Bài viết được viết bởi Bác sĩ Lê Xuân Luật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Leptospira là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do xoắn khuẩn Leptospira gây ra. Bệnh có thể gặp ở nhiều nước trên thế giới. Bệnh lây truyền từ động vật sang người, qua đường da và niêm mạc. Bệnh do Leptospira gây ra có đặc trưng bởi hội chứng nhiễm khuẩn nhiễm độc toàn thân, hội chứng gan thận.
1. Nguyên nhân
Leptospira là xoắn khuẩn thuộc họ Leptospiraceae, có hình sợi dài. Hai đầu của xoắn khuẩn có móc, giúp xoắn khuẩn bám, xâm nhập vào cơ thể vật chủ. Leptospira gây bệnh cho người được chia thành 23 nhóm, 240 type huyết thanh. Ở Việt nam, có 15 type huyết thanh đã được phát hiện.
Theo một nghiên cứu được tiến hành tại tỉnh Tiền Giang năm 1998, tỷ lệ nhiễm Leptospira là 20% trong cộng đồng. Trong nghiên cứu tại 10 tỉnh ở Việt nam năm 2019, tỷ lệ nhiễm Leptospira ở lợn là 21,05%. Xoắn khuẩn có thể tồn tại hàng tháng trong các môi trường đất, bùn, nước ao hồ.
2. Nguồn lây nhiễm leptospira
Các động vật như trâu, bò, lợn, chó, mèo là nguồn chứa xoắn khuẩn. Người mắc bệnh ngẫu nhiên chứ không là nguồn bệnh. Leptospira gây bệnh cho bò, chó nhiều nhất, sau đó mới đến các động vật khác.
Các động vật nhiễm Leptospira thải vi khuẩn qua nước tiểu. Vi khuẩn có thể tồn tại trong đất một thời gian dài, và lây nhiễm cho các động vật khác. Các động vật nhiễm có thể không có các biểu hiện lâm sàng, đồng thời chúng tiếp tục đào thải vi khuẩn qua nước tiểu.
Người nhiễm Leptospira khi có tiếp xúc với nước tiểu của động vật nhiễm Leptospira. Hoặc có tiếp xúc với nguồn nước bẩn có nhiễm Leptospira từ động vật. Vi khuẩn xâm nhập vào người qua chỗ xước xát trên da, niêm mạc.
Bệnh có thể lây qua đường ăn uống, khi ăn uống nước, hoặc thực phẩm chưa chín có chứa xoắn khuẩn Leptospira. Rất hiếm ca bệnh lây từ người sang người.
Bệnh hay gặp vào mùa mưa, khi xoắn khuẩn lưu hành theo dòng nước. Bệnh có thể gây thành dịch.
3. Đối tượng nguy cơ
Leptospira là bệnh lây truyền cơ hội. Người làm các nghề sau có nguy cơ nhiễm Leptospira như:
- Nông dân
- Chăn nuôi gia súc
- Trồng, hái rau, bán rau
- Đánh bắt cá
- Công nhân vệ sinh môi trường
4. Cơ chế bệnh sinh Leptospira
Cơ chế bệnh sinh của Leptospira chưa được hiểu rõ. Mọi độ tuổi đều có thể nhiễm Leptospira. Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, xoắn khuẩn Leptospira gây tình trạng nhiễm khuẩn huyết trong 5-7 ngày.
Leptospira gây tổn thương các thành mạch máu nhỏ, dẫn đến thoát huyết tương. Sau đó, xoắn khuẩn gây tổn thương các cơ quan trong cơ thể, như gan, thận, hệ thần kinh trung ương.
5. Biểu hiện lâm sàng
Người nhiễm Leptospira thường có các biểu hiện khởi phát đột ngột như:
- Sốt cao, đau đầu, đau cơ, ho khan.
- Buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
- Người bệnh có thể có các biểu hiện bên ngoài như sung huyết kết mạc.
- Khám lâm sàng có gan to, lách to, đi tiểu ít.
6. Chẩn đoán bệnh Leptospira
Khi người bệnh có các đặc điểm dịch tễ phù hợp. Đồng thời có các triệu chứng lâm sàng. Người bệnh cần đến thăm khám tại các cơ sở có chuyên ngành truyền nhiễm.
7. Phòng tránh Leptospira
Việc phòng Leptospira còn gặp nhiều khó khăn do không loại trừ được hết các động vật nhiễm Leptospira. Do đó, giữ gìn vệ sinh cơ thể, đảm bảo ăn uống sạch sẽ là biện pháp hữu ích để phòng ngừa Leptospira.
Đối với những người làm nghề nghiệp có yếu tố nguy cơ, cần mặc các trang thiết bị bảo hộ khi tiếp xúc với các nguồn có thể gây bệnh.
Đối với các cơ sở chăn nuôi: Giữ sạch vệ sinh chuồng trại. Đảm bảo chuồng trại khô ráo, dễ thoát nước, thường xuyên được vệ sinh.
Không sử dụng các nguồn nước ao, hồ làm nước sinh hoạt, ăn uống.
Uống thuốc dự phòng khi đi vào vùng dịch tễ.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.
Nếu nhận thấy các vấn đề bất thường về sức khỏe bạn nên thăm khám và tư vấn với các bác sĩ chuyên khoa.
Bài viết tham khảo nguồn: NCBI, sciencedirect.com, journals.plos.org
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.