Bị đau dạ dày có nên ăn chuối không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Quốc Vĩnh - Bác sĩ Cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Chuối không chỉ cực kỳ tốt cho cơ thể, mà còn dễ dàng mua được ở mọi nơi mọi lúc, lưu trữ đơn giản và mang đi tiện lợi. Bạn có thể ăn một quả chuối, làm sinh tố hoặc kết hợp đa dạng với nhiều món khác. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là người bị đau dạ dày có nên ăn chuối không?

1. Những ích lợi của quả chuối

1.1. Lượng carbs phù hợp

Như tất cả các loại trái cây khác, chuối cũng chứa carbs (carbonhydrate chứa 1 hoặc nhiều các phân tử đường để sinh năng lượng, gọi tắc là carbs) nhưng không nhiều. Lượng carbs trong chuối vừa đủ cho những người mắc bệnh tiểu đường có thể thưởng thức 1/2 quả khi cần ăn nhẹ. Chuối cũng rất được ưa chuộng trong chế độ ăn kiêng low-carb.1.2. Giàu chất xơ

Một quả chuối kích thước trung bình cung cấp cho bạn 3 gram chất xơ, tương đương 10% nhu cầu thiết yếu mỗi ngày. Chất xơ có thể giúp ruột của bạn hoạt động tốt, đồng thời kiểm soát cholesterol, huyết áp và giảm viêm.

Ngoài ra, thực phẩm giàu chất xơ cũng khiến bạn mau no mà không cần nạp nhiều calo. Điều này khiến chuối trở thành một lựa chọn hàng đầu cho người muốn giảm cân.

1.3. Chứa nhiều Kali

Khoáng chất này rất quan trọng đối với sức khỏe của tim. Kali làm giãn thành mạch máu, đồng thời giúp cơ thể loại bỏ nhiều natri hơn qua nước tiểu, tăng sức co bóp cơ tim, điều hòa nhịp tim, từ đó kiểm soát huyết áp ổn định. Hơn nữa, kali còn làm giảm nguy cơ đột quỵ, giữ cho xương của người già khỏe mạnh và giúp cơ bắp hoạt động tốt hơn.

Nhưng quá nhiều kali sẽ không tốt cho người có vấn đề về thận. Vì thận cũng tham gia điều hòa lượng Kali trong máu, khi suy thận làm giảm thải Kali dẫn đến nồng độ Kali máu tăng cao gây ra các rối loạn nhịp tim nguy hiểm đe dọa tính mạng.

Bị đau dạ dày có nên ăn chuối không?

1.4. Tốt cho hệ tiêu hóa

Quả chuối là một nguồn prebiotic - những loại carb mà bạn không tiêu hóa được, nhưng lại là nguồn thực phẩm cho các loại men vi sinh đường ruột (vi khuẩn tốt) phát triển. Men vi sinh có thể giúp chữa bệnh tiêu chảy; điều trị tình trạng nhiễm trùng nấm men, đường tiết niệu và tiêu hóa; cải thiện hội chứng ruột kích thích, không dung nạp lactose và một số triệu chứng dị ứng khác.

Probiotic thậm chí có tác dụng khiến cảm lạnh và cúm ít nghiêm trọng hơn.

1.5. Chứa nhiều vitamin

Một lượng vitamin B6 có trong chuối giúp trao đổi chất, đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển não bộ thai nhi và trẻ nhỏ, cũng như sức khỏe hệ miễn dịch.

Một quả chuối cũng cung cấp cho bạn khoảng 10 miligam vitamin C (nhu cầu thiết yếu 75 - 90 mg/ngày). Vitamin C giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác động xấu của các gốc tự do từ thực phẩm không lành mạnh, khói thuốc lá, thuốc trừ sâu... Hệ miễn dịch và khả năng chữa lành của cơ thể sẽ tốt hơn nhờ Vitamin C, đồng thời giúp bạn phục hồi nhanh sau khi tập luyện (so với chỉ uống nước). Vì vậy, ăn chuối vào mỗi buổi sáng sẽ cung cấp đầy đủ năng lượng cho bạn hoạt động cả ngày.


Chuối cung cấp lượng lớn vitamin cho cơ thể con người
Chuối cung cấp lượng lớn vitamin cho cơ thể con người

2. Đau dạ dày có nên ăn chuối?

Nhiều người cho rằng nếu bị đau dạ dày ăn chuối sẽ làm tình trạng bệnh xấu hơn, các cơn đau trở nên dữ dội. Sự thật thì chuối rất tốt cho bộ máy tiêu hóa, lí do khuyến khích bệnh nhân đau dạ dày ăn chuối là:

  • Kali có công dụng tốt trong hỗ trợ tiêu hóa, nhuận tràng, giảm các cơn đau dạ dày, kích thích sản sinh chất nhầy và bảo vệ niêm mạc dạ dày;
  • Pectin trong chuối có tác dụng giảm đau, kích thích tiêu hóa và cải thiện các vấn đề của dạ dày;
  • Chất chống oxy hóa delphinidin giúp phòng ngừa hình thành các khối u dạ dày, giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư;
  • Chuối còn ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn HP – nguyên nhân chính gây các bệnh dạ dày.

Vậy đau dạ dày có nên ăn chuối xanh không? Mặc dù chuối được đánh giá là rất tốt cho bệnh đau dạ dày, nhưng nếu người bị đau dạ dày ăn chuối không đúng cách hoặc do cơ địa thì có thể gặp phản ứng xấu. Để giảm bớt các triệu chứng của đau dạ dày với chuối, người bệnh cần lưu ý:

  • Chỉ nên ăn chuối chín, không ăn chuối xanh hoặc chưa chín kỹ vì các chất trong nhựa sẽ gây kích thích dạ dày, tạo cảm giác cồn cào, khó chịu;
  • Ăn chuối sau bữa cơm khoảng 20 - 30 phút, không ăn vào lúc đói;
  • Lựa chọn các loại chuối phù hợp như chuối ngự, chuối cau, chuối lá, chuối tây;
  • Không nên ăn chuối tiêu để tránh cảm giác đầy bụng, khó chịu, đau âm ỉ và cồn cào;
  • Nên ăn từ 1 - 2 quả chuối mỗi ngày, tránh lạm dụng ăn quá nhiều.

Chế độ ăn uống sẽ ảnh hưởng rất lớn đến bệnh đau dạ dày, do đó người đau dạ dày ăn chuối cũng phải đúng cách mới phát huy hiệu quả tốt.


Nên ăn 1-2 quả chuối / ngày
Nên ăn 1-2 quả chuối / ngày

3. Bệnh đau dạ dày nên ăn gì?

Thói quen ăn uống xấu, chẳng hạn như ăn quá nhanh hoặc bỏ bữa, thường là nguyên nhân phổ biến dẫn đến đau dạ dày. Nhiều người mắc vấn đề về hệ tiêu hóa cũng hay ăn quá nhiều món chế biến sẵn và nhiều đường, tuy nhiên lại không bổ sung đủ chất xơ, trái cây và rau quả.

Đa phần chứng rối loạn tiêu hóa, bao gồm cả đau dạ dày, có thể ngăn ngừa được bằng một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh. Sau đây là các thực phẩm nên đưa vào danh sách bệnh đau dạ dày nên ăn gì:

3.1. Trái cây

Các loại trái cây gồm: Táo, Bơ, Chuối, Quả mọng, Trái cây đóng hộp, Dưa lưới, Nho, Dưa lê, Kiwi, Xoài, Đào & Xuân Đào, Đu đủ, Lê, Mận khô, Dưa hấu...

3.2. Rau

Măng tây, Các loại đậu, Củ cải, Bông cải xanh / trắng, Cải Brussels (bắp cải tí hon), Bắp cải trắng, Cà rốt, Ngô, Dưa leo, Su hào, Tỏi tây, Nấm, Hành tây, Ớt chuông, Khoai tây, Củ cải, Hành lá, Rau bina, Bí đao, Cà chua, Nước ép rau củ, Bí ngòi...


Bổ sung các loại rau vào thực đơn hằng ngày
Bổ sung các loại rau vào thực đơn hằng ngày

3.3. Thịt / protein

Trứng, Đậu Hà Lan khô, Các loại đậu và đậu lăng, Cá, Thịt nạc, Quả hạch, Bơ đậu phộng, Gia cầm, Hạt mầm, Đậu hũ...

3.4. Tinh bột

Bánh mì đa hạt, ngũ cốc và bánh quy giòn, Gạo (nâu hoặc hoang dã), Mì ống nguyên cám.

Vài người có thể gặp vấn đề sau khi ăn một hoặc nhiều loại thực phẩm lành mạnh kể trên. Do đó bạn nên thử nghiệm với số lượng ít trước khi tìm thấy loại thực phẩm phù hợp để thêm vào chế độ ăn uống của mình.

Xung quanh thắc mắc người bị đau dạ dày có nên ăn chuối không, các bác sĩ cho biết chuối có thể hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng nhanh chóng. Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình khỏi đau dạ dày, nên sử dụng chuối mỗi ngày. Tuy nhiên cần phải ăn đúng cách, không ăn chuối tiêu, chuối xanh... để tránh ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa. Ngoài ra, người bệnh cần phải kết hợp dùng thuốc được bác sĩ chỉ định thì bệnh đau dạ dày mới có thể được chữa khỏi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe