Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi GS.TS.BS Võ Thành Nhân - Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Rung nhĩ là rối loạn nhịp tim thường gặp nhất hiện nay và có tỷ lệ mắc tăng dần theo tuổi. Khoảng 4% trường hợp rung nhĩ xảy ra ở các bệnh nhân tuổi < 60 trong khi đó có tới > 8% bệnh nhân độ tuổi 80 trở lên có rung nhĩ.
1. Bệnh rung nhĩ là gì?
Rung nhĩ bệnh học là quá trình hình thành và lan truyền xung điện hoạt động của tim không bình thường. Khi xung động không xuất phát từ nút xoang mà thay vào đó xuất phát từ nhiều vị trí khác nhau trong hai buồng tâm nhĩ, sẽ dẫn đến kích thích cơ nhĩ liên tục, và kết quả là tim hoạt động ở trạng thái rung rung chứ không co bóp đồng bộ và nhịp nhàng. Tình trạng này được ta gọi là bệnh rung nhĩ.
Trong rung nhĩ, xung động điện hình thành rất nhanh (thường > 300 lần/phút) và không đều. Hai buồng tâm nhĩ không còn co bóp nhịp nhàng mà “rung lên” nên bơm máu không hiệu quả. Ngoài việc làm rối loạn co bóp cơ ở nhĩ, nếu những xung động nhanh bất thường này được truyền xuống tâm thất thì sẽ gây hiện tượng tương: rối loạn co bóp ở thất, làm cho tim không bơm máu hiệu quả, có thể gây tụt huyết áp, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
2. Dấu hiệu rung nhĩ
Người bị rung nhĩ có thể không có triệu chứng gì, một số khác lại thấy rất khó chịu. Triệu chứng thường gặp là bạn có cảm giác như tim đập rất nhanh (đánh trống ngực), khó thở, cảm giác hụt hơi. Choáng váng, vã mồ hôi và đau ngực cũng có thể xảy ra, đặc biệt khi tần số thất rất nhanh.
Khi rung nhĩ không được kiểm soát nhịp tốt, tim thường xuyên phải đập rất nhanh, sẽ làm tim giãn ra và tống máu không hiệu quả. Đây là một nguyên nhân gây ra suy tim sung huyết. Nó có thể gây khó thở, cảm giác mệt mỏi, giảm khả năng hoạt động thể lực và phù.
3. Nguyên nhân rung nhĩ
Có những yếu tố làm rung nhĩ dễ xuất hiện nhưng trong rất nhiều trường hợp lại không tìm thấy nguyên nhân.
Rung nhĩ hay gặp ở những người bị bệnh động mạch vành, tăng huyết áp. Rung nhĩ cũng thường gặp ở những bệnh nhân bị bệnh van tim (hở, hẹp van hai lá), viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim hay ở những bệnh nhân sau phẫu thuật tại tim. Đôi khi có thể gặp ở những người có bệnh tim bẩm sinh hay cường giáp.
Rung nhĩ đôi khi gặp ở những người có bệnh phổi cấp tính hoặc mạn tính. Người cao tuổi có nhiều nguy cơ mắc rung nhĩ hơn người trẻ tuổi. Đái tháo đường, nghiện rượu hay ma túy cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện rung nhĩ.
4. Mục tiêu điều trị rung nhĩ
Điều trị rung nhĩ hướng đến 2 mục tiêu chính đó là:
- Chuyển về nhịp xoang bình thường hay kiểm soát nhịp đập của tâm thất:
Đối với các trường hợp bị rung nhĩ cơn hoặc rung nhĩ cấp tính có thể điều trị bằng thuốc, sốc điện ... để giúp chuyển nhịp và duy trì nhịp xoang bình thường.
Phương pháp điều trị can thiệp (thăm dò, cắt đốt điện sinh lý cơ tim) là phương pháp mới giúp chuyển nhịp nhưng tỷ lệ thành công không cao có nguy cơ tái phát và đòi hỏi trang thiết bị hiện đại và kỹ thuật cao.
- Dự phòng biến chứng do rung nhĩ gây ra:
Do co bóp không hiệu quả, rung nhĩ dễ gây hình thành cục máu đông trong buồng nhĩ, cục máu đông có thể di chuyển theo dòng máu đi khắp cơ thể và gây tắc mạch, nhất là mạch não gây đột quỵ não (rung nhĩ làm tăng nguy đột quỵ 5 lần).
Để phòng ngừa hình thành cục máu đông, các bệnh nhân bị rung nhĩ được đánh giá nguy cơ để chỉ định dùng thuốc chống đông hoặc áp dụng các kỹ thuật can thiệp hiện đại.
5. Kỹ thuật bít tiểu nhĩ trái bằng dụng cụ tại Vinmec
Hơn 90% các trường hợp huyết khối hình thành có nguồn gốc tiểu nhĩ trái, sau đó cục máu đông đi vào đại tuần hoàn gây biến chứng tắc mạch nguy hiểm.
Chỉ định bít tiểu nhĩ ngăn ngừa hình thành huyết khối được chỉ định ở các bệnh nhân có nguy cơ nhưng không thể sử dụng thuốc chống đông lâu dài hay có các chống chỉ định với thuốc chống đông, cụ thể:
- Bệnh nhân không dung nạp thuốc chống đông đường uống.
- Bệnh nhân có tiền sử chảy máu do dùng chống đông trước đây.
- Bệnh nhân không thể tuân thủ dùng thuốc chống đông đường uống.
- Bệnh nhân dự tính mang thai không sử dụng được thuốc chống đông đường uống.
- Bệnh nhân có biến cố tai biến mạch não tái phát do huyết khối nhĩ trái mặc dù vẫn đang dùng thuốc chống đông đạt liều.
Bít tiểu nhĩ trái bằng dụng cụ nhằm ngăn ngừa biến cố tắc mạch ở bệnh nhân rung nhĩ là một kỹ thuật hiện đại đã và đang được thực hiện tại Vinmec. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, được đào tạo chuyên môn sau trong và ngoài nước kết hợp với cơ sở vật chất hiện đại là một trong những lựa chọn hoàn hảo cho khách hàng.
Bệnh viện được trang bị Phòng mổ Hybrid và Hệ thống DSA, 2 Hệ thống chụp mạch hiện đại Discovery IGS 730 của GE và Allura Xper FD20 của Philips cho tỷ lệ bít tiểu nhĩ trái bằng dụng cụ thành công trên 90%.
Trong tháng 4 &5/2021, khi có nhu cầu khám và điều trị bệnh tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City, quý khách hàng sẽ được hưởng ưu đãi kép:
- Miễn phí khám chuyên khoa và giảm giá 50% nhiều gói khám tim mạch như:
+ Gói sàng lọc tim mạch cơ bản
+ Gói khám tăng huyết áp
+ Gói khám suy tim
+ Gói khám tim mạch toàn diện
- Giảm 50% chi phí đối với khách hàng có chỉ định điều trị sau khám. Chương trình áp dụng giới hạn cho kỹ thuật tương ứng từng bệnh viện và cho khách hàng lần đầu thực hiện kỹ thuật điều trị này tại Vinmec.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán rung nhĩ
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.