Bài viết được viết bởi Kỹ thuật viên tâm lý Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Time City
Hội chứng Burnnout - Kiệt sức là một rối loạn quan trọng liên quan đến công việc có nguồn gốc tâm lý xã hội, gây ra khi điều kiện làm việc căng thẳng quá mức. Khái niệm Burnnout lần đầu tiên được sử dụng bởi Freudenberger vào năm 1974 để mô tả trạng thái kiệt sức (thường là cảm xúc và tinh thần).
Các hậu quả của kiệt sức được mô tả về các triệu chứng thể chất như thường xuyên nhức đầu, mất ngủ, rối loạn tiêu hoá, khó thở và các triệu chứng hành vi như thất vọng, bực bội, hoài nghi. Những biểu hiện này thường xuất hiện ở những người làm việc quá nhiều, quá dài, quá chuyên sâu.
Theo Maslach và Leiter, kiệt sức là một phản ứng căng thẳng tâm lý kinh niên của các cá nhân trong công việc, ba nguyên nhân chính của phản ứng này là sự cạn kiệt cảm xúc, cảm giác hoài nghi tách rời công việc và cảm giác không hiệu quả - thiếu hoàn thành. Trong đó, đặc điểm nổi bật nhất của hội chứng Burnnout là tình trạng gia tăng sự kiệt quệ về tinh thần.
Tổ chức Y tế thế giới WHO đã công bố kiệt sức là vấn đề phổ biến được ghi nhận trong bảng Phân loại bệnh quốc tế, với triệu chứng được mô tả là do căng thẳng triền miên tại nơi làm việc không được kiểm soát tốt bao gồm ba yếu tố: cảm thấy kiệt quệ, tinh thần lãnh đạm với công việc và thể hiện kém tại nơi làm việc.
1. Cấu trúc của hội chứng Burnnout kiệt sức
Từ các nghiên cứu của Maslach và cộng sự đã đưa ra một công cụ đánh giá về sự kiệt sức, thang đo MBI (Maslach Burnnout Inventory) chứa ba phạm vi đánh giá các khía cạnh của kiệt sức trong công việc được cho rằng tin cậy, hợp lệ và dễ dàng quản lý.
Thang đo MBI được xây dựng bao gồm 22 mục với 3 khía cạnh: Kiệt sức về cảm xúc, sự hoài nghi và giảm thành tích cá nhân, các mục được viết dưới dạng diễn đạt cảm xúc hoặc thái độ cá nhân. Ví dụ: “Tôi cảm thấy kiệt sức với công việc của mình”, “Tôi thực sự không quan tâm đến những gì xảy ra với một số người khác”. Các mục được trả lời tự do theo mức độ lựa chọn mà người được hỏi trải qua cảm giác này trên thang điểm 7 ( từ 0: Không bao giờ đến 6: Mỗi ngày”)
- Kiệt sức cảm xúc: Gồm 9 mục, đánh giá cảm giác bị chi phối quá mức và suy giảm bởi công việc của một người.
- Sự hoài nghi: Gồm 5 mục, đo lường phản ứng vô cảm không chính đáng, thái độ xa cách với người nhận dịch vụ hoặc đồng nghiệp.
- Giảm thành tích cá nhân: 8 mục đánh giá hiệu quả tại nơi làm việc mô tả cảm giác không thực hiện được
Có thể tham khảo một số nội dung của thang đo MBI:
- Tôi thấy mệt mỏi vào cuối ngày làm việc
- Tôi thấy mệt mỏi khi thức dậy vào buổi sáng và phải đối mặt với công việc
- Tôi thấy thất vọng về công việc của mình
- Làm việc trực tiếp với con người gây quá nhiều căng thẳng cho tôi
- Tôi lo lắng rằng công việc này làm cho tôi khó chịu về mặt cảm xúc
Các phiên bản MBI- HSS, MBI-ES, MBI- GS được thiết kế và phát triển về sau được xây dựng dựa trên các đối tượng, nghề nghiệp tương ứng và được sử dụng ở nhiều quốc gia cho thấy độ tin cậy của thang đo.
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến kiệt sức nghề nghiệp
Bị kiệt sức nghề nghiệp được tác động bởi nhiều yếu tố, lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp, đặc trưng nghề nghiệp và đặc điểm nhân khẩu là các yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất:
- Lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp của một người: Hầu hết các nghiên cứu tập trung vào các đối tượng hoạt động trong các khối ngành nghề: y dược, giáo dục, công nhân trong các nhà máy xí nghiệp, quản lý nhân sự, doanh nhân, vận động viên, giám sát, các ngành nghề tư vấn hỗ trợ. Đối tượng bác sĩ, điều dưỡng, giáo viên xuất hiện khá nhiều trong các nghiên cứu ở hầu hết các quốc gia.
- Đặc trưng nghề nghiệp: Sự tác động của đặc trưng nghề nghiệp đến kiệt sức mệt mỏi của một người là tương đối lớn. Những nghề nghiệp có sức ép lớn như bác sĩ, điều dưỡng, giáo viên, công nhân bị ảnh hưởng bởi yêu cầu, nhiệm vụ công việc, tiếp xúc với con người, hoá chất và căng thẳng thời gian.
- Về đặc điểm nhân khẩu: Các đặc điểm nhân khẩu như dân tộc, quốc gia, giới tính, tuổi tác, số lượng con cái, trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân, địa vị xã hội, vị trí/ cấp bậc tại nơi làm việc, kinh nghiệm làm việc... đều ảnh hưởng đến sự kiệt sức mệt mỏi của một cá nhân.
3. Các cách phòng tránh kiệt sức nghề nghiệp
Một số cách để phòng tránh hội chứng Burnnout kiệt sức như sau:
- Xây dựng các mối quan hệ lành mạnh tại nơi làm việc
- Sử dụng giờ nghỉ ngơi một cách hợp lý và hiệu quả, tham gia vào các hoạt động văn thể tại nơi làm việc
- Lựa chọn nghề nghiệp, nơi làm việc phù hợp với sở thích, nhu cầu của bản thân
- Cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi của bản thân
- Tham gia vào các bộ môn nghệ thuật, giải trí, thể thao để tăng cường thể chất, sức khỏe một cách lành mạnh
Đối với những người khi có những dấu hiệu chán nản, kiệt sức mệt mỏi hãy tìm sự giúp đỡ của bác sĩ, nhà tham vấn tâm lý hoặc chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp để có phương hướng giải quyết và cách thức hỗ trợ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.