Giãn tĩnh mạch là bệnh lý phổ biến hiện nay, đặc biệt là tình trạng giãn tĩnh mạch 2 chi dưới. Do đó nhiều bệnh nhân tìm kiếm đến các biện pháp điều trị bệnh lý này, như thuốc uống hoặc thuốc bôi giãn tĩnh mạch. Vậy hiệu quả của thuốc bôi suy giãn tĩnh mạch ra sao và bệnh nhân nên dùng loại thuốc này như thế nào?
1. Giãn tĩnh mạch là gì?
Giãn tĩnh mạch hay gặp nhất là suy giãn tĩnh mạch chi dưới mạn tính, là bệnh lý mạch máu ngoại biên thường xảy ra ở phụ nữ. Khi các van nằm trong tĩnh mạch bị hư hại sẽ làm máu trong tĩnh mạch chảy ngược lại theo hướng thông thường và lâu ngày dẫn đến giãn tĩnh mạch với mức độ tăng dần theo thời gian nếu không được điều trị thích hợp (như sử dụng thuốc uống hay thuốc bôi suy giãn tĩnh tĩnh mạch).
Bệnh giãn tĩnh mạch có thể xảy ra ở bất kỳ đoạn tĩnh mạch nào trong cơ thể, tuy nhiên vị trí thường gặp nhất là ở 2 chi dưới vì phải chịu áp lực liên tục của trọng lượng cơ thể. Đồng thời do cấu trúc mạch máu ở chân khá dài và phức tạp nên có nguy cơ suy giãn cao hơn. Những trường hợp phải đứng trong thời gian dài như giáo viên, công nhân sản xuất dây chuyền hoặc người lớn tuổi và phụ nữ mang thai có khả năng mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch cao hơn.
Khi bị suy giãn, các tĩnh mạch dưới chân sẽ giãn to và nổi lên sát bề mặt da, kèm theo đó là các triệu chứng như đau mỏi và nặng nề, hoặc có cảm giác kiến bò và phù chân vào một số thời điểm nhất định trong ngày.
2. Biến chứng của giãn tĩnh mạch
Nếu không được chỉ định thuốc uống hay thuốc bôi trị giãn tĩnh mạch chân phù hợp, bệnh nhân có những triệu chứng với mức độ tăng dần như sưng phù, tê buốt, thường xuyên bị chuột rút về đêm và tăng nguy cơ viêm tắc tĩnh mạch và sưng cứng 2 chân.
Tình trạng suy giãn sẽ tiến triển dần, có thể khiến toàn bộ hệ thống tĩnh mạch trong cơ thể suy giảm với mức độ nghiêm trọng tăng dần, gây tắc nghẽn hệ tuần hoàn và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Một số bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch 2 chân có thể có biến chứng viêm, loét và nhiễm trùng da. Một biến chứng nặng nề khác của giãn tĩnh mạch chân là tăng nguy cơ hình thành huyết khối gây tắc tĩnh mạch, thậm chí cục máu đông có thể theo máu đi về tim, dẫn đến tắc nghẽn động mạch và thậm chí gây tử vong.
3. Điều trị giãn tĩnh mạch như thế nào?
Các phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch đều nhằm mục đích kiểm soát và ngăn chặn tình trạng máu di chuyển ngược chiều trong tĩnh mạch, hạn chế dịch từ vi quản thoát ra và làm ngập mô kẽ xung quanh. Biện pháp phổ biến được sử dụng là băng ép để thay đổi sự chênh lệch áp suất và giảm đường kính của tĩnh mạch, giúp máu chảy theo hướng thông thường hoặc sử dụng các loại thuốc uống hay thuốc bôi giãn tĩnh mạch.
Một số bệnh nhân có thể áp dụng phương pháp tiêm xơ cứng tĩnh mạch nếu được chẩn đoán ở mức độ nhẹ, giãn các tĩnh mạch nhỏ và giãn tĩnh mạch dạng lưới. Đối với trường hợp suy giãn tĩnh mạch nặng, biện pháp điều trị nội khoa không có tác dụng hoặc xảy ra các biến chứng sẽ bác sĩ chỉ định phẫu thuật. Ngoài ra, hiện nay sự phát triển của phương pháp sóng cao tần hoặc chiếu tia laser có thể thay thế cho các điều trị nội khoa tích cực nhưng không mang lại hiệu quả.
4. Thuốc bôi giãn tĩnh mạch hiệu quả không?
Thuốc bôi trị giãn tĩnh mạch chân là sản phẩm có tác dụng tương tự các thuốc điều trị giãn tĩnh mạch trong nội trú. Các hoạt chất trong thuốc bôi giãn tĩnh mạch thấm qua lớp biểu bì và tác động vào thành tĩnh mạch với mục đích hỗ trợ quá trình lưu thông máu dễ dàng hơn, giúp bệnh nhân giảm hiệu quả các triệu chứng như đau, nhức mỏi, cảm giác nặng và tê chân.
Tương tự các loại thuốc uống, thuốc bôi giãn tĩnh mạch có thể mang lại một số tác dụng như sau:
- Giảm các triệu chứng do giãn tĩnh mạch gây ra, đồng thời hạn chế tình trạng viêm loét da;
- Giảm tình trạng chuột rút về đêm và hạn chế cảm giác kiến bò gây khó chịu;
- Hạn chế mức độ giãn và tăng sức bền thành mạch;
- Hạn chế hình thành các huyết khối trong tĩnh mạch gây tắc nghẽn mạch máu;
- Ngăn các mao mạch nhỏ vỡ và giảm tính thấm thành mạch;
- Hạn chế hình thành các chất gây viêm nhiễm.
Tuy nhiên các loại thuốc bôi suy giãn tĩnh mạch chỉ có hiệu quả đối với các mạch máu nông dưới da. Đối với các tĩnh mạch nằm sâu hoặc bệnh nhân đã có dấu hiệu sưng phồng tĩnh mạch, viêm loét ở da thì việc sử dụng thuốc bôi giãn tĩnh mạch ít có hiệu quả.
Cách sử dụng thuốc bôi trị giãn tĩnh mạch chân:
- Vệ sinh vùng da sạch sẽ và đợi da khô ráo;
- Sử dụng lượng thuốc vừa phải để thoa đều lên vùng da suy giãn tĩnh mạch;
- Bệnh nhân cần bôi thuốc đều đặn, 2 hoặc 3 lần mỗi ngày và duy trì thói quen sử dụng để tăng hiệu quả của thuốc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.