Thiếu canxi máu hay hạ canxi máu chỉ tình trạng nồng độ canxi máu trong người bệnh thấp hơn mức độ cho phép. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. Các đối tượng thường dễ bị thiếu canxi máu là phụ nữ mang thai và trẻ em. Vậy thiếu canxi máu nên ăn gì?
1. Các nguyên nhân gây thiếu canxi máu?
Phụ nữ mang thai, cho con bú và trẻ em đều là những đối tượng có nhu cầu canxi lớn, nếu lượng canxi cung cấp hàng ngày không đủ có thể dẫn đến tình trạng hạ canxi trong máu. Các nguyên nhân khác gây hạ canxi máu có thể kể đến như:
- Suy tuyến cận giáp
- Suy thận
- Suy dinh dưỡng
- Thiếu vitamin D và magie
- Nghiện rượu
- Bệnh bạch cầu
- Sử dụng quá nhiều caffeine làm giảm hấp thu canxi
- Bệnh nhân điều trị hoá trị
- Sử dụng thuốc lợi tiểu
2. Triệu chứng của thiếu canxi máu
Trước khi tìm hiểu tụt canxi máu nên ăn gì người bệnh cần hiểu rõ những triệu chứng của căn bệnh này.
Thiếu canxi máu thường khởi đầu bằng các triệu chứng như tê môi, lưỡi, các đầu ngón tay, đầu ngón chân, thở nhanh, kích thích, hoảng hốt. Sau đó sự co cơ khắp cơ thể xảy ra có thể gây ra dấu hiệu “bàn tay đỡ đẻ” hoặc “dấu bàn đạp” ở chân. Các trường hợp nặng hơn, hạ canxi cũng gây co thắt các cơ vùng mặt và cơ toàn thân gây ra đau đớn, co thắt cơ hô hấp gây khó thở, thậm chí là co thắt cơ thanh môn khiến người bệnh bị suy hô hấp và loạn nhịp tim.
3. Hạ canxi máu nên ăn gì?
Hạ canxi máu nên ăn uống gì là vấn đề được nhiều người quan tâm. Bởi chế độ dinh dưỡng không hợp lý là một trong những nguyên nhân quan trọng và phổ biến gây ra tình trạng thiếu canxi. Vì vậy, để biết được thiếu canxi máu nên ăn gì? Hay tụt canxi máu nên ăn gì? giúp cải thiện và phòng ngừa tình trạng hạ canxi máu thì việc xây dựng một chế độ ăn đầy đủ canxi chính là ưu tiên hàng đầu. Bạn có thể bổ sung nguồn canxi dồi dào trong bữa ăn hàng ngày thông qua các thực phẩm sau:
- Các loại cá nhỏ kho nhừ ăn cả xương, tôm, cua, ốc,...
- Trứng, đặc biệt là lòng đỏ
- Các loại rau lá xanh thẫm: rau cải thìa, rau cải xoăn, cải bó xôi,...
- Sữa và các sản phẩm từ sữa
- Các nguồn thực phẩm giàu vitamin D: Cá, trứng, gan, dầu cá, phô mai, sữa đậu nành,... cũng nên được bổ sung để tránh tình trạng hạ canxi máu khởi phát muộn
- Nguồn thực phẩm bổ sung magie cũng giúp cải thiện tình trạng thiếu canxi máu: các loại hạt, sô cô la đen, ngũ cốc nguyên hạt, sữa chua, bơ, trái cây sấy khô, chuối,..
Ngoài ra, nên thường xuyên tắm nắng 15-20 phút mỗi ngày vào buổi sáng và buổi chiều để cơ thể hấp thu tốt vitamin D hơn.
Bên cạnh những thực phẩm cần phải bổ sung để cải thiện tình trạng thiếu canxi, người bệnh cũng cần tránh ăn một số loại thực phẩm có thể dẫn đến thiếu canxi như:
- Thực phẩm có tính axit: Có thể làm suy giảm hàm lượng khoáng chất kiềm như canxi. Một số loại thực phẩm có tính axit cao như thực phẩm đóng hộp, tiêu thụ quá nhiều các sản phẩm từ sữa.
- Thực phẩm chứa caffeine: Có thể dẫn tới tình trạng mất nước do tăng tiểu tiện, việc này sẽ làm giảm nồng độ canxi trong cơ thể và có thể dẫn đến hạ canxi máu. Các nguồn thực phẩm có chứa caffeine gồm: cà phê, nước ngọt, trà và sô cô la. Nếu đang trong chế độ ăn kiêng cần sử dụng thực phẩm chứa caffeine thì chú ý uống đủ nước để tránh mất nước.
- Thực phẩm giàu natri (muối ăn, thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn): việc thừa natri trong cơ thể có thể dẫn đến giảm aldosterone - đây là một hormone quan trọng trong việc điều hoà natri trong cơ thể. Nếu mức aldosterone thấp, natri có thể được lấy từ máu và lưu trữ trong cơ, tế bào dẫn đến mất nước và cuối cùng là mất cân bằng điện giải gây hạ canxi máu.
Hi vọng thông qua bài viết trên bạn đã biết được thiếu canxi máu nên ăn gì và tụt canxi máu nên ăn gì? Nếu trong trường hợp hạ canxi máu không cải thiện được bằng chế độ dinh dưỡng thì người bệnh cần sớm đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.