ, cơn khát, phản ứng căng thẳng, tiết sữa và chức năng hô hấp. Nó cũng có một vai trò trong hệ thống limbic, một khu vực của não ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi của mỗi người.

Ngoài vai trò kết nối giữa hệ thống nội tiết và thần kinh, vùng dưới đồi có chức năng đối với nhiều vùng của não. Điều này đã chứng minh lý do mà bộ não có thể hoạt động như một khối gắn kết. Ví dụ, vùng dưới đồi nhận thông tin từ võng mạc, vỏ não, hạch hạnh nhân và hồi hải mã. Một số khu vực mà vùng dưới đồi gửi thông tin bao gồm đồi thị, thân não và tuyến yên.

Tuyến yên có kích thước xấp xỉ bằng hạt đậu và được kết nối với đáy của vùng dưới đồi. Tuyến yên có thể được chia thành hai phần; thùy trước (ở phía trước hoặc về phía mặt) và thùy sau (về phía sau đầu).

Các thùy có vai trò khác nhau và tiết ra các hormon khác nhau. Thùy trước điều hòa tuyến giáp, tuyến thượng thận và tuyến sinh dục. Thùy trước cũng là nơi sản xuất hormone tăng trưởng, prolactin, thyrotropincorticotropin. Chức năng của thùy trước được điều hòa bởi vùng dưới đồi. Thùy sau của tuyến yên, là phần mở rộng của vùng dưới đồi, tiết ra hai hormon được sản xuất ở vùng dưới đồi; vasopressin (còn được gọi là hormon chống bài niệu hoặc hormon ADH) và oxytocin. Tuyến yên cũng tiết ra endorphin, một loại hormone tác động lên hệ thần kinh và làm giảm cảm giác đau cũng như tham gia vào chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ.

Cũng nằm trong não, tuyến tùng hoặc thể tùng sản xuất melatonin giúp điều chỉnh nhịp sinh học của mỗi người. Nhịp điệu tuần hoàn là đồng hồ bên trong điều chỉnh các quá trình sinh học và hành vi.

Các hormone được sản xuất và tiết ra trong toàn bộ hệ thống nội tiết sẽ đi qua máu để tác động vào các cơ quan cụ thể. Việc tiết quá mức hoặc tiết ít hormone hoặc không thể sử dụng hiệu quả các mục tiêu của hormone sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn chức năng nội tiết.

3. Tổn thương não và rối loạn chức năng nội tiết

Tổn thương não là những ảnh hưởng của các chấn động gặp phải ở vùng đầu lên não bộ. Chấn thương sọ não bao gồm 2 dạng:

  • Tổn thương nguyên phát chính là những chấn thương tại chỗ, chẳng hạn như chảy máu và những tổn thương lan tỏa theo trục dọc như bị kéo căng, rách và cắt trục.
  • Các tổn thương thứ phát của chấn thương sọ não bao gồm sưng tấy, giảm nồng độ oxy, tăng áp lực sọ và tổn thương các dây thần kinh.

Tổn thương vùng dưới đồi và tuyến yên có thể xuất hiện sau khi bệnh nhân bị chấn thương sọ não. Những thay đổi cấu trúc này có thể bao gồm tổn thương cuống tuyến yên-dưới đồi, hoại tử thùy trước xuất huyết thùy sau. Ở thùy trước của tuyến yên, tổn thương điển hình là do nhồi máu. Sưng cũng có thể gây tổn thương do tương đối kín không gian mà tuyến yên nằm trong đó. Tổn thương ở thùy sau thường gặp nhất là do xuất huyết cấp tính. Những loại chấn thương này không phải là hiếm. Một nghiên cứu cho thấy rằng trong quá trình khám nghiệm tử thi, có tới một phần ba số trường hợp chấn thương sọ não gây tử vong liên quan đến hoại tử tuyến yên. Ngoài ra một nghiên cứu khác cũng đã chứng minh rằng tổn thương vùng dưới đồi là phổ biến sau chấn thương sọ não, xảy ra ở 42% trường hợp chấn thương não mà dẫn đến tử vong.

Các tình trạng nội tiết thần kinh thường thấy sau khi bị chấn thương sọ não bao gồm hội chứng tiết hormon chống bài niệu không thích hợp (SIADH), đái tháo nhạt và suy tuyến yên trước.

Đái tháo nhạt là do hormon chống bài niệu (ADH) không giải phóng được do tổn thương thùy sau tuyến yên. Các triệu chứng phổ biến nhất là khát nước và đi tiểu loãng. Hormon chống bài niệu gây loãng máu và giảm nồng độ natri thứ phát do quá nhiều hormon chống bài niệu. Các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, suy nhược, chuột rút cơ, giảm cảm giác thèm ăn, tăng cảm giác khát, buồn nôn/nôn, co giật, lú lẫn và thay đổi thói quen đi tiểu. Các triệu chứng của suy tuyến yên đặc trưng cho sự thiếu hụt hormone này. Những người bị tình trạng này ban đầu có thể không có triệu chứng.

4. Rối loạn chức năng nội tiết thần kinh sau tổn thương não

Tỷ lệ rối loạn chức năng tuyến yên ở những người sống sót sau chấn thương sọ não được ước tính rơi vào khoảng 37-59%. Các thống kê khác về bất thường nội tiết tố thậm chí còn cao hơn.

Trong một số nghiên cứu, tỷ lệ rối loạn chức năng được đề xuất phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Rối loạn chức năng có thể nghiêm trọng hơn ở những người bị thương nặng hơn. Tuy nhiên một số nghiên cứu khác không cho thấy mối quan hệ rõ ràng giữa mức độ nghiêm trọng của chấn thương (được đo bằng thang điểm hôn mê Glasgow) và sự hiện diện của rối loạn chức năng tuyến yên. Tỷ lệ thiếu hụt hormone thay đổi được tìm thấy ngay sau khi bị thương và 12 tháng sau chấn thương với sự thiếu hụt hormone tăng trưởng là sự thiếu hụt phổ biến nhất (37,7% các trường hợp sau một năm bị chấn thương sọ não).


Tỷ lệ rối loạn chức năng tuyến yên ở những người sống sót sau chấn thương sọ não được ước tính rơi vào khoảng 37-59%
Tỷ lệ rối loạn chức năng tuyến yên ở những người sống sót sau chấn thương sọ não được ước tính rơi vào khoảng 37-59%

5. Rối loạn chức năng nội tiết thần kinh và hoạt động hàng ngày

Rối loạn chức năng nội tiết thần kinh có thể làm nghiêm trọng thêm tình trạng bệnh lý thể chất và tâm thần kinh sau các chấn thương sọ não. Các triệu chứng của rối loạn chức năng nội tiết thần kinh tương tự như các triệu chứng sau khi tổn thương não. Chúng bao gồm: trầm cảm, lo lắng, mệt mỏi, trí nhớ kém, khó tập trung, giảm ham muốn tình dục, vô sinh, tắt kinh ở phụ nữ, tăng hoặc giảm cân, tăng mô mỡ quanh bụng, hạ huyết áp, nhịp tim giảm, thiếu máu, táo bón, khô da.... Tuy nhiên, nhiều người có xu hướng coi nhẹ rối loạn chức năng nội tiết và chỉ tập trung vào các chấn thương sọ não.

May mắn thay, đã có những phương pháp được sử dụng để đánh giá rối loạn chức năng nội tiết, bao gồm chẩn đoán hình ảnh hệ thần kinh có thể giúp hình dung tổn thương vùng dưới đồi hoặc tuyến yên. Xét nghiệm máu có thể được sử dụng để đánh giá nồng độ các hormone. Đánh giá mức độ hormone một cách nhạy bén trong giai đoạn sau cấp tính đã được nhiều chuyên gia khuyến khích thực hiện.

Cụ thể, đánh giá chức năng tuyến yên và dự trữ hormone tăng trưởng được khuyến nghị cho tất cả những người sống sót sau chấn thương sọ não ở mức độ trung bình đến nặng một năm sau chấn thương. Các bác sĩ nội tiết quen thuộc với những trường hợp bị chấn thương sọ não có thể cung cấp những thông tin hữu ích để tạo điều kiện nhận biết sự thiếu hụt và đảm bảo điều trị thích hợp. Là một phần của nhóm điều trị chấn thương sọ não, bác sĩ nội tiết có thể kê đơn thuốc và chỉ định áp dụng liệu pháp thay thế hormone để giải quyết tình trạng rối loạn chức năng nội tiết do chấn thương sọ não gây ra.

Tóm lại, rối loạn chức năng nội tiết thường gặp sau chấn thương sọ não. Vì nhiều dấu hiệu của sự thiếu hụt hormone tương tự như các triệu chứng nhận thức và hành vi sau khi bị chấn thương sọ não nên rối loạn chức năng nội tiết có thể dễ dàng bị bỏ qua. Do nhiều thiếu sót trong số này có thể được giải quyết về mặt y tế, điều quan trọng là phải làm việc với bác sĩ để đánh giá và điều trị rối loạn chức năng nội tiết khi thích hợp.

Thách thức lớn nhất đối với các biến chứng nội tiết ở bệnh nhân chấn thương sọ não là việc đưa ra những nhận định sớm về những tối loạn này. Các biến chứng nội tiết có thể ảnh hưởng đáng kể đến tiến triển và kết cục của chấn thương sọ não. Sự phóng thích hormon tuyến yên, được điều khiển bởi các tín hiệu thần kinh từ vùng dưới đồi, cung cấp sự kiểm soát chặt chẽ hormone điều hòa sự cân bằng nội môi. Tuyến yên được bảo vệ trong hố yên của xương bướm.

Tuy nhiên, cuống tuyến yên, nơi kết nối thùy trước tuyến yên và vùng dưới đồi dễ bị ảnh hưởng bởi chấn thương sọ não, đặc biệt là những bệnh nhân bị vỡ xương mặt, vỡ nền sọ và tổn thương dây thần kinh sọ.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán chấn thương sọ não

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: rainbowrehab.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe