Biến chứng của bệnh sa van 2 lá

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thị Hòa - Bác sĩ Nội tim mạch - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Sa van 2 lá là một bệnh lý tim mạch phổ biến, tuy không đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh nhưng trong nhiều trường hợp có thể dẫn đến nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.

1. Cơ chế hoạt động của van tim

Trái tim của con người bao gồm 4 ngăn: 2 ngăn trên gọi là tâm nhĩ, còn 2 ngăn dưới gọi là tâm thất. Các ngăn tim sẽ được đặt tên theo bên phải trái: Tâm thất phải, tâm thất trái, tâm nhĩ phải và tâm nhĩ trái. Giữa các tâm nhĩ và tâm thất là 2 van tim hay còn gọi là van nhĩ thất. Van nhĩ thất trái là van 2 lá vì có 2 lá van tim khi đóng vào, trong khi van nhĩ thất phải có 3 lá nên được gọi là van 3 lá.

Ở cơ thể người bình thường, máu sẽ đi từ tâm thất phải vào phổi. Sau khi được bổ sung oxy thông qua van động mạch phổi, máu sẽ thông qua van động mạch chủ rời tâm thất trái lưu thông đến các bộ phận khác trên cơ thể. Thường phần trái tim bên phải có áp suất thấp hơn so với bên trái do áp lực máu trong phổi là rất thấp. Điều này đồng nghĩa với việc các van bên phải sẽ dễ dàng đóng vào hơn so với bên trái. Huyết áp thường được đo chính là áp suất máu tại phần bên trái của trái tim.

Trái tim có nhịp đập trung bình là khoảng hơn 100.000 lần/ ngày. Nếu nhịp tim có sự bất thường thì có thể là một trong hai van tim đang đóng không chặt hay bị hẹp. Bác sĩ khi sử dụng ống nghe để nghe nhịp tim trong những trường hợp này sẽ thấy có tiếng thổi tim. Dựa vào cường độ, vị trí và thời gian tiếng thổi đó, bác sĩ có thể biết được van tim nào đang gặp vấn đề.


Hình ảnh mô tả cơ chế hoạt động van tim
Hình ảnh mô tả cơ chế hoạt động van tim

2. Van 2 lá bị sa như thế nào?

Khi tâm thất trái bắt đầu co bóp để đẩy máu đi nuôi dưỡng cơ thể, van 2 lá thường sẽ đóng lại. Tình trạng khi van 2 lá dày lên và phình (sa) vào trong tâm nhĩ gọi là sa van 2 lá ở tim.

3. Biến chứng của sa van 2 lá ở tim

Bên cạnh các triệu chứng thường gặp của sa van 2 lá ở tim như rối loạn nhịp tim, đau ngực, khó thở, hoa mắt chóng mặt, lo âu,... thì còn có thể xuất hiện một số biến chứng sa van 2 lá ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Cụ thể là:

  • Rối loạn nhịp tim

Biến chứng sa van 2 lá này thường gặp ở ngăn trên của tim và không nguy hiểm gì đến tính mạng. Bệnh nhân có thể sẽ được yêu cầu làm điện tâm đồ để kiểm tra mức độ nghiêm trọng của tình trạng rò rỉ ở van tim, tránh để bệnh diễn biến nặng. Ở mức độ nghiêm trọng hơn, rối loạn nhịp tim xảy ra ở cả ngăn tim trên và dưới, đặc biệt nhịp tim ngăn dưới bất thường có thể đe dọa đến tính mạng.

  • Viêm nội tâm mạc

Khi van tim gặp vấn đề và bị rò rỉ có thể dẫn đến hiện tượng chảy máu hỗn loạn và khiến bề mặt van tim bên trái bị tổn thương. Điều này làm gia tăng nguy cơ viêm nội tâm mạc (hay còn gọi là nhiễm trùng van tim). Tình trạng này có thể được ngăn ngừa bằng cách sử dụng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ trước khi làm các thủ thuật nha khoa và y khoa. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chỉ những người có nguy cơ cao mắc viêm nội tâm mạc mới được kê sử dụng thuốc kháng sinh.


Viêm nội tâm mạc
Viêm nội tâm mạc

  • Trào ngược van tim

Đây là dạng biến chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân sa van 2 lá ở tim. Nam giới, nhất là ở những người từ 50 tuổi trở lên bị huyết áp cao có nguy cơ trào ngược van tim lớn hơn. Phẫu thuật mở tim có thể được chỉ định tiến hành nếu tình trạng này diễn biến nặng hơn hoặc biểu hiện triệu chứng.

Nếu biến chứng trào ngược van tim ở người bệnh phát triển nặng, cần cân nhắc lựa chọn trung tâm tim mạch uy tín để được thăm khám và tư vấn về việc tiến hành phẫu thuật. Nếu van tim có thể sửa chữa được thì nên làm phẫu thuật sửa chữa van tim thay vì thay thế với van tim nhân tạo.

4. Lời khuyên cho người bị sa van 2 lá

Đối với những bệnh nhân được chẩn đoán mắc sa van 2 lá ở tim, việc duy trì thói quen sinh hoạt phù hợp sẽ giúp hạn chế được diễn biến của bệnh, đồng thời ngăn ngừa được những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra như đã kể trên.

  • Tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe và diễn biến tiến triển của các triệu chứng.
  • Sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc trong đơn kê hoặc tự ý uống thuốc ngoài đơn.
  • Tập thể dục đều ở cường độ nhẹ nhàng, vừa phải.
  • Có chế độ giảm cân hợp lý, có thể tham khảo bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn kiêng khoa học.

Định kỳ kiểm tra sức khỏe, giúp mọi người phát hiện bệnh tim mạch sớm
Định kỳ kiểm tra sức khỏe, giúp mọi người phát hiện bệnh tim mạch sớm

Bệnh sa van 2 lá tuy ở tim là một bệnh lý không quá nguy hiểm nhưng nếu không có phương hướng điều trị đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng sa van 2 lá nguy hiểm. Chính vì vậy, người bị sa van 2 lá cần theo dõi sát sao các triệu chứng của mình và báo với bác sĩ ngay nếu cần thiết để có biện pháp can thiệp kịp thời.

XEM THÊM

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe