Rối loạn tiền đình với biểu hiện chóng mặt, buồn nôn,... gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bệnh. Bên cạnh các loại thuốc kê đơn và chế độ dinh dưỡng phù hợp, các bài tập yoga rất hữu hiệu trong việc hỗ trợ điều trị chứng rối loạn tiền đình.
1. Lợi ích của yoga trị liệu rối loạn tiền đình
Những bài tập yoga đem lại lợi ích đáng kể đối với bệnh nhân rối loạn tiền đình:
- Khắc phục các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt,... do rối loạn tiền đình gây ra.
- Cải thiện sự tập trung.
- Giúp cải thiện khả năng giữ thăng bằng khi đi đứng.
- Tăng khả năng phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan trong cơ thể khi di chuyển.
- Giữ bình tĩnh.
- Hơi thở nhịp nhàng.
- Giúp lưu thông oxy đến não và các cơ quan khác dễ dàng.
- Tăng cường khả năng chịu đựng của cơ bắp.
2. Các bài tập yoga chữa rối loạn tiền đình
Các bài tập yoga chữa rối loạn tiền đình chủ yếu là những động tác kích hoạt hệ thần kinh và trung tâm cân bằng ở tai trong. Các bài tập yoga được lựa chọn cũng tác động trực tiếp đến hệ giao cảm, giúp cải thiện lưu thông máu đến não và các cơ quan khác trong cơ thể.
Người bệnh có thể tham khảo một số bài tập yoga trị liệu rối loạn tiền đình sau đây:
2.1. Tư thế trái núi
Đây là tư thế đơn giản nhưng rất hiệu quả cho việc cải thiện khả năng giữ cân bằng.
Các bước thực hiện tư thế trái núi như sau:
- Đứng thẳng, hai chân dang rộng bằng vai. Hít thở sâu, hóp bụng dưới lại.
- Nâng cao lồng ngực và rướn dài các đốt sống lên cao. Hai tay vươn cao khỏi đầu kẹp sát mang tai.
- Chắp hai bàn tay lại sao cho khuỷu tay thẳng thả lỏng, tư thế này được gọi là tư thế trái núi. Hít thở đều và giữ nguyên tư thế này trong thời gian 1-3 phút.
2.2. Tư thế đứng gập người về trước
Các bước thực hiện của tư thế đứng gập người về phía trước như sau:
- Đứng thẳng, hai bàn chân song song và rộng bằng vai, thả lỏng hai tay theo thân mình.
- Hít vào sao cho bụng phình lên và nâng hai tay qua khỏi đầu, rướn dài các đốt sống lên cao.
- Thở ra, hóp bụng, gập người về phía trước, cúi xuống để hai tay chạm sàn hay ôm lấy phần cổ chân.
- Thả lỏng đỉnh đầu, cổ, vai gáy, hít thở sâu và giữ nguyên tư thế này khoảng 1-3 phút. Nếu gặp khó khăn khi cúi xuống, có thể sử dụng một chiếc hộp hỗ trợ giữ cân bằng.
- Nếu có khả năng giữ thăng bằng trong thời gian dài, có thể thử bắt chéo chân này ra sau chân kia (ở mắt cá chân) để làm căng các cơ ở chân.
- Khi nâng người dậy, nếu thấy choáng nhẹ, nên đặt hai tay lên gối và nâng người từ từ.
Tư thế đứng gập người về trước đem lại nhiều lợi ích như: kéo căng mắt cá chân, kéo căng bắp chân, đùi, hông, lưng trên và vai; cải thiện khả năng tập trung và cải thiện cảm giác cân bằng.
2.3. Bài tập quỳ gối và duỗi cơ gập hông
Động tác này đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân rối loạn tiền đình như: giúp cơ thể giữ thăng bằng tốt hơn, giúp giảm căng thẳng, làm dịu não bộ, tăng cường sức mạnh cho tay, chân,...
Các bước tập quỳ gối và duỗi cơ gập hông như sau:
- Quỳ trên mặt đất, đặt chiếc hộp hỗ trợ ở hai bên. Mở rộng một chân lên phía trước mặt tạo thành một góc 90 độ.
- Hai chân nên khép lại để dồn lực xuống chân quỳ gối.
- Khi cơ thể đã cân bằng, vươn hai tay theo hai hướng ngược nhau, duỗi thẳng hết mức có thể.
2.4. Động tác lướt sóng
Động tác lướt sóng phù hợp và an toàn với những người bị rối loạn tiền đình hay giữ thăng bằng kém. Các bước thực hiện động tác này như sau:
- Mở rộng chân trái sang một bên, giữ hông và bàn chân mở ra trước.
- Chân trái quỳ dưới mặt đất, chân phải tiến về phía trước tạo với mặt đất 90 độ.
- Hai tay sải rộng ngang bằng vai, mặt hướng về trước theo chân phải. Nếu gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng, có thể sử dụng các hộp hỗ trợ đặt ở hai bên để dùng khi cần thiết.
Động tác lướt sóng giúp tăng cường sức mạnh cho cánh tay, cổ tay, chân và bụng, cải thiện cảm giác cân bằng.
2.5. Tư thế con cá
Tư thế con cá giúp tăng cường chức năng hô hấp và lưu thông máu đến não tốt hơn. Tư thế con cá gồm các bước thực hiện sau:
- Nằm ngửa, hai chân khép sát, hai tay thả lỏng dọc theo người sao cho lòng bàn tay úp xuống.
- Nghiêng bên phải lót tay trái dưới lưng, sau đó nghiêng bên trái lót tay phải dưới lưng. Ấn sâu khuỷu tay dưới sàn.
- Hít vào, đẩy ngực lên, nâng đầu vai lên khỏi sàn, rồi từ từ thở ra, hạ nhẹ nhàng đầu xuống.
2.6. Bài tập co gối chạm trán
Thực hiện bài tập co gối chạm trán như sau:
- Nằm ngửa, hít vào, co gối và nâng hai chân lên.
- Thở ra đồng thời với động tác hai tay ôm gối và ép vào bụng.
- Nâng đầu lên sao cho cằm giữa hai gối. Hít thở sâu và giữ nguyên tư thế này trong khoảng 30 giây.
3. Những lưu ý khi tập yoga trị liệu rối loạn tiền đình
- Mỗi bài tập yoga cần có sự kết hợp giữa các động tác tay chân và việc hít thở, cần hít vào thật sâu và thở ra bằng miệng từ từ.
- Cần phải kiên trì tập luyện thường xuyên mới đem lại hiệu quả.
- Bắt đầu việc tập luyện với những động tác đơn giản, chậm rãi và không quá khó.
- Mỗi động tác cần thực hiện chính xác, cẩn thận.
- Thời gian tối thiểu tập chuỗi động tác yoga là khoảng 30 phút, trong đó có các bài tập khởi động và bài tập thư giãn.
- Không nên ăn trước khi tập yoga trị liệu khoảng 2 giờ.
- Thận trọng khi tập yoga ở các đối tượng mắc bệnh lý tim mạch. Trong trường hợp này cần có sự hướng dẫn chi tiết của bác sĩ chuyên khoa và huấn luyện viên yoga.
- Nên tập yoga trên tấm thảm, không tập trên các mặt phẳng quá cứng như nền đất, sàn gạch,...
Những bài tập yoga đem lại lợi ích đáng kể đối với bệnh nhân rối loạn tiền đình. Các bài tập yoga chữa rối loạn tiền đình chủ yếu là những động tác kích hoạt hệ thần kinh và trung tâm cân bằng ở tai trong, giúp cải thiện lưu thông máu đến não và các cơ quan khác trong cơ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.