Các bệnh van tim thường gặp gồm hở van tim, hẹp van tim,... Hầu hết các vấn đề về van tim có thể điều trị bằng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật. Tùy nguyên nhân, triệu chứng của bệnh và mức độ ảnh hưởng tới chức năng co bóp của tim, bác sĩ có thể chỉ định điều trị phẫu thuật cho phù hợp.
1. Các bệnh van tim thường gặp
Hệ thống van tim là một hệ thống cấu trúc, đảm bảo máu được lưu chuyển giữa các buồng tim theo một chu trình nhất định. Tuy nhiên, có thể do một nguyên nhân nào đó gây tổn thương van tim, dẫn tới bệnh van tim.
Hệ thống van tim gồm van 2 lá, van 3 lá, van động mạch chủ và van động mạch phổi. Bệnh van tim xảy ra khi 1 hoặc nhiều van tim không thực hiện đúng chức năng đóng mở để máu lưu thông theo 1 chiều. Các dạng thường gặp trong bệnh van tim là:
- Hẹp van tim: Xảy ra khi các van tim trở nên dày, cứng hoặc dính các mép van tim sẽ hạn chế khả năng mở của van tim và gây cản trở quá trình lưu thông máu qua đó. Lúc này, tim phải bơm mạnh hơn để nén dòng máu đi qua vị trí hẹp van tim;
- Hở van tim (suy van tim): Là tình trạng các van tim đóng lại không kín do các nguyên nhân như giãn vòng van, dính, thoái hóa, co rút hoặc các dây chằng van tim quá dài,... Tình trạng này khiến dòng máu có thể bị trào ngược lại trong thời kỳ đóng van. Khi bị hở van, tim sẽ phải làm việc nhiều hơn để bù đắp lượng máu bị thiếu hụt do trào ngược;
- Kết hợp: Một số trường hợp có thể vừa bị hẹp van tim vừa bị suy van tim trong 1 hoặc nhiều van, đặc biệt ở những người mắc bệnh van tim do thấp tim.
Nguyên nhân gây bệnh van tim có thể là: Do bẩm sinh, mắc bệnh cơ tim, nhồi máu cơ tim, tuổi cao, mắc bệnh thấp tim, sa van 2 lá,...
2. Khi nào cần phẫu thuật bệnh van tim?
Hầu hết các bệnh lý về van tim có thể điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật sửa van tim, thay van tim. Tùy nguyên nhân gây bệnh van tim, các triệu chứng bệnh (khó thở, mệt mỏi, đau tức ngực), mức độ ảnh hưởng của van tới chức năng co bóp của tim,... các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân cụ thể.
Việc điều trị bằng thuốc được chỉ định cho các trường hợp bị hẹp, hở van tim. Phương pháp này giúp làm giảm triệu chứng, giảm gánh nặng cho tim, làm chậm tiến triển của bệnh nhưng không thể điều trị tận gốc tình trạng hẹp, hở van tim. Một số loại thuốc thường được sử dụng là: Thuốc giãn mạch, thuốc lợi tiểu, thuốc chống đông,...
Can thiệp phẫu thuật hở van tim, hẹp van tim thường được áp dụng cho những trường hợp cần thay thế van tim. Dựa trên mức độ tổn thương van tim, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phẫu thuật tim mở hoặc can thiệp tim qua da. Can thiệp tim qua da được thực hiện với các trường hợp bị hẹp van tim hoặc khuyết tật van tim bẩm sinh. Còn kỹ thuật thay van tim qua da (không mổ) là kỹ thuật mới, hiện đại nhưng chưa được áp dụng rộng rãi.
Khi mắc bệnh van tim, người bệnh cần nắm được tình trạng hiện tại của van tim, thông báo cho bác sĩ về bệnh lý của mình mỗi lần đi khám. Đồng thời, bệnh nhân cần điều trị sớm khi có triệu chứng nhiễm trùng, vệ sinh răng miệng thường xuyên, dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ, tái khám định kỳ, kiểm tra huyết áp thường xuyên và điều trị tăng huyết áp nếu có.
Ngoài ra, người mắc bệnh van tim cần ăn nhạt, ăn ít muối, ít chất béo, định kỳ kiểm tra chỉ số mỡ máu. Người bệnh cũng cần tránh uống cà phê, rượu bia, tập thể dục mỗi ngày, sinh hoạt điều độ và tránh hoạt động quá sức.
Bệnh lý tim mạch nhìn chung là một chuyên khoa phức tạp, trong đó, các can thiệp ngoại khoa trên van tim đều là các kỹ thuật cao cấp, tinh vi. Vì vậy, những hiểu biết về lợi ích và rủi ro khi can thiệp tim mạch, cũng như lựa chọn nơi thực hiện đảm bảo uy tín, có bác sĩ giỏi và thiết bị tốt là vô cùng cần thiết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.