Đau bụng trên rốn là một triệu chứng phổ biến ở nhiều độ tuổi khác nhau, nhiều người thường cho rằng đây là triệu chứng liên quan đến bệnh đau dạ dày. Tuy nhiên, trên thực tế, nguyên nhân gây ra cơn đau này thực sự rất đa dạng. Bài viết này sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về tình trạng này và những cách chữa trị hiệu quả.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Nguyên nhân dẫn đến đau bụng trên rốn tùy thuộc vào vị trí
Tùy thuộc vào mức độ đau, thời điểm xuất hiện, vị trí đau bụng trên rốn và một số đặc điểm khác, chúng ta có thể xác định được nhiều bệnh lý khác nhau, gồm:
1.1 Đau bụng trên rốn ở bên phải hoặc bên trái
1.1.1 Sỏi túi mật
Cơn đau dữ dội ở phía trên rốn, đặc biệt ở bên phải, là triệu chứng báo động của việc sỏi làm tắc nghẽn túi mật. Cùng với đó, người bệnh còn trải qua các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, nôn mửa và kiệt sức. Nếu không được điều trị kịp thời, sỏi túi mật kéo dài có thể gây tổn thương đến tuyến tụy và gan.
1.1.2 Viêm tụy
Các vấn đề về tuyến tụy có thể gây ra những cơn đau ở vùng bụng trên rốn, bên phải hoặc bên trái, đi kèm với các triệu chứng như sốt, buồn nôn và nôn. Trong một số trường hợp, đây là dấu hiệu cảnh báo u tụy.
1.1.3 Viêm loét dạ dày tá tràng
Đau bụng trên rốn ở cả hai bên thường là dấu hiệu điển hình của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Cơn đau âm ỉ, kèm theo ợ chua, ợ hơi và buồn nôn là những triệu chứng đặc trưng của bệnh. Nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như hẹp môn vị, thủng dạ dày và thậm chí là ung thư dạ dày.
1.1.4 Viêm dạ dày
Viêm dạ dày là một trong những nguyên nhân gây ra triệu chứng đau bụng trên rốn. Khi bị viêm, niêm mạc dạ dày trở nên sưng và gây đau. Đặc biệt, viêm dạ dày cấp tính có thể xuất hiện nhanh chóng do nhiễm vi khuẩn HP.
Đối với trường hợp viêm dạ dày mãn tính, người bệnh nên đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời. Việc điều chỉnh chế độ ăn uống, sử dụng thuốc giảm đau và thuốc bảo vệ dạ dày cũng rất quan trọng trong việc ngăn ngừa các triệu chứng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
1.1.5 Đau túi mật
Túi mật, cơ quan nằm dưới gan, bên phải bụng, có chức năng dự trữ mật từ tế bào gan, sau đó đưa mật vào ruột non và tá tràng để hỗ trợ tiêu hóa thức ăn. Bệnh nhân thường gặp phải các cơn đau trên rốn bên trái khi gặp các vấn đề về túi mật. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân cần phải thực hiện cắt bỏ túi mật.
1.2 Đau bụng kèm buồn nôn, đi ngoài
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau bụng trên rốn kèm đi ngoài và buồn nôn như:
1.2.1 Viêm đại tràng
Người bệnh viêm đại tràng không chỉ phải chịu đựng những cơn đau quặn thắt bụng trên rốn mà còn bị táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài. Phân của bệnh nhân thường chứa chất nhầy và máu, kèm theo cảm giác đại tiện không hết phân.
1.2.2 Viêm dạ dày ruột
Bệnh viêm dạ dày ruột, gây ra bởi một loại virus ở dạ dày, thường xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, nôn, tiêu chảy và đau bụng ở vùng trên rốn hoặc gần mỏ ác. Để làm giảm các triệu chứng khó chịu do viêm dạ dày ruột gây ra, người bệnh nên tránh ăn uống quá no và uống nhiều nước.
1.2.3 Tắc ruột
Do sự tắc nghẽn của dịch tiêu hóa và hơi trong lòng ruột, người bệnh sẽ gặp phải các vấn đề về tiêu hóa như đau bụng, chướng bụng, buồn nôn, nôn mửa, táo bón hoặc tiêu chảy. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến thủng ruột và nhiễm trùng.
1.2.4 Rối loạn tiêu hóa
Bệnh nhân rối loạn tiêu hóa thường cảm thấy đau nhức âm ỉ ở vùng trên rốn hoặc đau bụng quặn thắt kèm theo cảm giác muốn nôn, ợ chua và đi ngoài liên tục.
1.2.5 Tiêu chảy
Bệnh nhân bị tiêu chảy không chỉ đau bụng dữ dội ở vùng trên rốn mà còn đi ngoài phân lỏng, ra nước nhiều lần. Việc bổ sung nước và chất điện giải là vô cùng cần thiết để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
1.2.6 Ngộ độc thực phẩm
Nếu một người có biểu hiện bị đau bụng trên rốn, cảm thấy buồn nôn và đi ngoài nhiều lần sau khi ăn, rất có thể người đó đã bị ngộ độc thực phẩm.
1.3 Đau bụng phía trên rốn ở phụ nữ đang mang thai
Nguyên nhân khiến phụ nữ mang thai gặp phải những cơn đau bụng trên rốn có thể là do:
- Thai nhi phát triển gây áp lực lên thành tử cung, khiến mẹ bầu thường xuyên bị đau bụng trên rốn, đặc biệt ở giai đoạn cuối thai kỳ.
- Sự phát triển của thai nhi cần nhiều không gian, khiến vùng da và cơ bắp xung quanh bụng của người mẹ giãn nở tối đa, có thể gây ra cảm giác đau nhức ở vùng trên rốn.
- Những căn bệnh về đường tiêu hóa như viêm tụy, đau dạ dày, viêm đại tràng,... có thể gây ra cơn đau bụng trên rốn.
1.4 Đau bụng ở trên rốn ban đêm
Vào ban đêm, cơn đau bụng ở vùng trên rốn có thể xuất phát từ nhiều yếu tố như:
- Việc trào ngược axit dạ dày thực quản, biểu hiện qua các triệu chứng như buồn nôn, đau bụng trên rốn và đau ngực. Tình trạng trào ngược axit dạ dày có thể bị ảnh hưởng bởi tư thế ngủ.
- Vào ban đêm, bệnh nhân viêm loét dạ dày thường bị đau bụng vùng trên rốn và cảm thấy ợ chua, nóng rát.
- Những người mắc hội chứng ruột kích thích thường xuyên bị đau bụng ở trên rốn vào ban đêm, nhất là khi ăn quá no.
2. Đau bụng trên rốn có nguy hiểm không?
Đau bụng trên rốn do khó tiêu là một tình trạng không nguy hiểm, có thể tự cải thiện bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà hoặc nhờ vào thuốc. Tuy nhiên, các cơn đau này có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm như: nhồi máu cơ tim, viêm túi mật cấp, viêm tụy cấp, loét dạ dày, viêm gan cấp... Vì vậy, bệnh nhân cần được thăm khám và điều trị kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng xảy ra sau này.
3. Cách chữa trị
3.1 Biện pháp chữa trị tại nhà
Nếu những cơn đau bụng trên rốn không kéo dài quá lâu, không gây ra sự mệt mỏi quá mức và không tác động nhiều đến công việc, sinh hoạt hàng ngày, chúng ta có thể áp dụng một vài biện pháp hỗ trợ để giảm đau.
- Chườm ấm vùng bị đau từ 10-15 phút có tác dụng làm giãn cơ trơn, giảm đau hiệu quả.
- Uống trà gừng ấm giúp giãn cơ và làm dịu các cơn đau do bệnh dạ dày, rối loạn tiêu hóa…
- Việc uống mật ong nguyên chất giúp ức chế vi khuẩn, vi nấm và virus hiệu quả, từ đó làm dịu cơn đau.
- Massage vùng bụng bị đau nhẹ nhàng theo đường tròn có thể làm giảm cơn đau đáng kể. Ngoài ra, việc kết hợp với tinh dầu khuynh diệp sẽ giúp tăng cường lưu thông máu, mang đến cảm giác thoải mái và giảm đau nhanh chóng.
3.2 Can thiệp y tế
Điều đầu tiên cần chú ý khi xuất hiện những cơn đau bụng trên rốn là bình tĩnh theo dõi tình trạng các cơn đau. Nếu cơn đau khởi phát theo tính chất chu kỳ, biến mất sau một vài giờ, đặc biệt khi một người ăn quá no hoặc ăn nhiều thực phẩm khó tiêu hóa thì thường không nguy hiểm. Người bệnh chỉ cần điều chỉnh thói quen ăn uống để phòng tránh bệnh.
Tuy nhiên, nếu cơn đau bụng trên rốn kéo dài dai dẳng hàng giờ, đau âm ỉ trong nhiều ngày hoặc bùng phát dữ dội kèm theo nôn ói, người bệnh nên đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám kỹ lưỡng. Mọi người cần đặc biệt chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm:
- Bụng phình to bất thường có thể là dấu hiệu của việc tích tụ hơi trong dịch ruột, gây ra tình trạng tắc nghẽn một phần hoặc tắc hoàn toàn.
- Cơn sốt cao trên 38 độ C cùng với đau bụng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng đường ruột.
- Nôn ói nhiều lần có thể là triệu chứng của nhiều bệnh chưa xác định được, do đó cần tiến hành bồi phụ nước và điện giải để tránh mất cân bằng dịch.
- Cơn đau bụng bắt đầu từ vùng trên rốn và dần lan xuống vùng dưới rốn.
Trên đây, bài viết đã cung cấp cho mọi người những thông tin hữu ích về cách trị đau bụng quặn từng cơn ở vùng rốn. Nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào tương tự, bệnh nhân nên chú ý đến các đặc điểm của cơn đau và cung cấp đầy đủ thông tin cho bác sĩ về các triệu chứng, tiền sử bệnh và sức khỏe để được chẩn đoán chính xác nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.