Biện pháp phòng ngừa biến chứng do viêm phế quản cấp

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Viêm phế quản cấp tính là sự phát triển đột ngột của tình trạng viêm trong các ống phế quản, đây là các đường dẫn không khí vào phổi của bạn. Bệnh xảy ra do virus, vi khuẩn hoặc hít phải những chất gây kích thích phổi như khói thuốc lá, khói bụi và ô nhiễm không khí.

Hầu hết các triệu chứng viêm phế quản cấp kéo dài đến 2 tuần nhưng ho có thể kéo dài đến 8 tuần, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống hằng ngày của người bệnh. Vậy, bạn cần làm gì để ngăn ngừa các biến chứng của viêm phế quản cấp gây ra?

1. Triệu chứng của viêm phế quản cấp

Bạn chắc chắn sẽ bị ho và bạn có thể gặp nhiều vấn đề về hô hấp, chẳng hạn như:

  • Tắc nghẽn ngực (Chest congestion) là tình trạng tích tụ của chất lỏng và chất nhầy trong phổi gây gây ra các triệu chứng như: Đau, tức ngực, nặng ngực, khó chịu, ho và khó thở.
  • Ho có nhiều chất đờm màu trắng, vàng hoặc xanh
  • Thở khò khè hoặc một tiếng huýt sáo khi thở
  • Đau nhức cơ thể
  • Mệt mỏi
  • Sốt nhẹ
  • Chảy nước mũi, nghẹt mũi
  • Bị đau họng.

Ngay cả sau khi các triệu chứng khác không còn nữa, cơn ho có thể kéo dài trong vài tuần trong khi ống phế quản của bạn lành lại và giảm sưng.


Ho có nhiều chất đờm màu trắng, vàng hoặc xanh có thể là dấu hiệu của viêm phế quản
Ho có nhiều chất đờm màu trắng, vàng hoặc xanh có thể là dấu hiệu của viêm phế quản

2. Khi nào người bệnh cần đến cơ sở Y tế để khám?

Bạn cần đến cơ sở Y tế để khám và điều trị trong trường hợp:

  • Ho ra máu hoặc đờm dày hoặc sẫm màu
  • Ho khiến bạn khó ngủ vào ban đêm
  • Kéo dài hơn 3 tuần
  • Gây đau ngực
  • Ho dẫn đến khó nói
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Trào ngược dạ dày
  • Sốt trên 38 độ C
  • Thở khò khè hoặc khó thở
  • Người bệnh trên 75 tuổi và bị ho liên tục.

3. Viêm phế quản cấp có nguy hiểm?

Viêm phế quản cấp tính thường nhẹ và không gây biến chứng. Các triệu chứng thường tự khỏi và chức năng phổi trở lại bình thường. Tuy nhiên một số trường hợp tái phát nhiều lần làm lây nhiễm tác nhân gây bệnh sang vùng khác của phổi hoặc khiến các bệnh đồng mắc khác nghiêm trọng hơn.

Một số biến chứng của viêm phế quản cấp bao gồm:

  • Viêm phổi: Nếu bạn bị viêm phế quản thuộc bất kỳ loại nào từ cấp tính đến mãn tính thì phổi của bạn có nhiều khả năng bị nhiễm trùng, dẫn đến viêm phổi. Đây là tình trạng viêm ở nhu mô phổi thường do vi khuẩn, virus, nấm hoặc các tác nhân khác gây ra. Viêm phổi là vấn đề đặc biệt đáng lo ngại đối với người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hoặc bị suy giảm miễn dịch, nhưng cũng có thể xảy ra ở người trẻ khỏe. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em trên toàn thế giới. Dấu hiệu và triệu chứng của viêm phổi thường rất giống với cảm lạnh và cúm. Sốt, ho khạc đờm, đau ngực, khó thở là những triệu chứng hay gặp.
  • Tổn thương phổi do hít phải (aspiration pneumonitis): Ho do viêm phế quản có thể khiến bạn bị nghẹn thức ăn nếu bạn ho trong khi ăn. Điều này có thể khiến thức ăn đi vào đường hô hấp và xuống phổi mà không phải là dạ dày. Viêm phổi do tổn thương phổi hít phải là bệnh nhiễm trùng dai dẳng gây ảnh hưởng cho sức khỏe của bạn và phải mất nhiều tháng để hồi phục.
  • Bệnh tim: Những triệu chứng khó thở kéo dài của viêm phế quản có thể gây thêm sức ép cho tim dẫn đến bệnh tim hoặc khiến bệnh tim nghiêm trọng hơn.

4. Phòng ngừa biến chứng của bệnh viêm phế quản cấp


Hãy bỏ hút thuốc lá nếu bạn đang hút
Hãy bỏ hút thuốc lá nếu bạn đang hút

Để phòng ngừa các biến chứng của viêm phế quản cấp, ngoài việc tuân thủ điều trị, người bệnh cần thực hiện một số biện pháp khác để tránh làm nặng các triệu chứng và bệnh được nhanh chóng thuyên giảm.

4.1 Làm giảm các triệu chứng của bệnh:

Có hai loại viêm phế quản cấp tính và mãn tính. Viêm phế quản cấp tính phổ biến hơn và thường tự khỏi sau vài tuần. Viêm phế quản mãn tính sẽ bị tái lại hoặc không biến mất. Cho dù với bất kỳ loại nào, bạn cũng cần tránh tiếp xúc với các chất gây kích thích phổi dẫn đến ho:

  • Hãy bỏ hút thuốc lá nếu bạn đang hút. Để có thể bỏ thuốc thành công, hãy nói chuyện với bác sĩ để được nhận tư vấn và hỗ trợ bỏ thuốc lá.
  • Tránh khói bụi, hóa chất, khói thuốc lá từ người khác và bất cứ thứ gì khác có thể kích thích phổi của bạn. Nếu không thể tránh, bạn hãy thử đeo mặt nạ/khẩu trang.
  • Nếu không khí lạnh gây ra ho hoặc khiến bạn khó thở, bạn cũng sẽ phải cần đeo khẩu trang để giữ ấm và tránh kích thích đường hô hấp.

Hơi nước cũng hữu ích để làm loãng đờm và sẽ giúp bạn dễ khạc đờm, dễ thở hơn:

  • Hít hơi nước từ một bát nước nóng.
  • Tắm nước nóng.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm, nhưng bạn cần đảm bảo làm sạch máy theo chỉ dẫn để tránh vi khuẩn và nấm không phát triển bên trong máy.

4.2 Chăm sóc và điều trị

  • Uống nhiều chất lỏng nước, đặc biệt là nước lọc. Trung bình người bệnh cần từ 8 đến 12 ly mỗi ngày để giúp làm loãng đờm. Tuy nhiên, nếu bạn bị suy thận hoặc suy tim thì bạn cần hạn chế chất lỏng do uống nhiều nước làm gánh nặng cho tim và thận, do đó bạn cần được tư vấn của bác sỹ trước khi muốn uống thêm nước.
  • Nghỉ ngơi nhiều.
  • Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn với ibuprofen (Advil, Motrin), naproxen (Aleve) hoặc aspirin để giảm đau. (Lưu ý: không cho trẻ uống aspirin ). Đọc hướng dẫn sử dụng thuốc và nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng các thuốc này nếu bạn bị loét dạ dày hoặc bệnh thận. Ngoài ra, thuốc acetaminophen (Tylenol) cũng được sử dụng để giảm đau và hạ sốt.

4.3 Phòng ngừa viêm phế quản cấp

  • Ngủ đủ giấc. Giấc ngủ có vai trò vô cùng quan trọng với cơ thể. Ngủ giúp cơ thể giải phóng hormone và các hợp chất duy trì hệ thống miễn dịch để phòng ngừa bệnh.
  • Tránh chạm vào miệng, mũi hoặc mắt của mình nếu bạn ở gần người bị viêm phế quản.
  • Không dùng chung kính hoặc bát đĩa.
  • Giữ ấm cơ thể.
  • Rửa tay thường xuyên với xà bông, đặc biệt là trong mùa lạnh.
  • Không hút thuốc lá hoặc tránh hút thuốc thụ động.
  • Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng để giữ cho cơ thể khỏe mạnh.
  • Tiêm vắc-xin cúm, viêm phổi và ho gà.
  • Hạn chế tiếp xúc và đeo khẩu trang để tránh phơi nhiễm các chất kích thích trong không khí như khói bụi, hóa chất và các chất ô nhiễm khác.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec thăm khám và điều trị các bệnh lý hô hấp, các khối u vùng đầu mặt cổ, dị tật bẩm sinh vùng tai mũi họng bằng các phương pháp nội - ngoại khoa tối ưu nhất cho bệnh nhân, cả trẻ em và người lớn. Hệ thống trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Webmd.com, Verywellhealth.com và Healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe