Rối loạn giấc ngủ có thể là một trong những triệu chứng đầu tiên của người bị trầm cảm nghiêm trọng. Đây là một vấn đề lớn của sức khỏe tâm thần nhưng có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
1. Rối loạn trầm cảm là gì?
Rối loạn trầm cảm hay còn gọi là trầm cảm. Đây là bệnh tâm thần có thể điều trị được. Người bệnh thường cảm thấy buồn thường xuyên hơn bình thường và có thể mất hứng thú với những hoạt động mà họ đã từng yêu thích. Tình trạng này có thể dẫn đến nhiều vấn đề trong công việc và cuộc sống hằng ngày. Một số triệu chứng thường gặp khác có thể bao gồm:
- Làm chậm nhịp độ hoạt động trong công việc, đánh máy và các hoạt động yêu cầu tính liên tục khác.
- Nói chậm và chuyển động chậm rõ rệt
- Mất tập trung trong công việc hoặc gặp khó khăn khi đưa ra quyết định
- Năng lượng thấp và mệt mỏi
- Thay đổi cảm giác thèm ăn
- Cân nặng sụt giảm hoặc tăng bất thường và không liên quan đến chế độ ăn kiêng
- Cảm giác tội lỗi hoặc vô dụng
- Muốn tự tử hoặc hay suy nghĩ đến cái chết
Nếu các triệu chứng này kéo dài trên 2 tuần thì bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được thăm khám.
2. Mất ngủ vì trầm cảm diễn ra như thế nào?
Hầu hết những người bị trầm cảm đều gặp phải một số vấn đề về giấc ngủ. Trong thực tế, có nhiều bác sĩ ngần ngại chẩn đoán trầm cảm ở những người không có các triệu chứng rối loạn giấc ngủ.
Không chỉ là một triệu chứng của bệnh trầm cảm, một số rối loạn giấc ngủ như mất ngủ cũng có thể gây ra trầm cảm. Có tới 20% những người gặp khó khăn khi đi vào giấc ngủ gây mất ngủ và hậu quả là mắc phải bệnh trầm cảm. Trong một nghiên cứu lớn, những người bị mất ngủ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao gấp 5 lần so với những người khác.
Mối liên hệ giữa mất ngủ và trầm cảm là một vòng tròn bệnh lý, trong đó trầm cảm dẫn đến các vấn đề về giấc ngủ, từ đó làm trầm trọng thêm triệu chứng trầm cảm.
3. Một số hình thức rối loạn giấc ngủ làm ảnh hưởng đến chứng trầm cảm
- Khó đi vào giấc ngủ: Đây là tình trạng người bệnh khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không đủ giấc để được nghỉ ngơi hợp lý. Mất ngủ ngắn hạn kéo dài vài ngày hoặc vài tuần và nguyên nhân thường là do căng thẳng gây ra. Chứng mất ngủ kinh niên gây ra loại khó ngủ này diễn ra ba lần hoặc nhiều hơn một tuần trong 3 tháng, thậm chí là lâu hơn.
- Ngủ nhiều: Đó là khi bạn cảm thấy rất mệt mỏi trong ngày với biểu hiện bản thân cần phải ngủ trưa vào những thời điểm bất thường như trong bữa ăn, tại nơi làm việc hoặc trong khi trò chuyện. Giấc ngủ diễn ra nhiều giờ và khó thức dậy. Bạn cũng có thể cảm thấy lo lắng, cáu kỉnh, ít năng lượng và có sương mù khi thức.
- Khó thở khi ngủ: Bệnh nhân thường có tình trạng ngủ ngáy sẽ làm giảm nhịp thở khi ngủ và có thể đánh thức bản thân nhiều lần trong đêm. Mặc dù bạn có thể không nhớ mình đã thức dậy nhưng sáng hôm sau cơ thể sẽ choáng váng và cáu kỉnh vào ngày hôm sau vì thiếu ngủ. Ngoài ra, với người thừa cân có thể xuất hiện tình trạng chứng ngưng thở khi ngủ, nhưng cũng có những nguyên nhân khác.
Cho đến nay, mất ngủ là vấn đề về rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất có liên quan đến trầm cảm. Các nghiên cứu đã cho thấy có khoảng 3 trong số 4 người lớn bị trầm cảm cũng bị mất ngủ và khoảng 1/5 bệnh nhân mắc trầm cảm có chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Cho dù vấn đề về giấc ngủ của bạn dẫn đến trầm cảm hay ngược lại thì bạn nên giải quyết cả hai vấn đề này và nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ chuyên khoa.
4. Cần làm gì khi có triệu chứng mất ngủ?
Khi càng phát hiện sớm các triệu chứng của một trong hai vấn đề thì bạn có thể sớm tiếp cận với phương pháp điều trị cần thiết để giúp cơ thể phục hồi trở lại. Do đó, cần đi khám bác sĩ nếu như có một trong các triệu chứng sau:
- Ngủ không ngon hoặc khó đi vào giấc ngủ
- Ban ngày thường xuyên mệt mỏi
- Đau hoặc khó chịu ngăn cản giấc ngủ ngon
- Các triệu chứng trầm cảm như cảm giác bất lực, tuyệt vọng và các triệu chứng khác được liệt kê ở trên kéo dài hơn vài tuần
5. Điều trị các vấn đề về giấc ngủ liên quan đến trầm cảm như thế nào?
Bạn có thể cần điều trị riêng cho cả trầm cảm và các vấn đề về giấc ngủ tùy theo chỉ định của bác sĩ. Các loại thuốc điều trị trầm cảm phổ biến như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc có thể giúp cải thiện tâm trạng và các triệu chứng trầm cảm khác, nhưng chúng có thể không cải thiện giấc ngủ. Các phương pháp điều trị trầm cảm khác bao gồm các loại liệu pháp trò chuyện và sử dụng các loại thuốc như thuốc chống loạn thần. Tuy nhiên, các vấn đề về giấc ngủ kéo dài có thể làm cho các phương pháp điều trị này kém hiệu quả hơn.
Một liệu pháp nói chuyện được thiết kế đặc biệt được gọi là liệu pháp hành vi nhận thức cho chứng mất ngủ (CBT-I) cho thấy nhiều hứa hẹn trong việc điều trị chứng mất ngủ. Một số bằng chứng cho thấy rằng khi kết hợp với điều trị trầm cảm, CBT-I giúp cải thiện các vấn đề về giấc ngủ ở những người bị trầm cảm và giảm nguy cơ trầm cảm trong tương lai.
Thiết bị đo áp suất dương liên tục (CPAP) cho chứng ngưng thở khi ngủ có thể khôi phục giấc ngủ ngon, giúp giảm nguy cơ trầm cảm. Đó là một vấn đề lớn vì những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao gấp 5 lần những người khác.
Việc lựa chọn phương pháp điều trị cho các vấn đề về giấc ngủ liên quan đến trầm cảm rất phức tạp, vì mỗi trường hợp cá nhân có thể rất khác nhau. Do đó, cần đến gặp bác sĩ và trao đổi về các triệu chứng mà bản thân gặp phải để có hướng giải quyết thích hợp nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com