Bệnh Gout là bệnh lý viêm khớp, khởi phát thường khá đột ngột biểu hiện bằng dấu hiệu sưng, đau và viêm các khớp. Việc ăn uống không hợp lý khiến bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu và để lại những hệ lụy khó lường. Do đó, bên cạnh việc tuân thủ dùng thuốc, luyện tập cũng cần có một thực đơn hợp lý để việc điều trị bệnh Gout đạt kết quả tốt nhất.
1. Chế độ ăn uống ảnh hưởng như thế nào đến bệnh Gout?
Hàng ngày, cơ thể tạo ra acid uric sau quá trình chuyển hóa purin, được tìm thấy trong nhiều các loại thực phẩm. Muốn kiểm soát bệnh Gout hiệu quả, cần kiểm soát nguyên nhân, trong đó cần giảm lượng purin ăn vào. Không có chế độ dinh dưỡng nào sẽ ngăn ngừa hoàn toàn cơn Gout cấp, nhưng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và hợp lý sẽ giúp bạn quản lý sức khỏe tốt hơn: duy trì cân nặng hợp lý; thiết lập và tuân theo chế độ dinh dưỡng lành mạnh; hạn chế thực phẩm có nhân purin; bổ sung các loại thực phẩm có thể có tác dụng kiểm soát nồng độ acid uric.
Người bệnh gout nên uống bổ sung nhiều nước, khoảng 2-4 lít/24 giờ, đặc biệt là các loại nước khoáng có kiềm hoặc nước kiềm 14%. Điều này có tác dụng làm tăng lượng nước tiểu trong 24 giờ, giúp hạn chế tối đa sự lắng đọng urat trong đường tiết niệu.
2. Những món ăn cho người bệnh Gout
Chế độ dinh dưỡng hàng ngày của người bị Gout rất quan trọng trong việc điều trị bệnh hay có nguy cơ bùng phát bệnh. Đa số những người bệnh bị bệnh Gout đều lo lắng vì phần lớn những thực phẩm phổ biến đều có nhiều purines hoặc fructose. Tuy nhiên, một số loại thực phẩm có hàm lượng các chất này rất thấp, vì vậy vẫn có thể sử dụng, cụ thể như:
- Các loại cá sông bao gồm cá chép, cá diêu hồng; cá đồng như cá rô; thịt trắng như ức gà,... có hàm lượng ít purin, vẫn có thể sử dụng để cung cấp chất đạm cần thiết cho cơ thể, hàm lượng trung bình mỗi ngày theo khuyến cáo là 50 – 100g protein/ngày.
- Tinh bột như gạo, phở, bún, khoai, bánh mì, ngũ cốc... là những thực phẩm cần thiết đối với mỗi người, kể cả người bệnh Gout. Tinh bột chứa một lượng purin an toàn có tác dụng làm giảm và hòa tan acid uric trong nước tiểu.
- Bổ sung thêm các loại rau xanh, trái cây để đào thải axit uric trong máu như cherry, trái cây, cải bẹ xanh, súp lơ... Đây là những thực phẩm giàu chất xơ được khuyến khích sử dụng đối với người bệnh Gout. Nguyên nhân là do chúng có thể làm giảm hấp thu đạm từ đó giảm sự hình thành acid uric. Bạn cũng nên sử dụng đồng thời nhiều thực phẩm có tính kiềm như cải xanh, củ cải, bí... vì chúng có tác dụng trung hòa acid uric trong máu, làm chậm tiến triển của bệnh.
- Sử dụng thêm các loại dầu có nguồn gốc thực vật như dầu ô liu, dầu lạc, dầu mè... để giảm bớt lượng chất béo.
- Nên chế biến thức ăn bằng cách hấp, luộc, hạn chế tối đa việc sử dụng các món ăn chiên, xào nhiều dầu mỡ.
- Nên chọn các thực phẩm có hàm lượng purin thấp như: sữa và các sản phẩm làm từ sữa ít béo và không béo, chẳng hạn như sữa chua và sữa tách béo.
- Bổ sung vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày các loại trái cây tươi và rau quả, nên sử dụng các loại quả giàu vitamin C như dâu tây, dứa... vì chúng làm giảm tình trạng viêm hiệu quả, giúp bạn cảm thấy khỏe mạnh hơn;
- Bổ sung thêm các loại hạt, bơ đậu phộng và ngũ cốc; chất béo, khoai tây, cơm, bánh mì và mì ống; trứng (vừa phải).
- Sử dụng thêm các loại Protein từ thịt như cá, thịt gà và thịt đỏ là tốt với lượng vừa phải (khoảng 100 - 120g mỗi ngày, tùy từng tình trạng của người bệnh).
- Nên uống nhiều nước hàng ngày, trung bình bạn nên uống 2 - 2,5 lít mỗi ngày tùy thuộc vào cân nặng, giới, tuổi... Bổ sung vitamin C khoảng 500-1000mg mỗi ngày cũng có thể có tác dụng trong làm giảm acid uric.
- Mặc dù một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp kiểm soát lượng acid uric, tuy nhiên bạn vẫn cần tuân thủ uống thuốc để ngăn chặn các cơn gút cấp.
Người bệnh bị bệnh Gout cần kiểm soát cân nặng và đảm nguyên tắc ăn trong điều trị bệnh Gout với hàm lượng dinh dưỡng đưa vào mỗi ngày, cụ thể:
- Năng lượng trung bình khoảng 30 – 35 kcal /kg cân nặng/ ngày;
- Chất đạm là 0.8g / kg cân nặng/ ngày;
- Chất béo là 18-25% nhu cầu năng lượng;
- Lượng muối là không quá 5g/ngày;
- Lượng nước là 40ml/kg cân nặng/ngày.
3. Những thực phẩm người bệnh Gout nên tránh dùng
Thức ăn và đồ uống có nhiều purin sẽ tăng nguy cơ bị các đợt Gout cấp, do đó nên tránh xa những loại thực phẩm như thịt đỏ, thịt cừu và thịt lợn; nội tạng động vật, phủ tạng như gan, thận, óc hay lòng...; Hải sản, đặc biệt là động vật có vỏ như tôm, trai, cá cơm và cá mòi;
Tránh sử dụng các loại rau xanh có tốc độ tăng trưởng nhanh như măng tây, măng tre, nấm, giá, dọc mùng... Nguyên nhân là do chúng làm tăng tốc độ tổng hợp acid uric trong máu. Tránh sử dụng những sản phẩm có hàm lượng fructose cao như soda và một số loại nước trái cây, kem, kẹo và đồ ăn nhanh.
Rượu bia làm gia tăng sự tạo acid uric trong gan và ngăn cản thận đào thải acid uric, vì thế hãy tránh xa đồ uống có cồn. Tránh ăn bánh ngọt và bánh quy vì loại thực phẩm này có hàm lượng chất dinh dưỡng thấp và có thể làm tăng nồng độ acid uric. Bên cạnh đó, tránh sử dụng các loại thuốc lợi tiểu hay corticoid.
4. Thực đơn bữa ăn sáng tham khảo đối với người bệnh Gout
Bữa sáng là bữa ăn rất quan trọng, người bị bệnh Gout tuyệt đối không nên bỏ qua. Việc nhịn ăn sáng có thể khiến bạn cảm thấy mất sức và tiến triển các cơn đau nghiêm trọng hơn. Sau đây là gợi ý bữa sáng cho những người bị bệnh Gout bổ dưỡng và phù hợp với người đang mắc bệnh lý này.
Thứ 2 – Cháo thịt gà
Chuẩn bị
- 300g thịt gà;
- 1 nắm gạo tẻ;
- Gia vị nêm nếm;
- Hành ngò.
Cách chế biến
- Thịt gà đem rửa sạch rồi để ráo nước, gạo đem vò sơ;
- Cho phần gạo đem ninh hay hầm nhừ cùng với 1 lít nước trên lửa nhỏ;
- Sau cùng thêm gia vị vừa ăn và thêm vào hành ngò, dùng nóng.
Món cháo gà sẽ ngon hơn nếu bạn sử dụng thịt gà ở phần đùi gà, hoặc bạn có thể sử dụng thịt ức gà mềm nếu muốn hạn chế lượng calories.
Thứ 3 – Sữa chua kết hợp với yến mạch
Nguyên liệu
- 1 năm yến mạch nguyên hạt;
- 1 cốc sữa chua Hy Lạp hoặc 1 cốc sữa chua thường;
- Trái cây các loại như nho, dâu tây, cam hoặc bưởi...
Cách chế biến
- Cho nắm yến mạch trực tiếp vào sữa chua, sau đó cho thêm trái cây vào dùng chung;
- Bạn nên kết hợp sử dụng món ăn này với một tách trà hoặc cà phê sẽ giúp quá trình tiêu hóa tốt hơn.
Thứ 4 – Trứng luộc và khoai lang
Chuẩn bị
- 1 củ khoai lang, hoặc khoai tây;
- 1 quả trứng gà cỡ vừa.
Cách thực hiện
- Đem khoai và trứng luộc trong vòng 3 – 5 phút, đối với khoai lang bạn nên luộc lâu hơn nếu muốn dùng mềm.
- Món ăn sẽ bổ sung đầy đủ các thành phần dinh dưỡng hơn nếu bạn uống kèm một cốc sữa.
- Với món ăn này, bạn có thể chế biến kết hợp uống sữa đậu nành tốt hơn so với sữa tươi.
Thứ 5 – Miến đậu phụ nấu nấm rơm
Nguyên liệu
- 2 miếng đậu hũ non;
- 1 gói miến khô;
- 150g nấm rơm;
- 30g thịt băm hoặc tôm băm;
- 1 nắm hẹ.
Cách chế biến
- Trước tiên bạn đem hẹ và nấm sơ chế sạch, đậu phụ đem cắt thành miếng vừa ăn.
- Đem hành thái thành từng lát mỏng rồi phi hành cho đến khi thơm, sau đó cho phần hành băm hoặc tôm băm vào xào cho đến khi săn lại.
- Cho lượng nước vừa đủ dùng vào nồi, ninh nhừ cho đến khi phần thịt chín thì cho nấm rơm vào.
- Cho phần miến và cuối cùng là lá hẹ vào, nêm nếm cho vừa ăn rồi dùng món ăn khi nóng.
- Với món ăn này, bạn có thể ăn vào buổi sáng khoảng 2 – 3 lần/tuần.
Thứ 6 – Món cháo đậu đen và hạt bo bo
Nguyên liệu
- 150g đậu đen;
- 30g hạt bo bo;
- Trứng gà hoặc thịt băm tùy ý.
Cách thực hiện
- Trước tiên bạn nên cho hạt bo bo và đậu đen đem đi vo sạch;
- Cho các nguyên liệu đã chuẩn bị vào nồi hầm nhừ với lượng nước sấp mặt;
- Ninh nguyên liệu cho đến khi cháo nhừ thì thêm thịt vào, hoặc cho trứng gà vào, nêm nếm vừa ăn;
- Món cháo này có thể nấu đơn giản bằng cách cho các nguyên liệu đã chuẩn bị vào nồi áp suất, kết hợp tùy ý với nguồn đạm bất kỳ;
- Sử dụng món ăn này thường xuyên giúp tăng cường đề kháng phòng tránh nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Thứ 7 – Cháo đậu xanh thịt nạc
Nguyên liệu
- 100g đậu xanh ngâm mềm;
- 1/2 chén gạo;
- Thị, cá tùy ý;
- Gia vị nêm nếm vừa ăn.
Cách chế biến
- Bạn nên chuẩn bị đậu xanh ngâm trước một đêm, sau đó đem ninh cùng gạo đến khi mềm;
- Cho thịt, cá vào nấu cùng và thêm các gia vị vừa ăn rồi thêm hành ngò, dùng nóng;
- Với món ăn này, bạn nên dùng kèm một cốc sữa đậu nành hoặc nước cam.
Chủ nhật – Bánh mì nướng nguyên hạt kèm với mật ong
Chuẩn bị:
- 2 lát bánh mì gối;
- 2 thìa mật ong;
- 1 quả chuối hoặc loại trái cây khác bất kỳ.
Cách thực hiện
- Chuẩn bị 2 lát bánh mì tươi cho vào lò nướng hay máy nướng bánh mì;
- Hoặc bạn cũng có thể sử dụng bánh mì nướng trên chảo đáy bằng cùng một ít bơ tùy thích;
- Bánh mì nướng xong dùng khi còn nóng, thêm vào một ít mật ong để tăng vị ngọt hay kết hợp dùng cùng với các loại trái cây;
- Món ăn này sẽ phù hợp hơn nếu bạn sử dụng cùng một cốc sữa nóng hoặc sữa chua.
Trên đây là những gợi ý về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh gout, bạn có thể tham khảo và áp dụng ngay từ hôm nay giúp sức khỏe người bệnh được carit thiện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.