Triệu chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ em bao gồm sốt, đau loét miệng, phát ban dạng phỏng nước trên da, thay đổi theo từng giai đoạn ủ bệnh, khởi phát, toàn phát.
1. Triệu chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ em qua từng giai đoạn
Giai đoạn ủ bệnh:
Thời kỳ ủ bệnh tay chân miệng kéo dài khoảng 3 - 7 ngày. Dấu hiệu trẻ bị tay chân miệng trong giai đoạn này thường không rõ rệt, nhẹ và thoáng qua, với các triệu chứng như sốt (hầu như chỉ sốt nhẹ thoáng qua), đau họng, tiết nhiều nước bọt, chán ăn, tiêu chảy nhẹ và trẻ có vẻ kém linh hoạt hơn. Đôi khi phụ huynh có thể sờ thấy hạch ở cổ và dưới hàm của trẻ.
Giai đoạn khởi phát
Từ 1 - 2 ngày sau, trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng như sốt nhẹ, cũng có thể sốt cao đến 39 - 40oC, mệt mỏi, đau họng, chán ăn và tiêu chảy vài lần trong ngày.
Trẻ sẽ nhanh chóng gặp phải những triệu chứng điển hình của bệnh tay chân miệng với biểu hiện phát ban tại các vị trí đặc hiệu trên da và loét miệng:
- Loét miệng: Biểu hiện là các bóng nước có đường kính 2 - 3mm (ở niêm mạc má, lợi và lưỡi), có thể vỡ rất nhanh, tạo thành các vết loét, dẫn đến trẻ bị tăng tiết nước bọt và cảm thấy đau khi ăn, khiến trẻ cảm thấy biếng ăn, quấy khóc.
- Ở da: Xuất hiện nhiều bóng nước với kích thước từ 2 - 10mm, có màu xám, hình bầu dục trên lòng bàn tay và lòng bàn chân, có thể lồi lên trên da, khi sờ có cảm giác cộm hay ẩn dưới da, nhưng ấn không gây đau. Bóng nước ở vùng mông và đầu gối thường xuất hiện trên nền hồng ban.
Giai đoạn toàn phát
Thời kỳ toàn phát có thể kéo dài từ 3 - 10 ngày với các triệu chứng điển hình nặng hơn như loét miệng, phát ban dạng phỏng nước, xuất hiện và tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) nhưng sau đó có thể để lại những vết thâm, hiếm khi gây loét hay bội nhiễm.
Nếu trẻ bị sốt cao và nôn nhiều, dễ dẫn đến nguy cơ biến chứng. Biến chứng chủ yếu trên hệ thần kinh, tim mạch, hô hấp, thường xuất hiện sớm (từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 của bệnh).
Giai đoạn lui bệnh
Lui bệnh thường từ 3 - 5 ngày sau, trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.
Bệnh tay chân miệng ở trẻ có thể xuất hiện những biến chứng nếu không được phát hiện, xử trí, chăm sóc và điều trị đúng. Các biến chứng có thể bao gồm:
- Biến chứng thần kinh: Viêm não, viêm màng não, viêm thân não, viêm não tủy;
- Trẻ bị rung, co giật cơ, giật mình chới với theo từng cơn ngắn 1 - 2 giây, chủ yếu triệu chứng xảy ra ở tay và chân, dễ xuất hiện hơn khi bắt đầu giấc ngủ hay khi cho trẻ nằm ngửa;
- Trẻ ngủ gà, bứt rứt, mất thăng bằng, đi loạng choạng, run chi, mắt nhìn ngược, run giật nhãn cầu;
- Co giật, hôn mê là dấu hiệu nặng của bệnh tay chân miệng ở trẻ, thường đi kèm với biểu hiện suy hô hấp, suy tuần hoàn;
- Biến chứng tim mạch, hô hấp, bao gồm viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch,...
2. Trên 90% trẻ sẽ khỏi bệnh sau 7-10 ngày
Hiện nay, bệnh tay chân miệng đang vào mùa và số lượng bệnh nhi nhập viện đang tăng dần. Đối với trường hợp bé bị tay chân miệng độ 1, có thể tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, một số bệnh viện đã ghi nhận có trẻ mắc bệnh độ nặng, cần phải nhập viện thở máy.
Dấu hiệu trẻ bị tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, thường độ tuổi càng nhỏ thì bệnh càng nặng. Hầu như hơn 90% các trẻ sẽ hồi phục sau 7 - 10 ngày. Phụ huynh khi phát hiện dấu hiệu trẻ bị tay chân miệng, có thể đưa trẻ đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa nhi. Trẻ có biểu hiện bệnh nặng khi sốt hơn hai ngày, sốt hơn 39oC, uống thuốc không hạ, hay nôn ói. Bệnh quá nặng khi trẻ có dấu hiệu thở mệt, da nổi bông, không thấy mạch hay mạch quá nhanh. Trường hợp này cần đưa bé nhập viện điều trị.
Khi đã chẩn đoán xác định triệu chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ em, phụ huynh cần cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà, thông báo cho thầy cô giáo bé bị tay chân miệng để phòng ngừa cho bé khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.