Viêm gan B là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến hiện nay. Bệnh có thể lây truyền theo đường máu, từ mẹ sang con hoặc qua đường quan hệ tình dục. Tuy nhiên nhiều người thắc mắc liệu viêm gan B có lây qua đường hô hấp không?
1. Viêm gan B là gì?
Viêm gan B là bệnh lý khi virus gây ra nhiều tổn thương cho gan, dẫn đến nguy cơ mắc các biến chứng tại gan như xơ gan, suy gan và ung thư gan. Ở giai đoạn cấp tính, viêm gan B có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Viêm gan B có thể xảy ra với bất cứ đối tượng nào, tuy nhiên với người trưởng thành khỏe mạnh có hệ miễn dịch tốt, bệnh nhân có thể hồi phục nếu được phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp phù hợp.
Viêm gan B thường không biểu hiện các triệu chứng đặc hiệu, nhiều trường hợp dù đã nhiễm virus viêm gan B nhiều năm mà không hoàn toàn không có bất cứ vấn đề nào về sức khỏe. Nếu có triệu chứng thường đã ở giai đoạn muộn và có biến chứng, bao gồm sốt, cảm thấy mệt mỏi, ăn uống kém, đau bụng, tiêu lỏng, buồn nôn, nước tiểu màu đậm, phân màu nhạt, đau khớp, vàng da hoặc vàng mắt.
2. Các con đường lây nhiễm virus viêm gan B
Viêm gan B lây qua đường hô hấp không là thắc mắc của không ít người. Virus viêm gan B có thể lây truyền từ người này sang người khác và đa số tồn tại trong cơ thể người bệnh ở dạng mạn tính. Có nhiều con đường chính lây nhiễm viêm gan B, bao gồm:
2.1. Đường máu
Trong máu của người bệnh viêm gan B sẽ chứa số lượng lớn virus HBV. Khi bệnh nhân mắc bệnh có các vết thương hở và vô tình tiếp xúc với vết thương hở của người khác sẽ tạo điều kiện cho virus xâm nhập và lây truyền cho người đó Đặc biệt, viêm gan B lây theo đường máu thường liên quan đến việc sử dụng chung bơm kim tiêm, xăm hình, dùng chung bàn chải đánh răng hoặc dao cạo râu... với nguy cơ lây nhiễm rất cao.
2.2. Đường từ mẹ sang con
Theo thống kê có đến 95% khả năng bà bầu mắc viêm gan B mạn tính sẽ lây truyền virus cho em bé, tính cả trong quá trình mang thai lẫn thời điểm chuyển dạ. Tùy vào giai đoạn của thai kỳ thì tỷ lệ lây nhiễm virus HBV từ bà bầu cho thai nhi sẽ khác nhau:
- Trong 3 tháng đầu thai kỳ: Khả năng lây nhiễm rất thấp, chỉ khoảng 1%;
- Giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ: Tỷ lệ tăng lên khoảng 10% nhưng vẫn còn ở mức thấp;
- Giai đoạn 3 tháng cuối: Đây là thời gian dễ lây nhiễm virus HBV nhất, lên đến 70%;
- Giai đoạn sau khi sinh: Nếu không có các biện pháp bảo vệ sức khỏe và phòng tránh cho trẻ thì khả năng lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang bé lên đến 90%.
Những đứa trẻ sinh ra từ người mẹ mắc viêm gan B mạn tính cần được tiêm vắc xin ngăn ngừa bệnh ngay từ thời điểm vừa chào đời để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ sang con. Một vấn đề tích cực là người mẹ mắc viêm gan B có thể yên tâm cho con bú bằng sữa mẹ do virus không lây nhiễm qua đường sữa mẹ, trừ trường hợp núm vú của mẹ bị chảy máu hoặc nứt nẻ (lây theo đường máu).
2.3. Đường tình dục
Viêm gan B có thể lây truyền thông qua đường quan hệ tình dục khi tiếp xúc với dịch âm đạo. Ngoài ra các chất tiết của cơ thể có nguồn gốc từ máu vẫn có sự hiện diện của virus HBV. Khả năng lây nhiễm viêm gan B qua đường tình dục tăng lên khi bệnh nhân có các tổn thương niêm mạc kèm theo hoặc mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác.
Tỷ lệ người mắc bệnh viêm gan B lây truyền qua đường tình dục ngày càng cao vì giới trẻ hiện nay chưa được trang bị đủ kiến thức và lường trước được hậu quả xảy ra. Quan hệ tình dục không an toàn nghĩa là không sử dụng bao cao su hoặc đôi khi sử dụng chung dụng cụ tình dục... khiến số lượng người mắc bệnh viêm gan B do lây nhiễm qua con đường này tăng lên nhanh chóng.
3. Viêm gan B có lây qua đường hô hấp không?
Nhiều người chưa hiểu rõ về bệnh lý này và đưa ra thắc mắc liệu viêm gan B lây qua đường hô hấp không.
Viêm gan B mặc dù là bệnh dễ lây nhiễm nhưng theo các chuyên gia thì việc tiếp xúc thông thường như nói chuyện, bắt tay hay ôm hôn không thể lây truyền virus HBV. Do đó, bệnh viêm gan B hoàn toàn không lây qua đường hô hấp mà chủ yếu lây theo 3 con đường đã được đề cập ở trên, trong đó chủ yếu là lây qua đường máu.
Nếu trong gia đình hoặc những người xung quanh có bị viêm gan B thì chúng ta có thể yên tâm khi tiếp xúc bằng những cử chỉ bình thường, đồng thời cũng không lo về vấn đề viêm gan B có lây qua đường hô hấp không.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu virus HBV vẫn tồn tại trong nước bọt với một số lượng không đáng kể nên đôi khi vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh. Theo các chuyên gia trường hợp này cực kỳ hiếm gặp nhưng để đảm bảo an toàn thì chúng ta không nên hôn những người đang bị viêm gan B mà đang có những tổn thương trong khoang miệng.
4. Phòng tránh lây nhiễm viêm gan B
Viêm gan B là căn bệnh nguy hiểm, có thể dẫn đến nhiều biến chứng tại gan như suy gan, xơ gan và ung thư gan. Chính vì vậy chúng ta cần nắm và áp dụng các biện pháp phòng tránh để hạn chế tỷ lệ mắc bệnh, cụ thể như sau:
- Tiêm vắc-xin ngừa virus HBV là một biện pháp chủ động, đặc biệt cho những đối tượng có nguy cơ cao như nhân viên y tế hay phụ nữ mang thai;
- Quan hệ tình dục an toàn là cách tự bảo vệ bản thân và bạn tình khỏi nguy cơ lây nhiễm virus;
- Không dùng chung các dụng cụ có khả năng dính máu của của người bệnh viêm gan B như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, bơm kim tiêm, bông tai...;
- Nếu có vết thương hở, bệnh nhân viêm gan B cần vệ sinh, băng bó cẩn thận để tránh lây nhiễm virus cho người khác;
- Khi xăm mình, xăm môi hay xăm mắt, chúng ta nên tìm các cơ sở uy tín và đảm bảo sạch sẽ;
- Xây dựng lối sống và chế độ ăn uống khoa học, hợp lý để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể;
- Người bệnh viêm gan B không được tự ý mua thuốc điều trị khi chưa có sự cho phép của bác sĩ;
- Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị viêm gan B và các bệnh lý khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.