Với một người bị bệnh tiểu đường, điều quan trọng là họ phải giữ cho lượng đường trong máu ổn định nhất có thể. Kiểm soát đường máu tốt có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của một số biến chứng của bệnh tiểu đường. Chính vì vậy, bệnh nhân bị tiểu đường cần tránh hoặc giảm thiểu thực phẩm gây ra đột biến lượng đường trong máu như là chuối.
1. Chuối ảnh hưởng đến lượng đường trong máu như thế nào?
1.1. Chuối chứa Carbohydrate làm tăng lượng đường trong máu
Với bệnh nhân bị bệnh tiểu đường, việc nhận thức được số lượng và loại carbohydrate trong chế độ ăn uống của mình là rất quan trọng. Do carbohydrate sẽ làm tăng lượng đường trong máu của người bệnh nhiều hơn các chất dinh dưỡng khác. Điều đó đồng nghĩa với việc các loại thực phẩm đó có thể gây ảnh hưởng lớn đến việc kiểm soát đường huyết.
Khi lượng đường trong máu tăng ở những người không mắc bệnh tiểu đường, cơ thể họ sẽ sản xuất insulin - chất giúp chuyển đường từ máu vào các tế bào để sử dụng hoặc lưu trữ.
Tuy nhiên, quá trình này không hoạt động một cách hiệu quả ở bệnh nhân bị tiểu đường. Cơ thể của những bệnh nhân này không sản xuất đủ lượng insulin cần thiết hoặc các tế bào của họ đề kháng lại insulin được tạo ra. Do đó đường không thể đi vào tế bào, nên sẽ có một lượng lớn đường ở trong máu.
Chính vì vậy, người bị bệnh tiểu đường nếu không biết ăn đúng cách, các loại thực phẩm chứa nhiều carbohydrate có thể gây đột biến lượng đường huyết hoặc làm lượng đường huyết tăng cao liên tục. Cả hai tình trạng này đều có hại cho sức khỏe của người bệnh.
Khoảng 93% lượng calo trong chuối đến từ carbohydrate. Carbohydrate trong chuối ở dạng đường và tinh bột. Một quả chuối cỡ trung bình chứa khoảng 14g đường và 6g tinh bột.
Như vậy chuối chứa nhiều carbohydrate khiến lượng đường trong máu tăng cao hơn các loại thực phẩm khác.
1.2. Chuối cũng chứa chất xơ, có thể làm giảm lượng đường trong máu
Ngoài tinh bột và đường, một quả chuối cỡ trung bình chứa khoảng 3g chất xơ.
Tất cả mọi người, bao gồm cả bệnh nhân tiểu đường nên ăn đủ lượng chất xơ do lợi ích về sức khỏe của loại chất này. Tuy nhiên, chất xơ đặc biệt quan trọng đối với người mắc bệnh tiểu đường, bởi nó có thể giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thu carbohydrate. Điều này có thể làm giảm đột biến lượng đường trong máu và cải thiện việc kiểm soát đường huyết tổng thể.
Một cách để xác định làm thế nào một thực phẩm có chứa carbohydrate sẽ ảnh hưởng đến đường trong máu là bằng cách xem xét chỉ số đường huyết của nó (Gl).
Chỉ số đường huyết xếp loại thực phẩm dựa vào mức độ và tốc độ chúng làm tăng lượng đường trong máu. Điểm số này được tính từ 0 - 100 với cách phân loại như sau:
- Gl thấp: là từ 55 trở xuống.
- Gl trung bình: là từ 56 - 69.
- Gl cao: là từ 70 - 100.
Chế độ ăn kiêng dựa trên thực phẩm có chứa Gl thấp được cho là đặc biệt tốt với những người mắc bệnh tiểu đường typ 2. Do những thực phẩm có chỉ số Gl thấp được hấp thu chậm hơn và làm lượng đường trong máu tăng dần dần, thay vì tăng đột ngột.
Chuối có chỉ số Gl từ 42 - 62 tùy thuộc vào độ chín của nó. Như vậy chuối có chỉ số đường huyết ở mức thấp cho đến trung bình.
Như vậy đường trong chuối được tiêu hóa và hấp thu chậm hơn, điều này có thể ngăn ngừa sự tăng đột biến lượng đường trong máu khi ăn chuối.
1.3. Sự ảnh hưởng của chuối đến lượng đường trong máu còn phụ thuộc vào độ chín của nó
Loại carbohydrate trong quả chuối còn phụ thuộc vào độ chín của quả chuối đó. Quả chuối xanh chứa ít đường và tinh bột kháng hơn.
Tinh bột kháng là chuỗi dài glucose (tinh bột) có khả năng “kháng” tiêu hóa ở phần trên của hệ thống tiêu hóa của chúng ta. Điều này có nghĩa là chúng hoạt động tương tự như chất xơ, do đó không làm tăng lượng đường trong máu.
Tinh bột kháng có thể giúp nuôi các vi khuẩn có lợi trong ruột, nó có liên quan đến việc cải thiện khả năng trao đổi chất và kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Trên thực tế, những người bị bệnh tiểu đường type 2 bổ sung tinh bột kháng có khả năng kiểm soát đường huyết tốt hơn so với những người không dùng tinh bột kháng trong thời gian là 8 tuần. Tinh bột kháng giúp cải thiện độ nhạy của Insulin và giảm viêm.
Tuy nhiên, vai trò của tinh bột kháng trong bệnh tiểu đường type 1 chưa rõ ràng.
Chuối xanh chứa tinh bột kháng, không làm tăng lượng đường trong máu mà thậm chí nó còn có thể cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết lâu dài.
Chuối chín chứa lượng tinh bột kháng ít hơn chuối xanh, đồng thời chứa nhiều đường hơn, hấp thu tinh bột nhanh hơn. Có nghĩa là chuối chín sẽ có chỉ số Gl cao hơn và sẽ khiến cho lượng đường trong máu tăng nhanh hơn so với chuối xanh hoặc chưa chín.
1.4. Kích thước của quả chuối ảnh hưởng đến lượng đường huyết
Độ chín không phải là yếu tố duy nhất khi nói đến lượng đường trong mỗi quả chuối. Kích thước của quả chuối cũng đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này. Quả chuối càng to thì lượng carbohydrate càng nhiều.
Có nghĩa là một quả chuối lớn hơn sẽ có ảnh hưởng nhiều hơn đến lượng đường trong máu. Hiệu ứng kích thước với lượng đường huyết được gọi là tải lượng đường huyết. Tải lượng đường huyết được tính bằng cách nhân chỉ số đường huyết (Gl) với lượng carbohydrate trong một khẩu phần, sau đó chia cho 100. Chỉ số này được đánh giá như sau:
- Tải lượng đường huyết dưới 10 được coi là thấp.
- Tải lượng đường huyết từ 11 - 19 được coi là trung bình.
- Tải lượng đường huyết từ 20 trở lên là cao.
Lượng carbohydrate sẽ phụ thuộc vào kích thước của quả chuối, cụ thể như sau:
- Quả chuối cực nhỏ (từ 6 inch trở xuống): 18,5g carbohydrate.
- Quả chuối nhỏ (từ 6 -6,9 inch): 23g carbohydrate.
- Quả chuối trung bình (từ 7 - 7,9 inch): 27g carbohydrate.
- Quả chuối lớn (từ 8 - 8,9 inch): 31g carbohydrate.
- Quả chuối cực lớn (từ 9 inch trở lên): 35g carbohydrate.
Nếu như tất cả những quả chuối này đều đã chín hoàn toàn có chỉ số Gl là 62, thì tải lượng đường huyết của chúng sẽ dao động từ 11 cho đến 22.
Như vậy kích thước của quả chuối sẽ quyết định ảnh hưởng đến mức đường trong máu. Quả chuối càng lớn thì sẽ càng có nhiều carbohydrate và lượng đường trong máu sẽ càng tăng cao.
2. Chuối có an toàn cho bệnh nhân tiểu đường?
Hầu hết các hướng dẫn chế độ ăn uống chung cho người bị bệnh tiểu đường đều khuyên nên tuân theo chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh bao gồm cả trái cây trong đó.
Nguyên nhân là do việc ăn trái cây và rau quả đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và nguy cơ mắc bệnh thấp hơn, chẳng hạn như bệnh tim, một số bệnh ung thư,... Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc các bệnh này cao hơn người khác, do đó việc ăn đủ trái cây và rau quả là rất quan trọng.
Không giống với các sản phẩm đường tinh luyện như kẹo và bánh, các loại carbohydrate trong trái cây như chuối thường đi kèm với chất xơ, chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất. Cụ thể hơn, chuối sẽ cung cấp cho bạn chất xơ, kali, vitamin B6, vitamin C và một số chất chống oxy hóa cùng với các hợp chất thực vật có lợi.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy ăn ít trái cây không giúp cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết, giảm cân.
Đối với hầu hết bệnh nhân bị tiểu đường, trái cây bao gồm cả chuối là một lựa chọn lành mạnh. Bạn có thể ăn chuối ngay cả khi bạn bị tiểu đường, nhưng hãy chú ý đến độ chín và kích thước của quả chuối để giảm tác dụng của nó đối với mức đường huyết của bạn.
3. Cách ăn chuối cho người bị bệnh tiểu đường
Những người bị bệnh tiểu đường hoàn toàn có thể ăn chuối như một phần của chế độ ăn uống lành mạnh. Một số lời khuyên sau đây có thể giúp làm giảm thiểu tác động của chuối với lượng đường trong máu:
- Theo dõi kích thước quả chuối bạn định ăn: nên ăn một quả chuối có kích thước nhỏ hơn để giảm lượng đường trong một lần ăn.
- Chọn một quả chuối chắc, gần chín: chọn quả chuối không quá chín để hàm lượng đường thấp hơn một chút.
- Chia lượng trái cây của bạn ra trong cả một ngày: chia lượng trái cây của bạn thành nhiều phần giúp giảm lượng đường huyết tăng đột ngột, giữ cho lượng đường trong máu ổn định.
- Ăn chuối cùng với thực phẩm khác: hãy thưởng thức chuối cùng với các loại thực phẩm khác như các loại hạt, sữa chua để giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thu đường.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.
Bài viết tham khảo nguồn: healthline.com, webmd.com