Viêm tĩnh mạch bên do tai là viêm ở xung quanh tĩnh mạch bên, ở thành hoặc viêm tắc hoàn toàn tĩnh mạch bên do tai gây ra. Bệnh nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ở nội sọ như viêm màng não, apxe ngoài màng cứng hoặc viêm tắc tĩnh mạch lan rộng.
1. Vai trò của hệ thống tĩnh mạch
Tĩnh mạch hay còn được biết đến với tên gọi quen thuộc là ven và có vai trò vận chuyển máu từ mao mạch có lượng oxy thấp trở về tim. Hệ thống tĩnh mạch bao gồm 4 loại chính là: Tĩnh mạch phổi, tĩnh mạch hệ thống, tĩnh mạch bề mặt và tĩnh mạch sâu.
Vai trò của hệ thống tĩnh mạch là đưa máu thiếu dưỡng khí từ mao mạch trở về tim, điều hòa nhiệt độ cơ thể và lưu trữ máu. Với chức năng điều hòa nhiệt độ cơ thể, tĩnh mạch sẽ giãn ra khi nhiệt độ tăng lên và da sẽ được làm mát hơn.
Với chức năng đưa máu quay trở về tim, tĩnh mạch phải chống lại với trọng lực từ môi trường và nhiệm vụ giúp máu di chuyển nhẹ nhàng và không bị chảy ngược lại sẽ do các van.
Tuy nhiên, nếu vì một lý do nào đó mà các van bị trục trặc thì sẽ khiến dòng máu chảy ngược lại và gia tăng áp lực lên tĩnh mạch, gây ra các bệnh lý giãn tĩnh mạch như:
Ngoài ra, một số bệnh lý có thể gặp ở tĩnh mạch như: Viêm tĩnh mạch bên, huyết khối tĩnh mạch sâu, suy tĩnh mạch chân...
2. Bệnh viêm tĩnh mạch bên do tai và nguyên nhân hình thành
Viêm tĩnh mạch bên là bệnh lý viêm nhiễm tĩnh mạch ở xung quanh, ở thành hoặc viêm tắc hoàn toàn tĩnh mạch bên. Tĩnh mạch bên là một phần của tĩnh mạch nội sọ và có tỷ lệ viêm cao nhất bởi đường kính lớn, đường đi khá ngoằn nghèo cũng như tốc độ chảy của dòng máu khá chậm.
Nguyên nhân gây ra tình trạng viêm tĩnh mạch tai có thể kể đến như sau:
- Do bệnh lý viêm xương chũm cấp và mạn tính gây ra, thường vào thời điểm hồi viêm khi có cholesteatoma.
- Tổn thương do phẫu thuật khoét chũm
- Do một số vi khuẩn như tụ cầu, liên cầu, phế cầu hoặc vi khuẩn kị khí khác gây ra
- Biến chứng nội sọ do tai cũng có thể gây ra viêm tĩnh mạch bên tai.
Bệnh viêm tĩnh mạch bên do tai có thể phối hợp với bệnh viêm màng não gây ra áp xe tiểu não, áp xe phổi và gây nguy hiểm cho người bệnh.
Về cơ chế phát triển của bệnh thường xuất phát từ các bệnh tích ở tai, xương chũm và tới tĩnh mạch theo các đường như đường kế cận, đường mạch máu, từ một ổ viêm khác hoặc qua các khe hở đường nứt vỡ xương.
Người bệnh viêm tĩnh mạch bên do tai thường có những biểu hiện như: Sau sốt cao, nhiễm trùng, buồn nôn, đau đầu khu trú, tai chảy mủ...
3. Giải phẫu bệnh viêm tĩnh mạch bên
Qua việc phân tích tình trạng bệnh viêm tĩnh mạch bên có thể chia thành:
- Viêm quanh tĩnh mạch: Xương của máng tĩnh mạch bên bị viêm thành mủ và tập trung thành abces ở giữa mảnh xương và tĩnh mạch. Mặc dù mặt ngoài ngoài của tĩnh mạch bên xù xì, có thể có giả mạc trắng nhưng thành tĩnh mạch chưa bị tổn thương.
- Viêm thành tĩnh mạch: Thành tĩnh mạch khi này đã bị tổn thương, lúc này chúng thường dày lên, sần sùi, có màu sẫm đen; tuy nhiên dòng máu trong lòng tĩnh mạch vẫn có thể lưu thông bình thường, chưa bị cản trở.
- Viêm trong tĩnh mạch: Xuất hiện cục máu đông bao gồm lớp tiểu cầu, lớp huyết cầu bám thành tầng và có xu hướng lấn dần vào lòng mạch. Ngoài ra, lớp huyết cầu màu đỏ có thể rơi ra và tạo thành huyết khối trôi trong lòng mạch và có thể gây ra tắc tĩnh mạch ở xa.
- Viêm tắc tĩnh mạch: Viêm tắc tĩnh mạch bao gồm viêm tắc hoàn toàn và không hoàn toàn do các cục máu đông gây ra làm cản trở dòng máu lưu thông. Biểu hiện dễ nhận thấy nhất ở viêm tắc tĩnh mạch là tiến hành chọc hút trong lòng tĩnh mạch thấy không có máu và tình trạng xẹp tĩnh mạch ở đoạn dưới.
- Viêm hoại tử tĩnh mạch: Đây là tình trạng cục máu đông gây tắc tĩnh mạch bị viêm nhiễm mà trở thành mủ và gây ra hoại tử tĩnh mạch.
Viêm tĩnh mạch bên do tai là bệnh lý khá nguy hiểm bởi tĩnh mạch nằm ở vị trí gần bộ não và có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ. Các biện pháp dùng để chẩn đoán bệnh viêm tĩnh mạch bên bao gồm: Khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm máu, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.