Đau nhức răng xuất phát do nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu là các bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm nướu. Lúc này người bệnh phải đối mặt với các cơn đau nhức, ê buốt khi ăn nhai và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Chế độ ăn cũng sẽ góp phần quyết định trong việc cải thiện tình trạng đau răng của người bệnh. Vậy đau răng kiêng ăn gì?
1. Những loại thức ăn giúp cải thiện sức khỏe răng miệng
Trước khi trả lời câu hỏi, đau nhức răng không nên ăn gì thì người bệnh cũng nên biết tới các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe răng miệng mà cần ưu tiên bổ sung như:
- Thực phẩm mềm, lỏng: các món ăn mềm, lỏng như súp, cháo được khuyến khích bổ sung khi đau răng nhờ kết cầu mềm, dễ nhai nuốt và hầu như không gây kích ứng mô nướu hay chân răng đang tổn thương. Hơn nữa, các thực phẩm này đa số chứa thành phần dinh dưỡng cân bằng (chất xơ, đạm, tinh bột,...) do đó phù hợp với bệnh nhân đang mệt mỏi vì tình trạng đau răng, không ăn được nhiều
- Rau xanh: các loại rau xanh mang tới nhiều lợi ích cho cơ thể, chất xơ có tác dụng giảm độ axit trong khoang miệng, hỗ trợ làm sạch các mảng bám sinh học và ức chế sự phát triển quá mức của vi khuẩn có hại. Bên cạnh đó hàm lượng nước dồi dào còn giúp làm dịu răng bị đau nhức, ê buốt răng và giảm hôi miệng.
- Trái cây giàu vitamin: Các loại trái cây giàu vitamin có thể giúp giảm tình trạng chán ăn, mệt mỏi và uể oải do đau răng gây ra. Hơn nữa khi ăn trái cây, khoang miệng còn tăng tiết nước bọt. Ngoài tác dụng tiêu hoá thức ăn, nước bọt còn có vai trò cân bằng hệ vi sinh trong khoang miệng, ức chế sự phát triển quá mức của vi khuẩn có hại và cung cấp khoáng chất thiết yếu cho răng. Trong thời gian đau răng, người bệnh nên được bổ sung các loại trái cây có kết cấu mềm, nhiều nước như lê, táo, nho, anh đào, dưa hấu, bơ, sapoche, đu đủ,...
- Sữa chua: đau răng thường khiến con người mệt mỏi, khó chịu, thậm chí lưỡi giảm vị giác và không ngon miệng. Việc bổ sung sữa chua và một số sản phẩm từ sữa như phô mai vừa cung cấp nhiều dinh dưỡng (đạm, canxi, khoáng chất) lại cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng dồi dào nhưng không tác động đến răng bị ê buốt. Ngoài ra các thực phẩm này còn giàu canxi, giúp nuôi dưỡng hàm răng chắc khỏe, cải thiện men răng và hỗ trợ lấp đầy các lỗ sâu li ti. Do đó ngay cả khi răng hết đau nhức, vẫn nên bổ sung sữa và sữa chua vào chế độ ăn để duy trì sức khỏe răng miệng
- Cá ngừ và cá hồi: là thực phẩm có kết cấu mềm, dễ nhai nuốt, chứa nhiều canxi cải thiện sức khoẻ răng, hỗ trợ phòng ngừa tình trạng răng lung lay và suy yếu do thiếu dưỡng chất. Bên cạnh đó, các loại cá này còn cung cấp nhiều axit béo không bão hoà- đặc biệt là omega 3 là thành phần thiết yếu đối với não bộ, thị lực và tim mạch.
- Gừng: chứa gingerol có tác dụng ức chế tổng hợp chất trung gian gây viêm (prostaglandin) và giảm đau tự nhiên. Bệnh đó gừng còn chứa cineol có đặc tính kháng khuẩn, sát trùng và giảm mùi hôi miệng hiệu quả.
- Nghệ: là gia vị quen thuộc chứa hoạt chất curcumin có khả năng kháng khuẩn, chống viêm
- Mật ong: có khả năng chống viêm, kháng khuẩn, kiểm soát tình trạng viêm ở mô nướu, hỗ trợ giảm đau nhức răng và cải thiện tình trạng mệt mỏi
2. Bị đau răng không nên ăn gì?
Thức ăn nhiều đường và tinh bột: vì đây là các loại thức ăn tạo điều kiện cho mảng bám hình thành trên răng lợi, nếu không vệ sinh răng miệng kỹ có thể khiến vi khuẩn sinh sôi và phát triển mạnh, tấn công vào vùng răng lợi bị đau nhức và khiến tình trạng trở nặng
Thực phẩm, trái cây giàu axit: các loại trái cây có tính axit như cam, quýt, cà chua, chanh,... không thích hợp với người đau răng, vì axit có thể khiến răng bị tổn thương nhiều hơn, gây mòn men răng. Nếu có sử dụng cũng nên súc miệng lại với nước lọc để hạn chế tối đa sự tác động đến các răng nướu
Thực phẩm quá nóng hoặc lạnh: đồ ăn cay nóng có thể làm kích thích vết thương ở nướu lợi trong khi đồ ăn lạnh lại làm tăng sự nhạy cảm của răng gây đau nhức, ê buốt.
Thức uống có ga: trong nước có ga chứa cả đường và axit là hai thành phần gây ảnh hưởng lớn nhất tới các dây thần kinh ở răng và dẫn tới hiện tượng đau nhức răng. Bên cạnh đó nếu sử dụng thường xuyên còn khiến người bệnh khô miệng, giảm tiết nước bọt. Răng cũng dễ bị nhiễm màu thực phẩm gây mất thẩm mỹ
Thức ăn khô cứng và dai: các loại thức ăn như gân bò, thịt bò, giò heo, bánh quy có thể làm gia tăng áp lực lên răng khi nhai gây đau nhức. Tình trạng này làm tăng mức độ cơn đau hoặc thậm chí khiến răng bị lung lay và chảy máu
Bia rượu: là nguyên nhân gây ra sâu răng, viêm nướu và hàng loạt các vấn đề khoa khác do ethanol và đường trong thức uống này làm tăng độ pH trong khoang miệng, ăn mòn men răng và kích thích vi khuẩn phát triển. Ngoài ra, một số loại rượu vàng còn khiến răng ố màu. Ngoài ra, sử dụng bia rượu còn làm tăng mức độ đau nhức răng và phù nề mô nướu
3. Chăm sóc răng sau khi đang bị đau răng như thế nào?
Ngoài chế độ ăn thì việc chăm sóc răng miệng cũng cần được kỹ lưỡng để giảm thiểu tổn thương đối với các răng đau:
- Không nên đánh răng quá mạnh, vì có thể khiến răng nhanh hỏng lớp men bảo vệ.
- Ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu hoá như sữa, chế phẩm sứa, cháo, súp
- Súc miệng lại với nước lọc sau khi ăn các loại thực phẩm có tính axit. Nếu muốn chải răng, phải đợi khoảng 30 phút tới 1 giờ vì thực hiện ngay sẽ khiến men răng bị tổn thương nhiều hơn
- Cân nhắc trong việc sử dụng thuốc giảm đau nếu tình trạng đau răng kéo dài mà không bớt.
Khi đã biết được sâu răng nên ăn gì người bệnh có thể tham khảo và áp dụng theo để tình trạng đau răng không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống. Điều quan trọng là với vấn đề sâu răng, người bệnh nên tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm nhất tránh để lâu sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc cả hàm răng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.