Bữa sáng cho người đau dạ dày

Chế độ dinh dưỡng hợp lý và cân bằng đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể, đặc biệt là các bệnh nhân bị đau dạ dày. Bữa ăn cho người đau dạ dày, nhất là bữa ăn sáng, cần đầy đủ dưỡng chất để hỗ trợ cho quá trình điều trị. Do đó, việc xây dựng thực đơn bữa sáng cho người đau dạ dày bằng những loại thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa là rất quan trọng.

1. Vì sao ăn sáng tốt cho người đau dạ dày?

Mỗi ngày, tất cả các cơ quan của hệ tiêu hóa, bao gồm dạ dày, ruột, gan, tụy,... đều phải co bóp và hoạt động liên tục. Sau một giấc ngủ từ tối tới sáng, toàn bộ thức ăn đã được tiêu hóa hết, dạ dày hoàn toàn trống rỗng nên sẽ cảm thấy đói bụng. Do sự tiêu hao gần như toàn bộ năng lượng có được từ thức ăn sau một đêm, dạ dày lúc này sẽ tiết ra dịch vị để chuẩn bị cho quá trình tiêu hóa thức ăn của bữa sáng. Vì vậy, một bữa ăn sáng tốt cho dạ dày rất quan trọng cho những người đau dạ dày và gặp vấn đề về hệ tiêu hóa. Bữa sáng phù hợp sẽ đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng cần thiết cho hoạt động hằng ngày, nhờ đó cơ thể luôn mạnh khỏe và tràn đầy sức sống.

Khi ăn sáng đúng bữa với thức ăn được chọn lựa kỹ càng sẽ chủ động ngăn ngừa được hiện tượng dư thừa axit dịch vị, nhất là đối với người bị đau dạ dày. Ngược lại, nếu bỏ bữa hoặc ăn không đúng bữa, lượng axit dịch vị sẽ ứ đọng lại trong dạ dày, làm tổn thương niêm mạc dạ dày và gây nên tình trạng viêm dạ dày, loét dạ dày – tá tràng, thậm chí là thủng dạ dày. Những triệu chứng như đau dạ dày, cơn cồn cào, khó chịu, đầy bụng, chướng hơi, buồn nôn và nôn cũng vì vậy mà nặng nề hơn.

Vì vậy, những bệnh nhân bị đau dạ dày cần cẩn trọng khi ăn uống. Việc xây dựng thực đơn bữa sáng cho người đau dạ dày rất quan trọng và cực kỳ cần thiết. Người đau dạ dày cần tăng cường bổ sung thực phẩm có lợi cho dạ dày và tránh các thực phẩm có hại trong thời gian điều trị bệnh. Lựa chọn thức ăn vào mỗi bữa ăn cho người đau dạ dày, đặc biệt là bữa sáng luôn phải bảo đảm cung cấp đầy đủ và cân bằng nguồn dưỡng chất, đồng thời giảm thiểu áp lực lên đường tiêu hóa.


Lựa chọn thức ăn vào mỗi bữa sáng cho người đau dạ dày trở nên vô cùng quan trọng
Lựa chọn thức ăn vào mỗi bữa sáng cho người đau dạ dày trở nên vô cùng quan trọng

2. Nguyên tắc xây dựng thực đơn bữa sáng cho người đau dạ dày

Để hạn chế mắc sai lầm trong quá trình chuẩn bị bữa sáng cho người đau dạ dày, nên tuân thủ một số nguyên tắc như sau:

  • Bổ sung nhiều năng lượng: Sau một giấc ngủ kéo dài 8 tiếng, bữa ăn sáng là nguồn cung cấp năng lượng cần thiết cho một ngày mới. Khi dạ dày bị đau sẽ khiến cho khả năng tiêu hóa của người bệnh suy yếu đáng kể. Do đó, những người bị đau dạ dày cần chú ý nạp đủ năng lượng để cơ thể luôn năng động và khỏe mạnh.
  • Ăn chín uống sôi: Những người bị đau dạ dày có nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa rất cao. Do đó, mọi bữa ăn cho người đau dạ dày trong ngày (kể cả bữa ăn sáng) cần được nấu chín nhằm tiêu diệt hoàn toàn các tác nhân gây bệnh có trong thực phẩm (virus, vi khuẩn, vi nấm, ký sinh trùng).
  • Chọn thức ăn dễ tiêu hóa: Người bệnh đau dạ dày nên ăn nhiều thực phẩm dễ tiêu hoá như: cá, trứng, rau xanh, ngũ cốc, ... nhằm hạn chế gây áp lực lên dạ dày, nhất là tại các vị trí thương tổn. Không những vậy, nhóm thực phẩm này còn rất giàu giá trị dinh dưỡng, mang đến cho hệ tiêu hóa cũng như sức khỏe tổng thể hàng loạt lợi ích tuyệt vời.
  • Hình thành thói quen ăn uống khoa học: Người đau dạ dày nên xây dựng thói quen ăn uống một cách khoa học như ăn chậm và nhai kỹ, không được vận động mạnh hoặc nằm nghỉ lúc vừa mới ăn xong cũng như tuyệt đối không được bỏ bữa ăn sáng.
  • Kiêng cữ một số thực phẩm, đồ uống có hại: Người bị đau dạ dày trong quá trình điều trị không được ăn những món cay, nóng, nhiều gia vị, món chua, đồ ăn đóng hộp cũng như các loại thức uống có gas, bia rượu. Việc kiêng cữ như vậy vừa hỗ trợ điều trị hiệu quả vừa góp phần ngăn ngừa các cơn đau dạ dày xuất hiện đột ngột.

3. Các bữa sáng cho người đau dạ dày

Súp, canh, cháo, trứng, bánh mì, sữa tươi, sữa chua là những món ăn hàng đầu được ưu tiên xếp vào thực đơn bữa sáng cho người đau dạ dày.

  • Súp: Súp là món ăn có hương vị thơm ngon, hấp dẫn, vừa dễ tiêu hóa vừa đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất quan trọng. Do đó súp là một gợi ý lý tưởng, có thể hoàn toàn an tâm để đưa vào bữa ăn cho người đau dạ dày. Súp cùng một số thực phẩm mềm khác như ngũ cốc hay yến mạch nấu nhừ giúp dạ dày co bóp nhẹ nhàng, dễ dàng hơn và không kích thích các vùng niêm mạc đang bị viêm loét.
  • Canh: Việc ăn một chén canh vào mỗi bữa sáng có thể làm giảm áp lực lên dạ dày, thúc đẩy hệ tiêu hóa hoạt động dễ dàng hơn và hỗ trợ quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng từ thức ăn. Không chỉ vậy, món canh còn giúp bù nước, bù muối khoáng cho cơ thể, đồng thời cũng kiểm soát tốt các triệu chứng nôn ói và tiêu chảy của người bệnh đau dạ dày.
  • Cháo: Với đặc tính mềm nhuyễn và lỏng mịn, cháo là một món ăn không chỉ thơm ngon mà còn bổ dưỡng và rất dễ tiêu hoá. Gạo là thành phần chính của các món cháo, có khả năng tạo nên một lớp màng tráng mỏng giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi sự bào mòn của axit dịch vị, đồng thời ngăn chặn sự tiến triển của tình trạng viêm loét dạ dày. Do đó, cháo là lựa chọn hoàn hảo của bữa sáng cho người đau dạ dày, giúp giảm thiểu áp lực lên dạ dày, hạn chế các các cơn đau cũng như triệu chứng nôn ói do bệnh gây ra.

Cháo là lựa chọn hoàn hảo của bữa sáng cho người đau dạ dày
Cháo là lựa chọn hoàn hảo của bữa sáng cho người đau dạ dày
  • Bánh mì: Bên cạnh món súp, canh và cháo, bánh mì có thể hỗ trợ cải thiện triệu chứng cho người bị đau dạ dày. Thành phần chính của bánh mì là tinh bột, sẽ hấp thu bớt lượng axit dư thừa trong dịch vị. Nhờ vậy mà các cơn đau dạ dày ít xuất hiện hơn.
  • Thực phẩm nhiều tinh bột: Bên cạnh bánh mì, người bệnh đau dạ dày có thể bổ sung nhiều loại thực phẩm giàu tinh bột khác như: cơm, khoai tây, khoai lang, ... vào danh sách món ăn hàng ngày. Việc tiêu thụ các thực phẩm giàu tinh bột vào mỗi buổi sáng giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả và nhẹ nhàng, đồng thời vẫn đảm bảo cung cấp đủ nguồn năng lượng cần thiết cho cơ thể.
  • Trứng: Trứng chứa nhiều protein và rất tốt cho dạ dày. Trứng ăn cùng với bánh mì chính là bữa sáng tiện lợi mang đến nguồn năng lượng dồi dào. Với hàm lượng protein dồi dào và phong phú, trứng gà là loại thực phẩm vừa dễ tiêu hóa vừa bổ dưỡng.
  • Sữa tươi: Với thành phần chứa nhiều protein, canxi, vitamin và chất sắt, sữa tươi không chỉ cho sức khỏe tổng thể mà còn góp phần thúc đẩy quá trình điều trị đau dạ dày. Uống một ly sữa tươi vào mỗi buổi sáng giúp phục hồi vết loét và nhanh chóng chữa lành tổn thương ở dạ dày. Tuy nhiên, cần ăn sáng với một món dễ tiêu hóa trước khi uống sữa, vì nếu uống sữa tươi khi bụng đang đói dễ khiến cho tình trạng đau dạ dày càng thêm nghiêm trọng.
  • Sữa chua và các thực phẩm giàu probiotic: Sữa chua, phô mai và các thực phẩm giàu probiotic giúp xoa dịu vị trí niêm mạc dạ dày bị viêm loét, nhanh chóng cải thiện cơn đau và rút ngắn quá trình chữa bệnh. Mặc dù có vị chua nhẹ nhưng sữa chua lại rất tốt cho hệ tiêu hóa. Thành phần axit lactic trong sữa chua góp phần cải thiện các bệnh lý về dạ dày, đồng thời ức chế hoạt động của nhiều loại vi trùng, trong đó có xoắn khuẩn Helicobacter pylori.
  • Rau xanh, hoa quả chứa ít chất xơ: Rau củ và trái cây là loại thực phẩm không thể thiếu trong thực đơn bữa sáng cho người đau dạ dày. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý không nên ăn rau củ trái cây chứa quá nhiều chất xơ vì sẽ khiến dạ dày phải co bóp mạnh hơn, tăng áp lực cho hệ tiêu hóa. Những loại rau củ trái cây giàu vitamin và khoáng chất nhưng ít chất xơ có công dụng làm giảm triệu chứng đau dạ dày, khó tiêu và thúc đẩy quá trình tiêu hóa.

4. Những thực phẩm nên tránh trong bữa sáng cho người đau dạ dày


Sữa tươi được ưu tiên xếp vào thực đơn bữa sáng cho người đau dạ dày
Sữa tươi được ưu tiên xếp vào thực đơn bữa sáng cho người đau dạ dày

Bên cạnh việc bổ sung các loại thực phẩm tốt cho tốt cho hệ tiêu hóa vào những bữa ăn cho người đau dạ dày, có những loại thực phẩm và đồ uống có hại nên tránh như:

  • Các gia vị cay như ớt, tiêu, tỏi; gia vị chua như chanh, dấm sẽ kích thích niêm mạc dạ dày sản xuất nhiều axit, gây ra triệu chứng khó tiêu đầy hơi, ợ nóng, ợ chua và đau dạ dày nhiều hơn.
  • Thức ăn cứng như sụn, gân, rau củ già nhiều xơ sẽ gây cọ xát niêm mạc dạ dày.
  • Thức ăn sống, lạnh.
  • Những món ăn nhiều mùi vị như cá ướp muối, thịt ướp muối, thịt nướng, quay và những món ăn nhiều dầu mỡ như chiên, rán hay xào khiến dạ dày phải co bóp nhiều hơn, khó tiêu hoá thức ăn hơn.
  • Các món ăn đóng hộp sẵn như xúc xích, lạp xưởng, các loại thịt nguội, dăm bông, nước thịt cá đậm đặc và các loại nước sốt.
  • Bánh kẹo, socola, đồ ngọt sẽ khiến dạ dày tiết nhiều axit dịch vị và co bóp quá mức. Đây chính là nguyên nhân bùng phát một cách đột ngột các cơn đau dạ dày.
  • Dưa cà, dấm tỏi, hành muối, kim chi chứa nhiều gia vị chua cay không bao giờ được có mặt trong bữa sáng cho người đau dạ dày vì chúng làm tăng nồng độ axit bên trong dịch vị, gây kích ứng niêm mạc dạ dày, dẫn đến triệu chứng đau bụng, chướng bụng, đầy hơi, viêm dạ dày thậm chí là loét dạ dày - tá tràng.
  • Trái cây như cam, chanh, ổi, thơm, cóc, đu đủ xanh sẽ làm tăng tiết acid trong dạ dày. Nước chanh có thể gây tiêu chảy ở người bị đau dạ dày hoặc mắc bệnh đường ruột. Nước cam ép có tính axit có thể làm rối loạn đường tiêu hóa và kích thích dây thần kinh nhạy cảm, dạ dày ruột chứa nhiều axit có thể gây đau bụng.
  • Cà chua có tính axit mạnh kích thích dạ dày sản sinh ra nhiều dịch vị, làm tăng nồng độ axit trong dạ dày. Do đó, ăn nhiều cà chua có thể gây ra nóng ruột, sôi bụng và viêm dạ dày.
  • Trà đặc, cà phê, nước ngọt có gas và thức uống có cồn có thể gây mất nước, tăng nồng độ axit, kích thích vùng niêm mạc dạ dày bị tổn thương và kéo dài thời gian điều trị. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cũng như giúp bệnh đau dạ dày nhanh chóng khỏi, tuyệt đối nên được uống trà đặc, cà phê, nước ngọt và rượu bia trong quá trình điều trị.

Tóm lại, một bữa ăn sáng tốt cho dạ dày rất quan trọng cho những người có vấn đề về tiêu hóa. Bữa sáng phù hợp sẽ đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng cần thiết cho hoạt động hằng ngày, nhờ đó cơ thể luôn mạnh khỏe và tràn đầy sức sống.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe