Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Phương Nga - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ đã có gần 20 năm kinh nghiệm trong chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh.
Các bệnh lý tuyến cận giáp gặp chủ yếu ở nữ giới, độ tuổi từ 50 – 60 tuổi. Bệnh được chẩn đoán nhanh chóng thông qua kiểm tra nồng độ canxi và hormone PTH trong máu.
1. Bệnh tuyến cận giáp là gì?
Bệnh tuyến cận giáp là bệnh xảy ra ở các tuyến cận giáp nhỏ bằng hạt đậu ( thường là 4), nằm gần tuyến giáp. Đây là nơi sản xuất hormone tuyến cận giáp (PTH) giúp duy trì nồng độ canxi trong máu. Bệnh xảy ra làm ảnh hưởng đến chức năng của tuyến cận giáp trong việc duy trì cân bằng nồng độ canxi trong cơ thể.
Có ba loại bệnh tuyến cận giáp: Cường tuyến cận giáp, ung thư tuyến cận giáp và suy tuyến cận giáp.
1.1. Bệnh cường tuyến cận giáp
Cường tuyến cận giáp (HPT) là bệnh lý tuyến cận giáp phổ biến nhất. Bệnh xảy ra khi một (hoặc một số) trong các tuyến cận giáp sản xuất quá nhiều hormone PTH gây ra tình trạng tăng canxi máu. Thông thường, chức năng của tuyến cận giáp bị tác động bởi một khối u lành tính trên tuyến.
Tăng calci máu có thể gây ra vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm:
Hầu hết những người mắc cường tuyến cận giáp nguyên phát không xuất hiện triệu chứng bệnh. Một số bệnh nhân có thể xuất hiện các biểu hiện nhẹ như là:
- Yếu cơ
- Mệt mỏi
- Tăng nhu cầu ngủ
- Suy nhược cơ thể
- Đau nhức xương khớp
Ở những người mắc bệnh cường tuyến giáp ở mức độ nghiêm trọng hơn, bệnh có thể gây ra các triệu chứng như:
- Ăn không ngon
- Buồn nôn
- Nôn
- Táo bón
- Suy giảm trí nhớ
- Tăng cảm giác khát và đi tiểu nhiều
Khi hai hoặc nhiều tuyến cận giáp hoạt động quá mức, bệnh được gọi là tăng sản tuyến cận giáp. Trong một số trường hợp, người bệnh mắc cường tuyến cận giáp thứ phát do suy thận.
Bệnh cường tuyến cận giáp thường được phát hiện ở độ tuổi từ 50 đến 60 tuổi. Trong đó, tỷ lệ mắc bệnh ở nữ cao gấp ba lần nam giới. Ở một số người, bệnh xảy ra do rối loạn tính chất di truyền hiếm gặp được gọi là tăng nồng độ canxi máu giảm canxi niệu có tính chất gia đình (Familial hypocalciuric hypercalcemia). Tình trạng này lành tính và không cần điều trị.
1.2. Ung thư tuyến cận giáp
Ung thư tuyến cận giáp cũng có thể gây cường tuyến cận giáp. Căn bệnh rất hiếm gặp này thường gặp ở những người trong độ tuổi khoảng 50. Nó có khả năng tái phát tại đúng vị trí từng bị sau điều trị. Do đó, cần làm giảm nguy cơ tái phát bệnh bằng cách kiểm soát nồng độ canxi máu ổn định.
Phát hiện bệnh ung thư tuyến cận giáp sớm sẽ giúp quá trình điều trị diễn ra thuận lợi và có hiệu quả tốt hơn. Thông thường, ở những người mắc ung thư tuyến cận giáp, mối nguy hiểm không đến từ căn bệnh ung thư mà từ tăng canxi máu và các biến chứng liên quan khác.
1.3. Suy tuyến cận giáp
Suy tuyến cận giáp là hiện tượng cơ thể không sản xuất đủ hormone PTH gây hạ canxi máu. Nó thường xảy ra sau các phẫu thuật vùng cổ, tổn thương tuyến cận giáp, cũng có thể do hiện tượng tự miễn ở các tuyến.
Suy tuyến cận giáp làm tăng nguy cơ mắc:
- Bệnh Addison: Bệnh addison xảy ra khi tuyến thượng thận không tạo ra đủ hormone PTH. Bệnh xuất hiện do suy tuyến cận giáp tự miễn.
- Đục thủy tinh thể.
- Bệnh Parkinson: Parkinson là bệnh tiến triển theo thời gian, ảnh hưởng đến chức năng não bộ và gây ra các cử động bất thường kết hợp với nhiều triệu chứng khác.
- Thiếu máu ác tính: Thiếu máu ác tính là hiện tượng cơ thể không sản sinh đủ tế bào hồng cầu do thiếu vitamin B12. Những người mắc bệnh này không có khả năng hấp thụ vitamin B12 từ các loại thực phẩm. Bệnh chỉ xảy ra khi mắc bệnh suy tuyến cận giáp tự miễn.
2. Chẩn đoán bệnh tuyến cận giáp bằng cách nào?
Chẩn đoán bệnh tuyến cận giáp bằng cách kiểm tra nồng độ canxi và hormone PTH trong máu.
Sau khi chẩn đoán, người bệnh được chỉ định các xét nghiệm khác để đánh giá mức độ nghiêm trọng:
- Đo mật độ xương (DEXA, DXA): Đo mật độ xương bằng cách sử dụng một lượng rất nhỏ bức xạ ion hóa để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể (thường là vùng dưới của cột sống và xương đùi hai bên). Đây là phương pháp đơn giản, nhanh chóng và không xâm lấn.
- Siêu âm: Siêu âm sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể. Đây là phương pháp thăm khám dễ thực hiện, an toàn, không xâm lấn và không sử dụng bức xạ.
- Chụp CT toàn thân: Chụp CT scanner sử dụng kết hợp tia X và công nghệ máy tính để tạo ra hình ảnh ba chiều (3D). Chụp CT Scanner có thể được chỉ định tiêm thuốc cản quang. Thủ tục này thường được thực hiện tại khoa chẩn đoán hình ảnh và hình ảnh chụp được phân tích bởi bác sĩ chuyên khoa X-Quang.
- Chụp MRI toàn thân: MRI sử dụng từ trường mạnh, sóng radio và máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết bên trong cơ thể.
- Xét nghiệm 25-hydroxy-vitamin D: Những người mắc bệnh cường tuyến giáp nguyên phát thường thiếu vitamin D. Xét nghiệm này giúp theo dõi nồng độ vitamin D trong máu và xác định xem bạn có cần bổ sung vitamin D hay không.
3. Bệnh tuyến cận giáp được điều trị như thế nào?
Điều trị bệnh tuyến cận giáp bằng các phương pháp như: ngoại khoa (phẫu thuật), nội khoa ( uống thuốc), bổ sung thực phẩm chức năng và theo dõi sự tiến triển của bệnh.
3.1. Phẫu thuật
- Phẫu thuật cắt bỏ tuyến cận giáp bất thường có tỷ lệ thành công cao. Phẫu thuật có thể mang lại lợi ích cho hầu hết những người mắc bệnh cường tuyến giáp nguyên phát, có xuất hiện triệu chứng. Mổ cắt bỏ tuyến cận giáp bất thường giúp cải thiện mật độ xương, làm giảm nguy cơ gãy xương và giảm khả năng hình thành sỏi thận.
Trước khi phẫu thuật, người bệnh được chỉ định thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để xác định vị trí tuyến cận giáp bất thường:
- Chụp cắt lớp vi tính (CT- 4D): Chụp CT-4D cung cấp hình ảnh chi tiết hơn so với CT thông thường. Nó được thực hiện bằng cách sử dụng chất cản quang với một tỷ lệ nồng độ và thời gian cân đối. CT-4D đặc biệt hữu ích khi các xét nghiệm hình ảnh khác không phát hiện được tuyến cận giáp bất thường.
- Siêu âm: Siêu âm có thể được sử dụng để tìm khối u trên một hoặc nhiều tuyến cận giáp.
Phẫu thuật sau đó được thực hiện theo một trong hai cách sau:
- Cắt tuyến cận giáp xâm lấn tối thiểu: Tuyến giáp bất thường sẽ được loại bỏ thông qua một vết mổ nhỏ ở cổ. Trong quá trình phẫu thuật, người bệnh cần được gây mê cục bộ hoặc toàn thân nhằm giảm đau, giãn cơ. Phẫu thuật này giúp rút ngắn thời gian hồi phục hơn so với các loại phẫu thuật xâm lấn sâu hơn.
- Cắt tuyến cận giáp xâm lấn: Phẫu thuật có mức độ xâm lấn cao hơn so với phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Nó được sử dụng khi có kế hoạch kiểm tra nhiều hơn một tuyến cận giáp. Do đó, vết mổ lớn hơn cần thực hiện để kiểm tra cả 4 tuyến cận giáp và loại bỏ tất cả các tuyến hoạt động bất thường. Phẫu thuật yêu cầu thời gian nằm viện tối đa hai ngày và gây mê toàn thân.
Trong các phẫu thuật, các mô tế bào sẽ được gửi đi xét nghiệm giải phẫu bệnh để xác định các tuyến cận giáp bất thường là lành tính hoặc ung thư.
Theo đó, biến chứng phẫu thuật là rất hiếm. Chủ yếu là tổn thương dây thần kinh kiểm soát dây thanh âm gây ảnh hưởng đến lời nói và nồng độ canxi thấp mãn tính cần điều trị bằng canxi và vitamin D suốt đời. Tỷ lệ biến chứng cao hơn đối với phẫu thuật nhiều tuyến cận giáp.
Những người bị cường tuyến cận giáp nguyên phát do tăng nồng độ canxi máu giảm canxi niệu có tính gia đình không nên phẫu thuật.
3.2. Theo dõi bệnh
Một số người bị cường tuyến cận giáp nguyên phát nhẹ có thể không cần phẫu thuật, thay vào đó chỉ cần theo dõi bệnh. Phương pháp này được áp dụng trên các đối tượng:
- Không có triệu chứng bệnh
- Chỉ có nồng độ canxi trong máu tăng nhẹ
- Chức năng thận và mật độ xương bình thường
Quy trình theo dõi bệnh thường bao gồm:
- Kiểm tra thể chất theo thời gian
- Xét nghiệm máu để đo nồng độ canxi và chức năng thận
- Đo mật độ xương
3.3. Thuốc điều trị
Các loại thuốc thuộc nhóm calcimimetic có tác dụng làm giảm lượng hormone PTH được sản xuất bởi các tuyến cận giáp. Loại thuốc khác có tên cinacalcet được sử dụng để điều trị cường tuyến cận giáp thứ phát ở những người lọc máu – suy thận và cường tuyến giáp nguyên phát do ung thư tuyến cận giáp. Cinacalcet cũng được phê duyệt để kiểm soát chứng tăng calci máu đối với cường tuyến giáp nguyên phát.
3.4. Bổ sung thực phẩm chức năng
Những người có nồng độ canxi thấp do phẫu thuật cắt bỏ tuyến cận giáp cần sử dụng sản phẩm bổ sung canxi suốt đời. Trong khi đó, những người thường xuyên hạ canxi máu hoặc xuất hiện các cơn co thắt cơ kéo dài được điều trị bằng truyền tĩnh mạch canxi.
Một số người bị cường tuyến cận giáp nguyên phát có thể được chỉ định bổ sung vitamin D. Tuy nhiên, người bệnh cần chú ý hàm lượng, việc bổ sung quá nhiều vitamin D và canxi có thể gây tăng canxi máu hoặc canxi niệu. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến chức năng thận, hoặc thậm chí gây suy thận.
Bệnh tuyến cận giáp là tình trạng nguy hiểm và làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác. Vì thế, việc chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh là cần thiết để bác sĩ có hướng thăm khám và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: radiologyinfo.org