Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp cải thiện triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp. Mặc dù sữa có nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, tuy nhiên nó có thể góp phần làm tăng tình trạng viêm ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp. Bài viết dưới đây cung cấp thông tin cho bạn đọc liệu viêm khớp dạng thấp có nên uống sữa hay không và một số thực phẩm mà bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp không nên ăn.
Viêm khớp dạng thấp là bệnh viêm khớp tự miễn hay gặp. Nó được gây ra do hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động sai lệch, tấn công lớp màng hoạt dịch của khớp và khiến xương bị tổn thương.
Hiện có nhiều phương pháp trong điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp, bao gồm thuốc điều trị nội khoa, vật lý trị liệu, thậm chí cả phẫu thuật. Tuy nhiên bạn không nên bỏ qua những cách đơn giản hơn, như các biện pháp lối sống (nghỉ ngơi và tập thể dục) và một chế độ ăn uống lành mạnh. Mặc dù nghiên cứu khoa học xung quanh chế độ ăn uống phù hợp cho bệnh viêm khớp dạng thấp vẫn còn đang được tranh luận, một số bác sĩ chuyên sâu có thể khuyên bạn nên tránh một số loại thực phẩm để xem xét liệu điều đó có giúp giảm viêm và đau khớp hay không.
Một số bệnh nhân nhạy cảm hơn với vài loại thực phẩm. Tuỳ theo từng bệnh nhân mà có khả năng dung nạp với từng loại thực phẩm khác nhau, do đó không thể khuyến cáo một chế độ ăn kiêng cho tất cả các bệnh nhân. Tuy nhiên, dưới đây là 5 loại thực phẩm thường được báo cáo là làm trầm trọng thêm các triệu chứng và bệnh nhân viêm khớp dạng thấp không nên ăn.
1. Viêm khớp dạng thấp có nên uống sữa?
Mặc dù chúng ta thường được khuyên nên sử dụng các chế phẩm từ sữa để cung cấp canxi và vitamin D cho cơ thể. Tuy nhiên, sữa có thể làm tăng tình trạng viêm ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp do loại thực phẩm này có chứa chất béo bão hoà - là tác nhân gây viêm.
Các triệu chứng trong bệnh viêm khớp dạng thấp có thể bùng phát khi cơ thể đáp ứng với một số loại protein có trong các sản phẩm từ sữa. Một số bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp có tình trạng không dung nạp sữa, trong cơ thể họ có kháng thể với các loại protein có trong sữa. Cơ thể hình thành các kháng thể để tự bảo vệ mình khỏi những gì mà hệ miễn dịch nhầm lẫn là chất có hại, nhưng các kháng thể này lại tấn công các bộ phận khác của cơ thể bên cạnh chống lại các protein có trong sản phẩm từ sữa.
Bệnh nhân bị viêm đa khớp dạng thấp kiêng ăn các sản phẩm từ sữa. Trường hợp bạn vẫn muốn duy trì uống sữa trong thực đơn hằng ngày của mình thì nên lựa chọn các sản phẩm sữa có chứa ít chất béo.
2. Giảm lượng thịt đỏ và thịt chế biến
Thịt có thể là một thực phẩm khác cần tránh khi bị viêm khớp dạng thấp. Thay đổi từ chế độ ăn nhiều thịt sang ăn chay thường giúp cải thiện các triệu chứng viêm khớp dạng thấp.
Ăn thịt nhiều dẫn đến tăng hấp thu chất béo trong cơ thể và chứa hàm lượng calo cao hơn, do đó đây là một chế độ ăn uống không lành mạnh.
Ăn nhiều các loại thịt này làm thúc đẩy quá trình sản xuất IL6, protein phản ứng C và homocysteine. Việc tăng sản xuất các chất này có thể gây viêm và sưng đau khớp của bạn. Thay vì chỉ ăn thịt, hãy bổ sung chế độ ăn uống trong điều trị viêm khớp dạng thấp với các nguồn protein thực vật như đậu và đậu nành.
3. Bị viêm khớp dạng thấp nên tránh Gluten
Gluten là một loại protein được tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen và các loại ngũ cốc khác. Nghiên cứu cho thấy một số bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp có thể đồng thời mắc bệnh celiac do gluten gây nên. Bệnh nhân Celiac ăn gluten gây ra phản ứng miễn dịch trong hệ tiêu hoá có thể dẫn đến đầy hơi và tiêu chảy.
Ở một số người, phản ứng viêm trong đường ruột có thể ảnh hưởng đến các khớp, điều này chỉ làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Trong khi các biện pháp can thiệp chế độ ăn uống đối với bệnh viêm khớp dạng thấp vẫn còn gây tranh cãi thì chế độ ăn không chứa gluten đang cho thấy một số kết quả tích cực.
4. Hạn chế đường và đồ ngọt trong chế độ ăn
Mặc dù một số loại carbohydrate là một phần thiết yếu trong chế độ ăn uống của chúng ta, nhưng người bị viêm khớp dạng thấp nên hạn chế đường trắng và đồ ngọt. Đường trắng, chẳng hạn như siro ngô có hàm lượng fructose cao, không có bất kỳ chất dinh dưỡng nào và có hại cho cơ thể chúng ta. Ăn nhiều đường trắng và đồ ngọt không tốt cho mọi người, đặc biệt là bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.
Cắt giảm lượng đường trắng rất quan trọng đối với bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp vì đường có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Những bệnh nhân mắc viêm khớp dạng thấp nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch cao hơn, hạn chế lượng đường nạp vào cơ thể để giúp việc kiểm soát huyết áp và cholesterol tốt hơn.
5. Cà phê làm tăng triệu chứng viêm khớp dạng thấp
“Bị viêm đa khớp dạng thấp kiêng ăn gì” đó là cà phê. Cà phê là đồ uống quen thuộc đối với nhiều người. Tác dụng của cà phê đối với sức khỏe còn nhiều tranh cãi, đặc biệt là liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp. Nếu có bất kỳ triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp, bạn có thể cân nhắc việc ngưng uống cà phê để xem thử liệu nó có ảnh hưởng đến triệu chứng lâm sàng của bạn hay không.
Bên cạnh việc không nên uống sữa để giảm tình trạng viêm ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp thì thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, gluten, đường trắng và đồ ngọt, cà phê là các thực phẩm mà bệnh nhân viêm khớp dạng thấp không nên ăn. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có chế độ ăn uống lành mạnh và phù hợp với tình trạng bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.