Suy nhược cơ thể gây ra nhiều ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe và làm giảm khả năng học tập, làm việc. Vì vậy, người bị suy nhược cơ thể cần chăm sóc và điều trị hợp lý để hồi phục sức khỏe, phòng tránh những nguy cơ có thể xảy ra. Vậy khi bị suy nhược cơ thể bạn nên làm gì để tốt cho sức khỏe, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
1. Nguyên nhân nào dẫn đến suy nhược cơ thể ?
Suy nhược cơ thể là tình trạng mệt mỏi, kiệt sức kéo dài, người bệnh cảm thấy hoàn toàn thiếu sức sống, không đủ năng lượng để làm việc, hoạt động và chứng tỏ sức khỏe của bạn đang giảm sút nghiêm trọng. Khi bị suy nhược kéo dài, cơ thể bạn gần như không còn khả năng tự hồi phục và điều chỉnh một cách tự nhiên như bình thường được.
Một số nguyên nhân chủ yếu gây suy nhược cơ thể có thể kể ra bao gồm:
Sự thiếu hụt chất dinh dưỡng nghiêm trọng của cơ thể
Hàng ngày, cơ thể của con người cần được cung cấp một lượng đầy đủ và đa dạng các chất dinh dưỡng thông qua thức ăn và các loại nước uống để đảm bảo duy trì sức khỏe và năng lượng để hoạt động, làm việc.
Chính vì vậy, việc ăn uống không điều độ, không đảm bảo đủ các bữa ăn hoặc ăn thiếu chất, chế độ ăn kiêng khem quá mức làm cho năng lượng cần thiết cho cơ thể bị thiếu hụt nghiêm trọng. Khi xảy ra tình trạng năng lượng cung cấp hàng ngày bị thiếu hụt, cơ thể buộc phải sử dụng đến các nguồn năng lượng dự trữ, và lâu ngày chính điều này sẽ dẫn đến tình trạng suy kiệt sức khỏe.
Sự vận động quá sức
Quá trình sinh hoạt, vận động và làm việc hàng ngày đòi hỏi chúng ta cần phải cung cấp đủ nguồn năng lượng. Tuy nhiên, nếu phải hoạt động liên tục và quá mức sẽ tiêu hao rất nhiều năng lượng, điều này khiến cho việc hấp thụ chất dinh dưỡng không bảo đảm. Khi không thể duy trì một lượng chất đủ cho cơ thể sẽ dẫn đến mỏi mệt, suy yếu, kiệt sức và suy nhược cơ thể là hậu quả không thể tránh khỏi.
Tình trạng căng thẳng kéo dài
Bên cạnh sự cung cấp về năng lượng, các yếu tố tâm lý, tinh thần cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất của một người. Khi bạn phải chịu đựng sự căng thẳng, áp lực kéo dài sẽ dẫn đến chán nản, mệt mỏi, không còn năng lượng để hoạt động và sự hấp thu dinh dưỡng cũng sẽ giảm sút và chứng suy nhược thần kinh cũng như suy nhược cơ thể là điều rất dễ xảy ra.
2. Sự ảnh hưởng của suy nhược cơ thể đến sức khỏe
Trong giai đoạn đầu, tình trạng suy nhược cơ thể có thể khó phát hiện hoặc dễ dàng bị bỏ qua vì thường chưa gây ra những tác động rõ rệt. Thông thường người bị suy nhược sẽ cảm thấy uể oải, mỏi mệt và không dường như không đủ năng lượng để làm việc hay sinh hoạt được. Điều này có thể gây ra những ảnh hưởng trực tiếp tới tâm trạng và hiệu quả công việc.
Tuy nhiên, sức khỏe của người bệnh sẽ bị đe dọa khá nghiêm trọng và có thể xảy ra những biến chứng nghiêm trọng nếu tình trạng suy nhược cơ thể không được giải quyết. Cụ thể, bệnh nhân phải đối mặt với nguy cơ sụt cân không kiểm soát, ăn uống không ngon miệng, chất lượng giấc ngủ giảm sút, suy giảm trí nhớ, rối loạn tinh thần, nguy cơ mắc bệnh tim mạch, huyết áp. Chính vì vậy, chúng ta cần phải chủ động theo dõi sát sức khỏe của bản thân hàng ngày và khi phát hiện bị suy nhược cơ thể thì cần phải điều trị ngay.
3. Khi cơ thể suy nhược nên làm gì?
3.1 Thay đổi chế độ sinh hoạt
Vận động hợp lý: Điều quan trọng là bạn không được làm việc hoặc vận động quá mức. Bình thường, các loại thực phẩm khi được hấp thu vào người sẽ tạo ra năng lượng đủ để cơ thể duy trì sự tồn tại và thực hiện các hoạt động trong ngày. Nếu bạn cố gắng hoạt động quá mức mà năng lượng cơ thể có thể cung cấp sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt năng lượng. Khi điều này xảy ra buộc cơ thể phải huy động phần năng lượng dùng để dự trữ, điều này lâu ngày đến suy nhược cơ thể.
Tuy vậy, thay vì nghỉ ngơi tuyệt đối không làm gì, người bị suy nhược vẫn nên duy trì vận động ở mức hợp lý. Điều này sẽ giúp tăng cường quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng tạo điều kiện cho sự hấp thu các chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, vận động vừa phải sẽ giúp khí huyết lưu thông và tinh thần cảm thấy thoải mái. Những hoạt động như đi bộ, yoga... rất thích hợp cho người bị suy nhược cơ thể và bạn nên vận động ít nhất 30 phút/ngày.
Nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc: Giấc ngủ là thời gian quý giá nhất để cơ thể hồi phục sau thời gian làm việc, học tập. Chính vì vậy, để cải thiện tình trạng suy nhược, bạn cần đảm bảo thời gian ngủ mỗi đêm từ 7 - 8 giờ và nên ngủ trước 23 giờ. Bên cạnh đó, những khoảng thời gian nghỉ ngơi giữa buổi cũng rất cần thiết để hạn chế tình trạng quá sức cho cơ thể. Khi thời gian ngủ nghỉ được đảm bảo sẽ giúp tinh thần thoải mái, thư giãn, sảng khoái và dần lấy lại năng lượng.
Không sử dụng chất kích thích: Các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,...luôn được biết đến là gây hại cho sức khỏe. Đối với những người bị suy nhược, các thực phẩm này cần được loại bỏ hoàn toàn vì làm suy giảm sức đề kháng khiến tình trạng suy nhược cơ thể trở nên trầm trọng hơn.
3.2. Xây dựng thực đơn hợp lý, khoa học
Điều quan trọng khi bị suy nhược cơ thể là phải đảm bảo chế độ ăn đầy đủ hàng ngày gồm 3 bữa chính và 2 bữa phụ cũng như đảm bảo đầy đủ các nhóm chất cần thiết cho cơ thể.
Chất đạm là chất dinh dưỡng đầu tiên cần bổ sung khi bị suy nhược cơ thể. Đây là nguồn dinh dưỡng cực kỳ quan trọng, có vai trò xây dựng các tế bào, hệ cơ và tăng cường hệ miễn dịch từ đó giúp xua tan mệt mỏi, hồi phục sức khỏe và hạn chế bệnh tật. Chất đạm cũng là nguồn cung cấp năng lượng để cơ thể hoạt động hàng ngày.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia trung bình mỗi ngày lượng đạm cần bổ sung là 0.8g/kg cân nặng, khoảng 46g/ngày đối với phụ nữ và 56g đối với nam giới để tốt cho sức khỏe và hồi phục sức khỏe.
Những thực phẩm giàu chất đạm cần bổ sung hàng ngày trong thực đơn của người bị suy nhược cơ thể là thịt gà, trứng gà, thịt bò, tôm, các loại cá, sữa, các loại đậu, các loại hạt như hướng dương, hạnh nhân, óc chó, chuối,....
Tinh bột là nhóm chất cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể hoạt động, giảm thiểu mệt mỏi, bồi bổ sức khỏe. Bên cạnh đó, tinh bột còn giúp phát triển hệ thần kinh và trí não. Đối với người suy nhược cơ thể, lượng tinh bột cần thiết là khoảng 12kg tinh bột/tháng hay 400g tinh bột/ngày để hồi phục sức khỏe.
Những thực phẩm giàu tinh bột như cơm, bún, phở, khoai tây, ngô,... cần được bổ sung hàng ngày.
Chất béo cũng nằm trong danh sách chất dinh dưỡng cần được bổ sung hàng ngày cho người bị suy nhược cơ thể, nhất là các dạng chất béo lành mạnh như axit béo omega-3 . Những loại chất béo lành mạnh này giúp giải tỏa căng thẳng, cải thiện tâm trạng và giúp trí não linh hoạt hơn. Người bệnh có thể sử dụng các loại cá biển như cá ngừ, cá thu, cá trích, tôm...hoặc các loại dầu thực vật để giúp bổ sung các chất béo lành mạnh.
Bên cạnh đó, theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cung cấp đủ các loại vitamin thiết yếu sẽ giúp người bị suy nhược cơ thể mau hồi phục, đặc biệt là vitamin B và vitamin C.
- Vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, thúc đẩy quá trình collagen, sửa chữa tế bào. Khi được bổ sung đầy đủ sẽ giúp người bị suy nhược cơ thể mau hồi phục, lấy lại năng lượng và tăng sức bền thành mạch. Vitamin C rất dễ bổ sung qua thực phẩm, nhất là các loại trái cây như ổi, cam, bưởi, táo, chanh, kiwi...
- Vitamin B có vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất, tăng khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng khác và tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Bên cạnh đó, vitamin B còn giúp hệ thần kinh khỏe mạnh và cung cấp năng lượng cho cơ thể.
3.3 Uống đủ nước
Nước chiếm đến 70% trọng lượng cơ thể và có vai trò quan trọng trong việc duy trì thân nhiệt, thúc đẩy quá trình chuyển hóa và hạn chế căng thẳng. Vì vậy, người bị suy nhược cơ thể cần phải đảm bảo uống đủ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày để giúp cho việc phục hồi và tăng cường năng lượng.
3.4. Thay đổi tâm lý
Những ức chế về tâm lý như khó chịu, cáu gắt, suy nghĩ nhiều và lo lắng vừa là nguyên nhân vừa là biểu hiện của tình trạng suy nhược cơ thể. Khi tình trạng này kéo dài làm làm con người mất đi sự vui vẻ và hứng thú với công việc cũng như cuộc sống. Vì vậy, để cải thiện sự suy nhược cơ thể cũng cần phải hạn chế stress, trầm cảm và sự rối loạn cảm xúc.
3.5. Thăm khám bác sĩ khi suy nhược kéo dài
Thông thường, sự kết hợp giữa chế độ ăn giàu dinh dưỡng, vận động hợp lý và nghỉ ngơi đầy đủ sẽ giúp cải thiện tình trạng suy nhược cơ thể. Tuy nhiên, nếu tình trạng suy nhược không rõ nguyên nhân kéo dài dù đã thực hiện những sự thay đổi trên thì người bệnh cần đi thăm khám ngay để được sĩ tư vấn và điều trị kịp thời.
Tóm lại, để trả lời cho câu hỏi Bị suy nhược cơ thể nên làm gì ? bạn cần kết hợp chế độ ăn, sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý để hồi phục sức khỏe và điều trị ngay nếu tình trạng suy nhược kéo dài để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.