Bục miệng nối dễ gặp sau phẫu thuật tiêu hóa

Bục miệng nối là tình trạng biến chứng nguy hiểm, mang tính chất cấp tính và thường gặp trong một số phẫu thuật tiêu hóa, có thể là phẫu thuật nối ruột. Bục miệng nối tiêu hóa cần được tìm ra nguyên nhân và xử lý sớm nhất để tránh gây ra những tình trạng nguy kịch, trong đó có nguy cơ dẫn đến tử vong.

1. Bục miệng nối là gì?

Sau những phẫu thuật tiêu hóa như nối ruột, phẫu thuật thực quản hay nối ruột non và đại trạng, nếu miệng khâu nối những bộ phận thuộc ống tiêu hóa này không liền thì sẽ gây ra tình trạng rất nguy hiểm được gọi là bục miệng nối sau phẫu thuật tiêu hóa. Bục miệng nối thường có rất nhiều dạng nhưng một số yếu tố ảnh hưởng đến việc tiên lượng rất xấu cần phải chú ý sau phẫu thuật đó là:

  • Bục miệng nối trong 48 giờ đầu sau phẫu thuật
  • Bục miệng nối trong lồng ngực
  • Có tình trạng viêm trung thất, viêm mủ trung thất
  • Xuất hiện hiện tượng hoại tử những mảnh ghép bộ phận tiêu hóa.

Một số triệu chứng của bục miệng nối sau khi phẫu thuật tiêu hóa cần phải lưu ý để xử lý kịp thời đó là:

  • Rò dịch tiêu hóa theo đường của ống dẫn lưu ngực hoặc ống dẫn lưu cổ và ổ bụng
  • Sau khi rút ống dẫn lưu ngực, bệnh nhân có thể có những dấu hiệu của tình trạng tràn khí dưới da, áp – xe, rò dịch vùng cổ, tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi... nhưng không tìm ra nguyên nhân.
  • Xuất hiện triệu chứng của viêm phúc mạc
  • Xuất hiện tràn khí bên trong ổ bụng
  • Có tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc biểu hiện qua một số triệu chứng như sốt, mạch nhanh, huyết áp tụt...

Bục miệng nối sau phẫu thuật có thể gây tràn khí màng phổi
Bục miệng nối sau phẫu thuật có thể gây tràn khí màng phổi

Đối với cận lâm sàng, bệnh nhân bục miệng nối sau phẫu thuật tiêu hóa thường có kết quả chụp X – quang như sau:

  • Hình ảnh trung thất bị giãn rộng.
  • Có hơi trong phúc mạc, trung thất, xoang màng phổi và có thể ngay cả dưới da vùng cổ.
  • Trong trường hợp bệnh nhân vẫn còn giữ ống dẫn lưu màng phổi thì có thể thấy được thuốc cản quang và xanh Methylen đi ra theo đường ống này khi chụp X – quang có dùng thuốc cản quang
  • Nếu bệnh nhân có triệu chứng nặng như nuốt khó và không nuốt được thì cần khảo sát mảnh ghép tiêu hóa để tìm ra nguyên nhân khiến bệnh nhân có những triệu chứng nặng nề như trên.

Nguyên nhân chính gây bục miệng nối được giải thích là do mảnh ghép tiêu hóa bị bục hoặc miệng nối của những cơ quan tiêu hóa khi làm phẫu thuật, gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm trong đó có tử vong. Một số trường hợp sau nối ruột thì bệnh nhân còn có thể gặp phải tình trạng hoại tử và thủng mảnh ghép tiêu hóa khiến nguy cơ tử vong sau phẫu thuật tăng cao hơn.

Ngoài ra, nguyên nhân còn được giải thích là do việc đánh giá tình trạng bệnh nhân trước mổ không hợp lý dẫn đến bục miệng nối. Cụ thể, đối với một số trường hợp cơ thể bệnh nhân không đáp ứng đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật làm miệng nối như cơ thể suy kiệt, bị nhiễm khuẩn nặng nề vùng ổ bụng, điển hình như tình trạng viêm phúc mạc hoặc áp – xe nhưng phẫu thuật vẫn được tiến hành khiến bệnh nhân bị bục miệng nối và rò miệng nối sau khi phẫu thuật kết thúc.


Bệnh nhân bị viêm phúc mạc vẫn tiến hành phẫu thuật dễ dẫn tới bục miệng nối
Bệnh nhân bị viêm phúc mạc vẫn tiến hành phẫu thuật dễ dẫn tới bục miệng nối

2. Điều trị bục miệng nối sau phẫu thuật tiêu hóa

Cách xử lý bục miệng nối đó là phẫu thuật và khâu lại miệng nối, đồng thời thiết lập lỗ rò qua đường ống hoặc đặt ống bên trong và xung quanh miệng nối để hút dịch liên tục. Chỉ định để thực hiện khâu lại vị trí bục miệng nối bao gồm:

  • Bục miệng nối sớm hay bục miệng nối trong vòng 72 giờ đầu sau phẫu thuật tiêu hóa
  • Bục miệng nối bên trong lồng ngực
  • Viêm nhiễm trung thất hoặc phúc mạc
  • Cơ thể bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc

Cụ thể hơn, đối với từng dạng bục miệng nối thì cách điều trị sẽ được tiến hành như sau:

  • Bục miệng nối ở cổ: Dạng bục miệng nối này ít dẫn đến tử vong nhưng có khả năng làm hẹp miệng nối nên cần xử lý bằng cách chăm sóc vết thương tại chỗ, sau đó sử dụng mảnh ghép khác có cuống từ bụng hoặc những mảnh ghép tiêu hóa khác có những vi phẫu có khả năng tưới máu để lắp vào vị trí bị bục. Vì bục miệng nối ở cổ ít biến chứng và có khả năng tự phục hồi nên phương pháp bảo tồn này rất phù hợp. Dịch tiết ra ở vùng cổ sẽ được dẫn lưu vào túi nhựa, đồng thời bệnh nhân sẽ được chỉ định phải ngưng hoạt động ăn uống trong thời gian điều trị.
  • Bục miệng nối bên trong ngực: Trái ngược với bục miệng nối ở cổ, bục miệng nối trong ngực rất nguy hiểm và nguy cơ gây hoại tử rất cao, vì vậy biện pháp xử lý cũng rất phức tạp, bao gồm những kỹ thuật như cắt lọc các mô bị hoại tử, dẫn lưu dịch mủ có ở màng phổi, bóc tách màng phổi... Một số trường hợp khác, bệnh nhân cần được cắt bán phần hay toàn phần mảnh ghép bị hoại tử để xử lý tình trạng nhiễm khuẩn hay nhiễm độc toàn cơ thể. Dịch tiết sẽ được dẫn lưu trung thất bằng đường ống lớn, bệnh nhân cũng phải nhịn ăn và được điều trị thuốc kháng sinh phổ rộng.

Tiến hành cắt ghép một phần hoặc toàn phần vùng bị hoại tử của bệnh nhân
Tiến hành cắt ghép một phần hoặc toàn phần vùng bị hoại tử của bệnh nhân

  • Bục miệng nối trong ổ bụng: Đây là tình trạng bục miệng nối sau phẫu thuật nối thực quản và ruột non trong điều trị cắt dạ dày toàn bộ. Khi bị bục miệng nối trong ổ bụng thì triệu chứng điển hình nhất là viêm phúc mạc, xuất hiện trong khoảng thời gian từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 10 sau khi phẫu thuật. Hướng xử lý đối với tình trạng này là phẫu thuật lại, cắt bỏ miệng nối cũ, sau đó khâu lại ruột non và mở hỗng tràng ra da để nuôi ăn cho bệnh nhân. Đồng thời, người bệnh cũng được đặt ống Foley từ phần thực quản bụng đến thực quản ngực nhằm mục đích dẫn lưu dịch thực quản ra ngoài. Sau đó, phần thực quản bụng quanh ống sẽ được khâu kín, ổ bụng cũng được rửa và dẫn lưu.

Bục miệng nối là một trong những biến chứng thường gặp của phẫu thuật tiêu hóa, cần được phát hiện và xử lý ngay vì đây là một bệnh lý cấp tính, có khả năng đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh lý thần kinh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe