Biến chứng của nhồi máu cơ tim

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Xuân Chiến - Trưởng khoa Khám bệnh & Nội khoa và Cố vấn chuyên môn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đăng Mịch - Cố vấn chuyên môn Nội tổng quát - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Nhồi máu cơ tim là một trong những tình trạng nguy hiểm khẩn cấp, nếu người bệnh không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong rất nhanh. Theo thống kê, có đến 10% các ca nhồi máu cơ tim dẫn đến đột tử.

1. Nhồi máu cơ tim là gì?

Nhồi máu cơ tim được xếp vào dạng biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh mạch vành, đồng thời đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tử vong trong các bệnh lý về tim mạch.

Dòng máu mang oxy cùng chất dinh dưỡng tới các tế bào cơ tim bị chặn lại hoàn toàn một cách đột ngột sẽ dẫn đến cơn nhồi máu. Khi đó, vùng cơ tim không nhận được đủ lượng máu cần thiết sẽ bắt đầu hoại tử. Đây là một tình trạng vô cùng nguy hiểm bởi nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh sẽ nhanh chóng tử vong. Trong trường hợp may mắn sống sót thì trong tương lai nguy cơ suy tim cũng là rất cao.


Một vùng cơ tim không nhận được đủ lượng máu
Một vùng cơ tim không nhận được đủ lượng máu

2. Dấu hiệu nhận biết nhồi máu cơ tim

Người bệnh có thể nhận biết nhồi máu cơ tim dựa vào các dấu hiệu cụ thể như vùng xương ức trước tim xuất hiện các cơn đau thắt dữ dội như bị bóp nghẹt; cơn đau sau đó lan dần tới vai trái lẫn tay trái; đau buốt đến tận ngón áp út và ngón út. Những cơn đau này thường xuất hiện một cách đột ngột, kéo dài hơn 20 phút và không có dấu hiệu thuyên giảm dù đã sử dụng thuốc giảm đau. Cơn đau có thể lan đến cổ, cằm, vai, lưng hoặc vùng thượng vị.

Tuy nhiên, cũng có một số ít những trường hợp người bệnh ít thấy đau hoặc thậm chí không thấy đau ví dụ như người bệnh sau mổ, huyết áp cao, đái tháo đường.

Ngoài ra, nhồi máu cơ tim có một số dấu hiệu nhận biết khác như khó thở, mồ hôi vã ra nhiều, buồn nôn, nôn, đánh trống ngực, giảm trí nhớ, ngón tay chân lạnh, da tái nhợt,...

3. Biến chứng của nhồi máu cơ tim

Sống sót sau những cơn nhồi máu cơ tim là một điều may mắn. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là người bệnh phải đối mặt với nguy cơ đột tử cao trong vòng 3 tuần tính từ thời điểm phát bệnh. Nguyên nhân là do trong thời gian này, nhịp tim vẫn chưa ổn định và đang rối loạn, dễ gây vỡ tim, tắc mạch máu não, tắc mạch tại phổi hay choáng tim.

Sau khoảng thời gian trên, nguy hiểm có thể giảm bớt nhưng nhồi máu cơ tim vẫn có thể để lại những di chứng về sau. Vì lý do đó, người bệnh và gia đình trong quá trình chăm sóc, điều trị cần hết sức lưu ý về các triệu chứng bất thường để kịp thời thông báo với bác sĩ nhằm hạn chế tối đa rủi ro.


Tắc mạch máu não
Tắc mạch máu não

4. Biến chứng sớm

  • Đột tử

Đột tử là biến chứng nghiêm trọng nhất của nhồi máu cơ tim. Biến chứng này có thể xảy ra bất thường trong thời gian đầu sau khi phát bệnh. Nguyên nhân là do nhịp thất tim nhanh, thất tim rung, trụy mạch cấp, mạch phổi nghẽn hay vỡ tim.

  • Rối loạn nhịp tim

Có đến hơn 90% bệnh nhân gặp biến chứng rối loạn nhịp tim. Thường 48 giờ sau khi phát bệnh, thiếu máu cơ tim khiến nhịp tim dễ bị rối loạn. Tuy nhiên, sẽ là nguy hiểm nếu nhịp tim vẫn tiếp tục rối loạn sau 48 tiếng.

  • Suy tim cấp

Người bệnh nên lưu ý thời điểm 2 tuần kể từ khi phát bệnh sẽ dễ xảy ra di chứng suy tim cấp, đặc biệt là trong trường hợp bệnh tái phát. Người bệnh có thể có một số biểu hiện như mạch yếu đập nhanh, tụt huyết áp, vã nhiều mồ hôi.

Nếu bệnh nhân cảm thấy nhịp mạch đập nhanh, khó thở kịch phát hay hiện tượng phù cấp ở phổi,.. thì rất có thể đây là tình trạng tim trái suy cấp.

  • Tai biến

Nhồi máu cơ tim là do hiện tượng máu đông gây ra. Nếu phần máu đông này di chuyển đến những cơ quan khác có thể dẫn đến tắc nghẽn mạch máu, gia tăng nguy cơ tắc phổi, đột quỵ,...

  • Vỡ tim

Theo thống kê, trong số các bệnh nhân mắc nhồi máu cơ tim có đến 10% số đó bị vỡ tim sau khi phát bệnh khoảng 2 tuần. Thất trái thường hay khiến máu tràn ra ngoài màng tim dẫn đến trụy tim và gây tử vong.

  • Thiếu máu tới cơ tim

Có đến 30% bệnh nhân gặp nhồi máu thứ phát trở lại. Vùng ngực phải đau thắt chính là biểu hiện thứ phát. Tình trạng này thường gặp phải ở bệnh nhân đái tháo đường lâu năm.


Đau ngực do thiếu máu cơ tim
Đau ngực do thiếu máu cơ tim

5. Biến chứng muộn

  • Vách tim phình to

Có tới 30% gặp biến chứng vách tim phình to với biểu hiện tắc mạch chủ hoặc suy tim.

  • Đau dây thần kinh

Thường gặp ở những người bị suy nhược cả về thể chất lẫn tinh thần, người hay lo lắng, stress. Biểu hiện phổ biến là các cơn đau vùng ngực kèm theo là cảm giác nặng nề, ê ẩm vùng tim.

  • Suy tim

Sau khi mắc bệnh nhồi máu cơ tim, chức năng hoạt động của tim người bệnh sẽ có sự suy yếu rõ rệt. Hiện tượng này lâu dần có thể phát triển thành chứng suy tim nguy hiểm.

  • Hội chứng viêm màng tim

Chỉ có khoảng từ 3 - 4% bệnh nhân gặp phải dạng biến chứng này. Biểu hiện thường thấy là những cơn đau vùng xương ức, cảm giác đau đặc biệt gia tăng khi vận động, ho.


Khám chuyên khoa tim mạch tại Bệnh viện Vinmec
Khám chuyên khoa tim mạch tại Bệnh viện Vinmec

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe