Các bệnh nhiễm khuẩn có thể gặp do vi khuẩn kỵ khí

Vi khuẩn kỵ khí có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng ở nhiều bộ phận trên cơ thể. Phương pháp điều trị thường là phẫu thuật dẫn lưu kết hợp với sử dụng kháng sinh điều trị vi khuẩn kỵ khí.

1. Nhiễm vi khuẩn kỵ khí là gì?

Vi khuẩn kỵ khí là các vi khuẩn chỉ phát triển trong điều kiện không có oxy. Đây là thành phần quan trọng của quần thể vi khuẩn bình thường trên cơ thể người, có mặt ở khắp nơi trên cơ thể, đặc biệt là ở khoang miệng và ống tiêu hóa.

Nhiễm vi khuẩn kỵ khí là gì? Nhiễm vi khuẩn kỵ khí thường xảy ra khi có các tác động làm giảm áp lực oxy ở tổ chức như thiếu máu, ứ trệ tuần hoàn,... tạo điều kiện cho vi khuẩn kỵ khí xâm nhập và phát triển. Thực tế lâm sàng, nhiễm trùng vi khuẩn kỵ khí thường xuất hiện ở những bệnh nhân đa chấn thương, sau phẫu thuật, mắc bệnh đái tháo đường,...

Một số vi khuẩn kỵ khí thường gặp nhất được phân lập từ mẫu bệnh phẩm ở người là:

  • Trực khuẩn gram âm: Bacteroides, Prevotella, Fusobacterium, Mobiluncus
  • Trực khuẩn gram dương: Actinomyces, Lactobacillus, Propionibacterium, Clostridium
  • Cầu khuẩn gram dương: peptostreptococcus
  • Cầu khuẩn gram âm: Veillonella

Vi khuẩn kỵ khí thường xuất hiện ở những bệnh nhân có đa chấn thương
Vi khuẩn kỵ khí thường xuất hiện ở những bệnh nhân có đa chấn thương

2. Các bệnh nhiễm khuẩn có thể gặp do vi khuẩn kỵ khí

2.1. Nhiễm khuẩn da và mô mềm

Nhiễm khuẩn da và mô mềm do vi khuẩn kỵ khí thường gặp sau khi người bệnh gặp chấn thương, hệ tuần hoàn không cung cấp đầy đủ máu cho vùng tổn thương hoặc sau thực hiện các phẫu thuật. Triệu chứng thường gặp là tạo mủ, hình thành áp xe và hoại tử mô tổn thương và có mùi hôi. Các nhiễm khuẩn da và mô mềm thường do hỗn hợp vi khuẩn kỵ khí và hiếu khí gây nên. Phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật cắt bỏ vùng nhiễm trùng, dẫn lưu và sử dụng kháng sinh phù hợp.

Thường phối hợp các kháng sinh để có phổ kháng khuẩn rộng bao gồm kháng sinh điều trị vi khuẩn kỵ khí và hiếu khí như: vancomycin cộng metronidazol và gentamicin hoặc tobramycin. Kháng sinh được chỉ định sớm cho bệnh nhân. Mẫu bệnh phẩm được nuôi cấy trong môi trường nuôi cấy vi khuẩn kỵ khí, sau đó tiến hành định danh và làm kháng sinh đồ. Kháng sinh sẽ được điều chỉnh theo kết quả kháng sinh đồ.

2.2. Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên

Nhiều chủng vi khuẩn kỵ khí là nguyên nhân phổ biến gây nhiễm trùng hô hấp trên:

  • Vi khuẩn Prevotella melaninogenica cùng với xoắn khuẩn kỵ khí là nguyên nhân thường gặp gây nhiễm khuẩn quanh răng.
  • Các vi khuẩn fusobacteria cùng Peptostreptococcus là các vi khuẩn thường gặp gây bệnh viêm xoang mạn, viêm tai giữa mạn, viêm xương chũm, áp xe quanh hạnh nhân khẩu cái.

Điều trị các nhiễm khuẩn hô hấp trên do vi khuẩn kỵ khí bằng cách vệ sinh, dẫn lưu và sử dụng kháng sinh.


Sử dụng kháng sinh để điều trị các nhiễm khuẩn đường hô hấp trên
Sử dụng kháng sinh để điều trị các nhiễm khuẩn đường hô hấp trên

2.3. Nhiễm khuẩn phổi

Bệnh nhân nhiễm trùng răng miệng do vệ sinh kém có thể dẫn đến việc hít nước bọt và gây viêm phổi. Các nhiễm khuẩn ở phổi thường do đa vi khuẩn nhưng hầu hết các trường hợp đều có mặt các vi khuẩn kỵ khí như fusobacteria và peptostreptococcus,... Đa số các trường hợp chỉ cần kết hợp sử dụng các kháng sinh điều trị vi khuẩn kỵ khí và hiếu khí. Tuy nhiên trong các trường hợp có ứ mủ màng phổi, cần dẫn lưu mủ qua thành ngực cùng với việc sử dụng kháng sinh.

Các kháng sinh điều trị vi khuẩn kỵ khí thường được sử dụng là: Clindamycin với liều 600mg tiêm tĩnh mạch một lần rồi chuyển sang uống 300mg ngày 3 - 4 lần. Cũng có thể dùng penicillin 2 triệu đơn vị tiêm tĩnh mạch ngày 6 lần rồi chuyển sang uống amoxicillin 500mg ngày 3 lần. Các thuốc thuộc nhóm cefalosporin thế hệ 2 như cefoxitin, cefotetan và cefmetazol nhạy cảm với các vi khuẩn yếm khí, ngay cả khi chúng kháng penicillin..

2.4. Nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương

Vi khuẩn kỵ khí có thể xâm nhập hệ thần kinh trung ương gây các bệnh lý nguy hiểm như áp xe não, ứ mủ dưới màng cứng, viêm tắc tĩnh mạch nhiễm khuẩn,...Biện pháp điều trị là mổ dẫn lưu ổ áp xe kết hợp kháng sinh điều trị vi khuẩn kỵ khí (như penicillin phối hợp với metronidazol). Tuy nhiên trong trường hợp áp xe nhỏ trong não, có thể chỉ cần điều trị bằng kháng sinh trong 6 - 8 tuần mà không cần mổ dẫn lưu.


Vi khuẩn kỵ khí xâm nhập hệ thần kinh trung ương gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng
Vi khuẩn kỵ khí xâm nhập hệ thần kinh trung ương gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng

2.5. Nhiễm khuẩn ổ bụng

Các vi khuẩn kỵ khí như B. fragilis, Clostridium và peptostreptococcus là nguyên nhân của nhiều trường hợp áp xe trong ổ bụng do chấn thương đại tràng, viêm túi thừa, áp xe quanh trực tràng, áp xe gan, viêm túi mật,...Các nhiễm khuẩn này thường là hỗn hợp, bên cạnh vi khuẩn kỵ khí còn có cả vi khuẩn ái khí do đó thường dùng nhiều kháng sinh phối hợp.Các kháng sinh thường được sử dụng là metronidazol, chloramphenicol, imipenem, ampicillin - sulbactam và ticarcillin-acid clavulanic, Cefoxitin, cefotetan, clindamycin,...

2.6. Vi khuẩn kỵ khí gây nhiễm trùng tiểu khung và đường sinh dục nữ

Bacteroides, peptostreptococcus, liên cầu nhóm B, lactobacillus, các vi khuẩn dạng coli là các vi khuẩn chí thông thường ở âm đạo và cổ tử cung, tuy nhiên khi gặp điều kiện thuận lợi các vi khuẩn kỵ khí này có thể gây viêm nhiễm đường sinh dục và lan sang các bộ phận khác. Các trường hợp áp xe vòi trứng - buồng trứng và tiểu khung bên cạnh vi khuẩn lậu, các Chlamydia, thường có vai trò của vi khuẩn kỵ khí. Các trường hợp này đòi hỏi phải điều trị tích cực, tiến hành dẫn lưu ổ áp xe, sử dụng các kháng sinh điều trị vi khuẩn kỵ khí và vi khuẩn ái khí kết hợp với tiến hành dẫn lưu ổ áp xe kịp thời để ngăn chặn sớm các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và tính mạng phụ nữ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe