Bị gãy xương đòn nên kiêng gì?

Gãy xương đòn là 1 chấn thương phổ biến, gây đau đớn và ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Ngoài áp dụng các phương pháp điều trị theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cũng nên quan tâm đến chế độ ăn uống để giảm đau nhức và giúp xương đòn bị gãy mau lành.

1. Gãy xương đòn là gì?

Xương đòn là 1 xương dài, cong hình chữ S và tạo nên phần trước của đai vai. Điểm yếu của xương đòn là ở chỗ nối giữa 1/3 ngoài và 1/3 trong thân xương. Gãy xương đòn là 1 trong những loại gãy xương phổ biến nhất, đặc biệt là ở trẻ em và người trẻ tuổi.

Đa số các trường hợp gãy xương đòn là gãy 1/3 giữa xương đòn với tỷ lệ 69%- 82%. Gãy 1/3 giữa xương đòn phổ biến ở trẻ em và thanh niên với lực chấn thương cao gây gãy nhiều và di lệch nhiều. Ở người trên 70 tuổi thường lực chấn thương thấp và xương gãy ít di lệch.

2. Gãy xương đòn nên kiêng gì?

Gãy xương đòn khiến người bệnh đau đớn và ảnh hưởng lớn đến chức năng vận động. Nếu muốn xương hồi phục nhanh chóng, bệnh nhân không chỉ cần làm theo đúng chỉ định của bác sĩ mà cần kiêng những thực phẩm không tốt cho cơ thể và cản trở quá trình hồi phục của bệnh nhân:

  • Thức uống chứa nhiều caffeine như trà, cà phê và nước ngọt có thể làm giảm hấp thụ canxi và chậm quá trình liền xương. Vì vậy, bệnh nhân tốt nhất cần tránh sử dụng những thức uống này trong quá trình gãy xương.
  • Rượu và một số thức uống có cồn sẽ làm chậm quá trình liền xương. Uống quá nhiều rượu cũng có thể khiến bệnh nhân đi đứng không vững, dễ bị té ngã và có nguy cơ bị thương và gãy xương nặng hơn.
  • Để nhanh hồi phục, bệnh nhân gãy xương đòn nên hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ. Các loại thức ăn này sẽ làm giảm hấp thụ canxi vì chất béo sẽ kết hợp với canxi tạo nên 1 dạng chất không hấp thụ và bị thải ra ngoài.
  • Bệnh nhân cũng cần tránh hút thuốc lá vì hút thuốc có thể khiến thời gian lành bệnh lâu hơn. Hút thuốc sẽ ảnh hưởng tới lưu lượng máu đến xương và ngăn cản máu cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để cho phép xương lành lại.
  • Ăn thực phẩm có nhiều muối cũng có thể khiến cơ thể tăng đào thải canxi theo đường tiểu và xương gãy sẽ khó lành hơn. Vì vậy, bệnh nhân nên hạn chế lượng muối nạp vào cơ thể bằng cách giảm thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp và kiểm soát lượng muối trong khi nấu ăn hàng ngày.

3. Gãy xương đòn ăn gì mau lành?

Gãy xương đòn nên ăn gì là câu hỏi được rất nhiều bệnh nhân quan tâm. Nếu chẳng may bị gãy xương đòn, bệnh nhân nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm sau đây để thúc đẩy quá trình liền xương và tăng cường sức khỏe:

  • Canxi là yếu tố cấu thành xương và không thể thiếu trong chế độ ăn của bệnh nhân gãy xương đòn. Các loại thực phẩm giàu canxi bao gồm măng tây, rau chân vịt, củ cải xanh, cải bắp, cải cúc, cải xoăn, lá su hào, sữa không béo, củ cải, bông cải xanh, cá hộp, hạt mè, rong biển, sữa đậu nành, cần tây, rau diếp, sữa chua và hạnh nhân...Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể bổ sung canxi thông qua các loại thực phẩm chức năng.
  • Ngoài canxi, magie cũng là 1 yếu tố không thể thiếu để xương mau chóng phục hồi. Các loại thực phẩm giàu magie gồm sữa, đậu tương, bơ, thịt, mủ trôm, cá thu, lạc, rau ngót, rau mồng tơi, cải xanh, chuối, cá chép, cá mú và khoai lang...
  • Bệnh nhân cũng nên bổ sung các thực phẩm nhiều kẽm. Kẽm giúp hỗ trợ vitamin D hoạt động hiệu quả và tăng cường hấp thu canxi. Một số thực phẩm giàu kẽm có thể kể đến gồm hải sản, ngũ cốc, khoai tây, cà rốt, bột thô,trứng, hạt hướng dương, hạt bí tiểu mạch, hàu, trai, lạc, đào và bánh mì...
  • Bệnh nhân bị gãy xương đòn cũng nên ăn nhiều các thực phẩm giàu photpho như lòng đỏ trứng gà, trứng cá, yến mạch và hạt óc chó...
  • Khi bị gãy xương, người bệnh cũng nên bổ sung nhiều thực phẩm giàu vitamin để tăng cường sức đề kháng và giúp cơ thể mau chóng hồi phục các tổn thương. Trong đó, vitamin B6 và B12 là cần thiết nhất. Vitamin B6 có nhiều trong thịt gia cầm, súp lơ, cải bắp, chuối, ngũ cốc, thịt bò nạc... Vitamin B12 có trong trứng, nội tạng động vật, sữa hạnh nhân, các loại hạt, dầu thực vật... Các chất này sẽ hỗ trợ hình thành khung xương khỏe và khắc phục các chấn thương.
  • Chế độ giàu rau xanh và trái cây tươi cũng rất tốt cho bệnh nhân gãy xương đòn. Rau củ quả không chỉ cung cấp nhiều vitamin A, B, C, D và các khoáng chất cần thiết mà còn chứa hàm lượng axit folic dồi dào, cực kỳ hữu ích cho một khung xương khỏe mạnh. Ngoài ra, các chất chống oxy hóa trong rau xanh, trái cây còn có khả năng chống các gốc tự do để xương phục hồi hiệu quả. Bệnh nhân có thể bổ sung các loại rau xanh, củ quả và trái cây như chuối, cam, quýt, rau cải xanh, rau ngót, bắp cải, khoai lang và các loại đậu,...

Trên đây là những loại thực phẩm nên và không nên ăn khi bị gãy xương đòn. Bên cạnh chế độ ăn uống, bệnh nhân cũng có thể thực hiện các bài tập nhẹ nhàng, phù hợp để nhanh chóng phục hồi chức năng vận động. Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc các chuyên viên vật lý trị liệu trước khi luyện tập.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe