Bị chó cắn chảy máu chân có nguy hiểm không?

Hỏi

Chào bác sĩ,

15 ngày trước cháu bị chó nhà cắn trong lúc chúng giành ăn với nhau. Vết cắn ở bắp chân trái và lủng 1 lỗ nhỏ, có chảy máu 1 ít. Cháu đã rửa bằng xà phòng và cồn 70 độ. Hiện tại đã qua 15 ngày nhưng chó nhà cháu bỏ ăn, không hoạt bát nhưng không có dấu hiệu tăng động, dữ dội và chỉ thích nằm 1 chỗ, uống nước nhiều. Hiện tại thời tiết đang mưa gió và lạnh, chó nằm gần cửa ra vào. Bác sĩ cho cháu hỏi, bị chó cắn chảy máu chân có nguy hiểm không? Cháu cảm ơn.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hường - Bác sĩ Đa khoa - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Bị chó cắn chảy máu chân có nguy hiểm không? ”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Bệnh dại do virus chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và gây tử vong gần như 100%. Vì vậy, sau khi bị chó, mèo cắn cần phải tiêm phòng dại cho người để ngăn ngừa bệnh. Những trường hợp cần tiêm phòng dại sau khi bị mèo cắn, chó cắn là bắt buộc nếu bị động vật bị dại hoặc nghi ngờ bị dại và trong trường hợp:

  • Động vật gây ra vết thương gây xước da và gây chảy máu
  • Khi màng nhầy của vùng da tiếp xúc với nước bọt của động vật nghi dại

Nếu con vật đó đã cắn người bị chết, biến mất trong thời gian theo dõi, có những biểu hiện hành vi không bình thường và kết quả xét nghiệm của động vật nghi dại hoặc bị dại có kết quả dương tính. Thời gian tiêm phòng sau khi bị chó cắn tốt nhất là trong khoảng 24 giờ sau khi bị chó cắn. Để ngăn ngừa dại, người bệnh cần:

  • Sau khi bị chó cắn, cần rửa vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước liên tục trong vòng 15 phút, để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
  • Rửa vết thương với cồn 70%, cồn i-ốt hoặc dung dịch sát khuẩn Povidone-Iodine, tuyệt đối không cố gắng nặn máu.
  • Sau đó đến ngay cơ sở y tế để tiêm vắc-xin phòng ngừa dại, ngay cả đối với vết cắn nhẹ. Tiêm vắc-xin để hình thành kháng thể bảo vệ cơ thể. Tốt nhất, tiêm trong vòng 24 giờ sau khi bị cắn, vì càng để lâu, hiệu quả của vắc-xin càng giảm.
  • Theo dõi vật nuôi trong 15 ngày.
  • Nếu bị cắn ở vùng đầu mặt, cổ và các đầu ngón tay hoặc bất kỳ vùng gần hệ thần kinh trung ương thì người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để tiêm vắc-xin phòng dại.

Bạn bị chó cắn đã 15 ngày, bạn cần được tiêm vắc-xin dại để dự phòng sau phơi nhiễm. Bạn nên gặp bác sĩ tư vấn vắc-xin để được tư vấn cụ thể và chích vắc-xin.

Nếu bạn còn thắc mắc về chó cắn, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm bạn nhé. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe