Dính trong ổ bụng là hiện tượng dính ruột vào thành bụng, dính các tạng do các mô sẹo hình thành, từ đó gây ra hiện tượng dính. Hiện tượng dính có thể xảy ra bên trong ruột hoặc tử cung, giữa các bề mặt của các tạng và phúc mạc. Dính ruột có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm do làm nghẽn đường đi của thức ăn, nghẽn tắc mạch máu, gây đau bụng, đầy hơi, táo bón, bí tiểu, rối loạn kinh nguyệt, vô sinh và hoại tử ruột.
1. Dính ruột thường gặp ở những đối tượng nào?
Hiện tượng dính ruột thường gặp ở các nhóm đối tượng như sau:
- Bệnh nhân có tiền sử phẫu thuật: Phẫu thuật vùng bụng như mổ ruột thừa, túi mật, cắt nối ruột, mổ cấp cứu thai ngoài tử cung, mổ đẻ, mổ sỏi thận... Ngoài ra, các thủ thuật nạo, hút thai có thể dẫn đến hiện tượng dính trong tử cung.
- Bệnh nhân bị viêm nhiễm trong ổ bụng như: viêm ruột thừa, viêm ruột non, ruột già, buồng trứng, viêm tử cung, viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang... cũng đều có nguy cơ bị dính ruột.
- Bệnh nhân mắc bệnh Crohn: Tình trạng nhiễm khuẩn có thể dẫn đến áp-xe trong hoặc xung quanh thành ruột, đặc biệt là quanh trực tràng và hậu môn. Việc điều trị áp - xe, lao ruột, nhiễm khuẩn vết mổ cũng có thể dẫn đến dính ruột.
- Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục: Giang mai, lậu, nhiễm Chlamydia... có thể gây ra dính trong tử cung, ống dẫn trứng và xung quanh buồng trứng gây đau vùng chậu mãn tính, kinh nguyệt không đều, vô sinh hoặc thai ngoài tử cung.
Ngoài ra những người bị các bệnh như: chảy máu trong ổ bụng do thủng ruột, lạc nội mạc tử cung; ung thư, dừng xạ trị hoặc hóa trị ung thư; có dị vật của thiết bị phẫu thuật vẫn còn trong ổ bụng sau khi phẫu thuật; dính bẩm sinh đều có nguy cơ bị dính ruột.
2. Dính ruột, tắc ruột có nguy hiểm hay không?
Hiện tượng dính ruột có thể gặp phải ở nhiều đối tượng khác nhau nên rất nhiều người băn khoăn không biết dính ruột có nguy hiểm không, biến chứng của chúng là gì và có cách nào để phòng ngừa.
Thực tế, dính ruột rất nguy hiểm nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời, bệnh có thể xảy ra các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe, cụ thể như sau:
- Tắc ruột do mô xơ có thể gây tắc trong lòng ruột hoặc kéo quai ruột làm nghẽn đường đi của thức ăn, gây ra tình trạng chán ăn, khô da và miệng, khát nước, ít đi tiểu, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, táo bón, bí trung tiện, trướng bụng do hỗn hợp thức ăn và dịch, khí trong ruột và sốt do viêm đường ruột.
- Hoại tử: Dính ruột có thể gây xoắn ruột dọc theo trục làm tắc nghẽn mạch máu cung cấp máu, thậm chí còn dẫn tới hiện tượng hoại tử ruột rất nguy hiểm. Trong trường hợp này bệnh nhân có thể thấy xuất hiện các triệu chứng đau quặn bụng, sôi ruột, buồn nôn, ói mửa và chảy máu trực tràng.
- Dính âm đạo và môi bé ở bộ phận sinh dục nữ: viêm âm đạo do vi khuẩn, phát ban do kích thích bởi quần áo có thể gây ra dính âm đạo hoặc môi bé ở phụ nữ.
Ngoài ra, tình trạng dính ruột còn gây vô sinh do hiện tượng dính trong tử cung hoặc ống dẫn trứng. Thai ngoài tử cung do dính trong ống dẫn trứng.
3. Chẩn đoán dính ruột
Một số triệu chứng dính ruột sẽ phụ thuộc vào vị trí dính trong cơ thể. Một số triệu chứng của dính ruột như sau:
- Đau bụng
- Hít thở sâu thấy đau
- Khi duỗi người hoặc lấy đồ trên cao có cảm giác đau (kéo căng)
- Đau vùng chậu
- Quan hệ tình dục thấy đau
- Chán ăn, buồn nôn kèm theo hiện tượng đau
Ngoài các triệu chứng cụ thể, hiện tượng dính ruột còn có các rối loạn liên quan như: đau bụng hoặc vùng chậu mãn tính; vô sinh; trào ngược dạ dày thực quản; thường xuyên đi tiểu hoặc ngược lại bị bí tiểu; đau ruột do nhu động; đau khi đi bộ, ngồi hoặc nằm ở những tư thế nhất định; thiếu máu và thiếu dinh dưỡng do cho ăn uống thiếu chất hoặc chán ăn; giảm chất lượng cuộc sống; trầm cảm.
Dính ruột không thể được phát hiện thông qua xét nghiệm hoặc siêu âm. Theo đó, hiện tượng dính ruột có thể được phát hiện trong quá trình phẫu thuật nhằm kiểm tra ổ bụng. Để chẩn đoán chính xác tình trạng dính ruột cũng như vị trí dính các bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân chụp X-quang vùng bụng, nội soi đường tiêu hóa dưới hoặc chụp cắt lớp vi tính có thể phát hiện ra tắc ruột do dính ruột gây ra.
4. Phòng tránh dính ruột như thế nào?
Để phòng tránh dính ruột thì bạn cần hạn chế tối đa nguy cơ từ các nguyên nhân gây dính ruột. Theo đó, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ điều trị để thực hiện các kỹ thuật phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, hạn chế tối đa biến chứng sau phẫu thuật. Ví dụ như lựa chọn nội soi ổ bụng thay vì phẫu thuật mở, trong khi phẫu thuật bác sĩ hạn chế cầm nắm các mô, sử dụng chỉ khâu tránh dị ứng, tránh dùng găng tay chứa tinh bột hoặc bột talc khi mổ; ngăn ngừa sự khô bề mặt tạng bằng cách sử dụng gạc ướt, gắn các miếng chống dính để tách rời các tạng trong và sau khi phẫu thuật, nhằm ngăn ngừa sự hình thành dây dính.
Tiêm steroid trong ổ bụng để ngăn ngừa viêm. Tránh lặp lại phẫu thuật gỡ dính, vì mỗi lần phẫu thuật làm tăng nguy cơ gây dính mới.
Ngoài ra, dính ruột còn có thể được hạn chế hơn nếu người bệnh duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, bởi nếu người bệnh sử dụng chế độ dinh dưỡng nghèo nàn hàng ngày trong thời gian hồi phục sau phẫu thuật sẽ khiến nguy cơ dính ruột tăng cao.
Cuối cùng, bạn nên nghe theo sự chỉ dẫn dẫn của các bác sĩ về cách chăm sóc và phục hồi sau phẫu thuật, đồng thời tái khám đúng hẹn để sớm nhận định được tình trạng sức khỏe và phát hiện sớm các hiện tượng dính ruột, tắc ruột nếu có.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý. Khi thực hiện quy trình thăm khám tại Vinmec, Quý khách hàng sẽ được đón tiếp và sử dụng cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại đi kèm với các dịch vụ y tế hoàn hảo dưới sự chỉ dẫn, tư vấn của các bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản ở cả trong và ngoài nước.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.