Biến chứng của viêm túi mật cấp tính

Viêm túi mật là tình trạng túi mật bị viêm nhiễm thường xảy ra do một viên sỏi mật bị mắc kẹt ở chỗ mở của túi mật. Theo đó, viêm túi mật cấp tính có thể dẫn đến sốt, đau, buồn nôn. Cách điều trị trong các trường hợp này là phẫu thuật cắt túi mật. Ngược lại, nếu không được điều trị kịp thời, các biến chứng viêm túi mật cấp có thể mắc phải một cách nghiêm trọng là thủng túi mật, hoại tử, xơ hóa và co lại túi mật hoặc nhiễm trùng do vi khuẩn thứ phát.

1. Tổng quan về bệnh viêm túi mật cấp

Viêm túi mật cấp tính là kết quả của sự tắc nghẽn của ống dẫn mật, thường là do sỏi mật, sau đó túi mật căng phồng và xảy ra phản ứng viêm do hóa học hoặc vi khuẩn. Những người bị viêm túi mật cấp tính thường bị đau hạ sườn phải liên tục, chán ăn, buồn nôn, nôn và sốt cao. Khoảng 95% người bị viêm túi mật cấp có nguyên nhân là do sỏi mật. Về dịch tễ, viêm túi mật cấp tính phổ biến ở phụ nữ gấp ba lần so với nam giới cho đến 50 tuổi, và sau đó là khoảng một lần rưỡi ở phụ nữ so với nam giới.

Viêm túi mật cấp tính nặng có thể dẫn đến biến chứng viêm túi mật cấp, hoại tử thành túi mật, được gọi là viêm túi mật hoại tử. Ổ nhiễm trùng khi lan tràn vào ổ bụng có thể gây viêm phúc mạc cấp. Đây là một biến chứng nặng của bệnh sỏi mật và có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, nguy kịch đến tính mạng.

Các yếu tố nguy cơ của quá trình hình thành sỏi mật, nguyên nhân chính gây bệnh viêm túi mật cấp:


Viêm túi mật cấp thường do sỏi mật gây ra
Viêm túi mật cấp thường do sỏi mật gây ra

2. Triệu chứng của viêm túi mật cấp

Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm túi mật bao gồm đau hạ sườn phải, sốt và số lượng bạch cầu cao. Trong đó, cơn đau thường xảy ra xung quanh túi mật, ở phần tư trên bên phải của bụng.

Trong trường hợp viêm túi mật cấp tính, cơn đau khởi phát đột ngột, đau dữ dội hơn. Nếu không được điều trị, bệnh thường sẽ trở nên tồi tệ hơn và hít thở sâu sẽ khiến người bệnh càng cảm thấy đau dữ dội hơn. Cơn đau có thể lan từ bụng xuống vai phải hoặc lưng.

Bên cạnh đó, các triệu chứng khác của viêm túi mật cấp tính có thể bao gồm:

  • Chướng bụng
  • Đau ở phía trên bên phải của bụng
  • Chán ăn, ăn ít hoặc không thèm ăn
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Vã mồ hôi
  • Có thể bị sốt nhẹ và ớn lạnh khi bị viêm túi mật cấp.

Sau bữa ăn, đặc biệt là bữa ăn có nhiều chất béo, các triệu chứng của viêm túi mật sẽ trầm trọng hơn.

3. Chẩn đoán viêm túi mật cấp tính như thế nào?

Chẩn đoán viêm túi mật cấp tính sẽ được hướng tới ở những bệnh nhân đã từng bị các cơn đau quặn mật hay siêu âm đã có sỏi túi mật. Khi thăm khám, sờ thấy túi mật căng phồng ở vùng hạ sườn phải và ấn đau chói cần phải nghĩ đến tình trạng túi mật bị viêm.

Để xác định chẩn đoán, các xét nghiệm sau sẽ được yêu cầu:

  • Siêu âm: Đây là công cụ hình ảnh rất nhạy với bất kỳ viên sỏi mật nào và có thể cho thấy tình trạng của túi mật.
  • Xét nghiệm máu: Số lượng bạch cầu cao có thể cho thấy người bệnh đang bị nhiễm trùng. Bên cạnh đó, nồng độ bilirubin, phosphatase kiềm và aminotransferase huyết thanh cao cũng có thể giúp bác sĩ chẩn đoán.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Hình ảnh của túi mật có thể tiết lộ các dấu hiệu của viêm túi mật.
  • Xạ hình axit iminodiacetic gan mật (HIDA): Còn được gọi là xạ hình mật, xạ hình gan mật hoặc chụp gan mật, tạo ra hình ảnh của gan, túi mật, đường mật và ruột non. Công cụ này cho phép bác sĩ theo dõi việc sản xuất và dòng chảy bài tiết của mật từ gan đến ruột non và xác định xem có bị tắc nghẽn hay không và vị trí tắc nghẽn nào.

Thành túi mật dày, giảm âm (mũi tên đặc) ở một bệnh nhân viêm túi mật cấp
Thành túi mật dày, giảm âm (mũi tên đặc) ở một bệnh nhân viêm túi mật cấp

4. Các cách điều trị viêm túi mật cấp

Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa sỏi mật, vốn là nguyên nhân phổ biến của bệnh viêm túi mật cấp. Tuy nhiên, khi các dấu hiệu viêm túi mật đã xảy ra, người bệnh cần phải nhập viện.

Lúc này, bệnh nhân sẽ không được phép ăn bất kỳ thức ăn gì. Thay vào đó, họ sẽ được truyền dịch vào tĩnh mạch để đảm bảo nước và năng lượng cần thiết. Thuốc giảm đau, giảm co bóp và thuốc kháng sinh cũng có thể được chỉ định tại thời điểm này.

Trong hầu hết các trường hợp, phẫu thuật luôn được khuyến khích đối với viêm túi mật cấp tính vì có tỷ lệ tái phát cao do viêm liên quan đến sỏi mật. Tuy nhiên, nếu có nguy cơ biến chứng thấp, phẫu thuật được thực hiện như một thủ tục ngoại trú, tức người bệnh có thể về ngay trong ngày. Nếu xảy ra biến chứng viêm túi mật cấp, chẳng hạn như hoại tử hoặc thủng túi mật, bệnh nhân sẽ cần được phẫu thuật cắt túi mật ngay lập tức. Nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng, một ống thông nhỏ có thể được đưa qua da vào túi mật để dẫn lưu dịch nhiễm trùng.

Các hình thức cắt bỏ túi mật có thể được thực hiện bằng cách mổ hở thành bụng hoặc nội soi. Trong đó, cắt túi mật nội soi được thao tác thông qua một số vết rạch nhỏ trên da. Một máy ảnh và nguồn sáng sẽ được đưa vào ổ bụng để giúp bác sĩ phẫu thuật nhìn thấy bên trong bụng. Các dụng cụ cũng sẽ được đưa vào sau đó để loại bỏ túi mật thông qua các vết rạch khác. So với mổ hở, lợi ích của phương pháp nội soi là vết mổ nhỏ nên bệnh nhân thường ít đau hơn sau can thiệp và ít để lại sẹo.

Sau khi phẫu thuật cắt bỏ túi mật, lưu lượng mật được gan bài tiết theo mỗi bữa ăn sẽ chảy trực tiếp vào ruột non. Điều này thường không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và hệ tiêu hóa của phần lớn bệnh nhân; tuy nhiên, một số ít bệnh nhân có thể bị tiêu chảy thường xuyên, nhất là khi ăn nhiều chất béo do hội chứng kém hấp thu. Do đó, nên ăn các bữa ăn nhỏ và tránh ăn nhiều cùng lúc vì có thể làm rối loạn hệ thống và tạo ra phản ứng co thắt ống mật.

5. Các biến chứng viêm túi mật cấp

Viêm túi mật có thể gây đau bụng và viêm túi mật cấp tính không được điều trị có thể dẫn đến:

  • Một lỗ rò, một dạng ống hoặc kênh, có thể hình thành và phát triển nếu một viên sỏi lớn ăn mòn qua thành túi mật, thông giữa túi mật và tá tràng.
  • Túi mật căng phồng: Nếu túi mật bị viêm vì tích tụ mật, tạng này có thể căng ra và sưng lên, gây đau đớn. Khi đó, nguy cơ bị thủng túi mật hoặc rách thành túi mật sẽ tăng lên cũng như nhiễm trùng và hoại tử mô.
  • Áp xe túi mật: Trong 3 đến 19% các trường hợp, viêm túi mật cấp tính có thể dẫn đến áp xe túi mật.
  • Hoại tử túi mật: Mô túi mật có thể chết đi và hoại tử tiến triển, dẫn đến thủng hoặc vỡ túi mật. Nếu không điều trị, có tới 10% bệnh nhân bị viêm túi mật cấp tính sẽ bị thủng tại chỗ và 1% sẽ bị thủng tự do và viêm phúc mạc.
  • Ứ mật: Nếu sỏi mật bị va đập trong ống mật chủ thì có thể gây chèn ép và làm tắc ống mật chủ. Hệ quả là gây ứ mật và viêm gan.
  • Viêm tụy: Sỏi mật đôi khi có thể đi từ túi mật vào đường mật, dẫn đến tắc nghẽn ống tụy và gây viêm tụy.

Viêm tụy là một trong các biến chứng viêm túi mật cấp gây ra
Viêm tụy là một trong các biến chứng viêm túi mật cấp gây ra

6. Các cách phòng ngừa viêm túi mật cấp

Một số biện pháp có thể làm giảm nguy cơ hình thành và phát triển sỏi mật, qua đó có thể làm giảm nguy cơ mắc phải bệnh viêm túi mật:

  • Hạn chế ăn chất béo bão hòa
  • Duy trì thời gian ăn sáng, trưa và tối đều đặn, không bỏ bữa
  • Tập thể dục 5 ngày mỗi tuần, ít nhất 30 phút mỗi lần
  • Giảm cân nếu bạn bị thừa cân

Tóm lại, nếu không được điều trị thích hợp, bệnh viêm túi mật cấp đôi khi có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề đến tính mạng. Do đó, thay vì lo lắng “viêm túi mật cấp có nguy hiểm không”, người bệnh cần được xem xét điều trị viêm túi mật cấp bằng phẫu thuật kịp thời để phòng ngừa những nguy cơ tiềm ẩn có thể mắc phải. Có một số biện pháp phòng ngừa viêm túi mật cấp, vừa giữa hệ tiêu hóa khỏe mạnh, vừa đảm bảo sức khỏe tổng thể nói chung.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán viêm túi mật cấp do sỏi

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe