Vết thương mạch máu lớn hình thành thường do tai nạn giao thông hay trong sinh hoạt hàng ngày gây ra vỡ và tổn thương mạch máu. Vết thương mạch máu rất nguy hiểm, bởi chúng có thể gây ra những biến chứng như thiếu máu cấp tính do mất máu nhanh và sốc do mất máu. Nếu không cấp cứu hay chữa trị kịp thời có thể gây tử vong cho nạn nhân.
1. Dấu hiệu cho thấy bị vết thương mạch máu lớn
Việc nhận biết sớm các dấu hiệu vết thương mạch máu sẽ giúp bác sĩ có thể sơ cứu và điều trị kịp thời. Theo đó, các dấu hiệu cho thấy bị vết thương mạch máu lớn đó là:
- Vết thương mạch máu lớn thường là do tai nạn hay sinh hoạt gây ra gãy xương và chọc vào mạch máu, gây vỡ mạch máu, chấn thương mạch máu. Do mất máu nhanh và nhiều nên sẽ có những biểu hiện sốc do mất máu như: nạn nhân vật vã, hốt hoảng và lo âu, đổ mồ hôi nhiều, mạch đập nhanh, nhỏ, huyết áp tụt và bị kẹt.
- Với những vết thương bị hở và chảy máu ra bên ngoài có thể nhận thấy bằng mắt thường như: máu vọt thành tia hay rỉ. Mặc dù đã băng hay garo lại nhưng khi tháo nhẹ ra vẫn thấy máu chảy dữ dội, không dừng. Trong trường hợp không thấy máu chảy nên kiểm tra mạch đập để xác định có tổn thương mạch máu không? Vì nếu không chảy máu sẽ có 2 trường hợp: một là tổn thương mạch máu nhưng ngừng chảy, hai là tụ máu dưới da.
- Tụ máu dưới da có hai hình thái: khối tụ máu lan rộng và đập theo nhịp tim, nếu để lâu thì bệnh nhân sẽ có dấu hiệu thiếu máu. Khối máu tụ khu trú: trường hợp điển hình là bị thương ở cẳng chân. Bắp chân căng vì khối máu được các cân bao bọc chi hạn chế, vì vậy không thể to lên được nhưng căng, đồng thời làm ngăn cản máu ở động mạch đến và máu ở tĩnh mạch quay về. Dẫn đến hiện tượng chi ở vùng ngoại vi lạnh, tím, không thấy mạch, đau và gọi là garo bên trong.
- Nếu không xử lý kịp thời những trường hợp garo bên trong sẽ hoại tử. Những khối máu tụ thường có biến chứng nguy hiểm thậm chí đe dọa tính mạng của bệnh nhân nên cần xử lý kịp thời và đúng hướng.
2. Những trạng thái vết thương mạch máu lớn cần chú ý
Do nhiều nguyên nhân gây ra vết thương mạch máu lớn. Vậy nên hình thái thể hiện của chúng cũng khác nhau như:
- Vết thương bị gãy đứt đôi hay mấy đoạn mạch máu. Khi đó hai đầu của động mạch co lại, máu cục dễ hình thành và bít lấy lòng mạch. Có trường hợp hai đoạn đầu mạch bị tổn thương cách xa nhau, khó thấy nên dễ bị bỏ sót.
- Vết thương ở bên: khiến các mép vết thương rộng toác ra và khó cầm máu
- Vết thương làm bong các lớp nội mạc
- Vết thương xuyên qua cả động mạch lẫn tĩnh mạch
- Vết thương gây co thắt các mạch máu.
3. Phân loại vết thương mạch máu
Phân loại vết thương mạch máu có nhiều cách. Tuy nhiên phân loại theo vị trí tổn thương và tính chất thì dễ hình dung nhất.
Phân loại theo vị trí tổn thương như sau:
- Vết thương mạch máu vùng ngoại vi
- Vết thương máu ở vùng cổ và nền cổ
- Vết thương mạch máu chủ ở ngực và bụng
- Vết thương mạch máu trong do gãy xương
- Vết thương mạch máu do thầy thuốc gây nên
Phân loại theo tính chất bao gồm 2 loại như:
- Vết thương mạch máu đơn thuần bao gồm động tĩnh mạch
- Vết thương mạch máu phối hợp có bao gồm tổn thương thần kinh, xương, cơ và cả da.
4. Cách sơ cứu khi bị vết thương mạch máu lớn đúng cách
Việc đầu tiên cần làm khi thấy nạn nhân bị vết thương mạch máu lớn là: đặt garo, băng ép và ép mạch máu. Cụ thể như sau:
- Đặt garo nhằm mục đích cầm máu cho bệnh nhân đỡ bị mất máu dẫn đến thiếu máu. Đặt garo cần lưu ý phải đặt chỗ dễ nhìn thấy nhất, gần với vết thương nhất. Ưu tiên chuyển nạn nhân đến viện có kèm theo giấy tờ ghi cụ thể giờ đặt garo. Lưu ý nữa là khi đặt garo thì cứ một giờ lại nới lỏng garo trong vài phút cho máu chảy xuống để nuôi phần dưới chỗ vết thương, sau đó lại siết garo như ban đầu khi thấy máu bắt đầu chảy trở lại.
- Khi tháo garo phải có dụng cụ cầm máu và hồi sức. Theo đó, đặt garo chỉ áp dụng cho các trường hợp sau: chi bị dập nát không thể giữ lại được, đặt garo ở nơi xảy ra tai nạn nhưng nơi đó gần bệnh viện. Thời gian vận chuyển đến bệnh viện dưới 1 giờ và đặt tạm trong thời gian chờ phẫu thuật.
- Biện pháp băng ép cầm máu là dùng một cuộn băng hay khăn gấp nhỏ thành cục rồi đặt lên vết thương và băng ép lại cầm máu. Sau đó dùng băng cuộn chặt lại quanh chi cho đến khi không thấy máu thấm băng. Nên sử dụng băng chun vì chúng có khả năng cầm máu tốt nhất. Đây là phương pháp đơn giản, dễ thực hiện lại không gây tổn hại cho vùng bị thương.
- Phương pháp dùng ngón tay ép lên mạch máu là cách dùng ngón tay ép lên đường đi của mạch máu phía trên ( gần tim hơn vết thương) vào nền xương. Các vị trí thường dùng để ấn mạch như chi trên là sau xương đòn, nếu như phần chảy máu của động mạch dưới đòn ở vùng vai, cánh tay. Ép tại hõm mạch nếu chảy máu của động mạch nách, cánh tay và vùng cánh tay.
5. Những biến chứng ban đầu của vết thương mạch máu cần chú ý
Vết thương mạch máu nếu không sơ cứu hay chuyển viện kịp thời sẽ gây ra các biến chứng của vết thương mạch máu như:
- Biến chứng ban đầu của vết thương mạch máu lớn có thể kể đến như: tử vong từ những nguyên nhân sốc mất máu do sơ cứu chậm, sốc nhiễm độc vì chuyển hóa yếm khí hay nhiễm trùng, đặc biệt như nhiễm trùng huyết, uốn ván.
- Biến chứng tiếp theo là phồng động mạch hay phồng miệng nối. Dấu hiệu nhận biết là bệnh nhân sờ thấy khối dập, giãn nở được. Cách xử lý biến chứng này là thực hiện phẫu thuật cắt bỏ phần túi phồng hay áp dụng kĩ thuật can thiệp nội mạch.
- Xảy ra biến chứng thiếu máu đi nuôi các chi. Nguyên nhân gây nên hiện tượng này là do hẹp hay tắc vị trí nối mạch máu.
- Biến chứng thông động tĩnh mạch: biểu hiện là tăng áp lực tĩnh mạch đoạn chi ngoại vi. Có thể xử lý bằng cách thắt đường dò hay may vá lại vết thương.
Vết thương mạch máu là một vết thương lớn, nguy hiểm và cần sơ cứu, xử lý kịp thời, đúng kỹ thuật. Đồng thời phải nhanh chóng chuyển nạn nhân lên các tuyến bệnh viện để được bác sĩ cứu chữa. Vết thương mạch máu nếu sơ cứu sai hay chậm sẽ gây ra nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.