Lưu ý khi chụp cộng hưởng từ (MRI) não và tủy sống

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi - Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú, Bác sĩ chuyên khoa I Trịnh Lê Hồng Minh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) là một phương pháp chẩn đoán kết hợp giữa một nam châm lớn, tần số vô tuyến và máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết của các cơ quan trong cơ thể, trong đó có não và tuỷ sống. Để phát huy tác dụng của MRI cần lưu ý gì khi chụp MRI não và tủy sống?

1. Chụp MRI sọ não

Chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não là phương pháp chẩn đoán hình ảnh dựa trên cơ chế hoạt động của từ trường. MRI đặc biệt hiệu quả trong những trường hợp chẩn đoán các tổn thương liên quan đến não và tủy sống, bao gồm:

Chụp cộng hưởng từ sọ não còn có thể giúp xác định các tổn thương não do chấn thương sọ não hoặc đột quỵ mang lại. Trong một số trường hợp, MRI có thể cung cấp hình ảnh rõ ràng về các phần của bộ não không thể nhìn thấy bằng X-quang, quét CT hoặc siêu âm. Chụp MRI đặc biệt có giá trị để chẩn đoán các vấn đề liên quan với tuyến yên và thân não.

Ngoài ra các bác sĩ cũng có thể yêu cầu chụp MRI sọ não để hỗ trợ chẩn đoán một số triệu chứng sau:

  • Mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt
  • Co giật
  • Rối loạn nhận thức hoặc rối loạn hành vi
  • Chứng đau đầu kinh niên.

Chụp MRI giúp chẩn đoán các cơn đau đầu kéo dài
Chụp MRI giúp chẩn đoán các cơn đau đầu kéo dài

Tất cả triệu chứng trên có thể đều xuất phát do những vấn đề về não và MRI có thể giúp chẩn đoán căn nguyên một cách chính xác.

Một loại chụp cộng hưởng từ khác liên quan đến não là chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI). Kỹ thuật này rất hữu ích với những người đã từng trải qua những ca phẫu thuật não. Chụp cộng hưởng từ chức năng có thể xác định chính xác các khu vực não có chức năng hình thành ngôn ngữ và lời nói cũng như vận động của cơ thể bằng cách đo lường thay đổi về sự trao đổi chất diễn ra trong não khi bệnh nhân thực hiện một số bài kiểm tra mà bác sĩ giao cho ví dụ như trả lời các câu hỏi ngắn hay thực hiện các cử động bàn tay, ngón tay. Ngoài ra chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRA) có thể giúp đánh giá các mạch máu trong não để có thể sớm phát hiện tình trạng xuất huyết hay tụ máu não, túi phình mạch máu...

2. Chụp MRI tủy sống

Tương tự như đối với não, chụp cộng hưởng từ tủy sống cũng là phương pháp hiệu quả để đánh giá tình trạng tủy sống. Bác sĩ sẽ chỉ định kỹ thuật này nếu thấy bệnh nhân xuất hiện một số triệu chứng sau:

  • Đau lưng kèm theo sốt mà không rõ nguyên nhân
  • Dị tật bẩm sinh liên quan đến khu vực các đốt sống
  • Chấn thương cột sống
  • Đau lưng kéo dài và ngày càng có dấu hiệu nặng lên
  • Bệnh đa xơ cứng
  • Xuất hiện những vấn đề liên quan tới bàng quang
  • Phát hiện những dấu hiệu của các khối u não hoặc cột sống
  • Chân tê, yếu, hạn chế khả năng đi lại

Ngoài ra MRI tủy sống cũng giúp xác định vị trí chính xác trước khi tiến hành phẫu thuật cột sống.

Chụp cộng hưởng từ tủy sống cung cấp những hình ảnh rõ ràng hơn của các dây thần kinh ở khoảng giữa các đốt sống so với các xét nghiệm khác như siêu âm, X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính.


Chụp MRI tủy sống cho phép chẩn đoán hình ảnh rõ ràng
Chụp MRI tủy sống cho phép chẩn đoán hình ảnh rõ ràng

Điểm khiến chụp MRI tủy sống được đánh giá cao chính là kỹ thuật này không sử dụng các bức xạ ion hóa như X-quang hay chụp cắt lớp vi tính vì thế nó được đánh giá là an toàn đối với cơ thể, đặc biệt với phụ nữ mang thai và trẻ em. Tuy nhiên không phải vì thế mà chụp cộng hưởng từ tủy sống không có những nhược điểm, có thể kể đến như:

  • Sóng từ trường tạo ra bởi các nam châm trong MRI tủy sống tương tác với các loại máy móc hỗ trợ bằng kim loại được gắn trong cơ thể người bệnh như máy trợ tim, máy trợ thính, bơm insulin, khớp nhân tạo, vòng tránh thai... khiến chúng hoạt động sai chức năng thậm chí dẫn đến hỏng hóc.
  • Một biến chứng khác của MRI tủy sống cũng cần nói đến là phản ứng dị ứng với thuốc tương phản. Trong một số trường hợp, một loại thuốc tương phản được tiêm vào máu qua đường tĩnh mạch nhằm thu được hình ảnh rõ ràng hơn. Phản ứng của cơ thể đối với những loại thuốc này thường nhẹ và dễ dàng được kiểm soát. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp bệnh nhân có thể mắc phải tình trạng sốc phản vệ thậm chí dẫn đến tử vong.

3. Chụp MRI toàn thân

Chụp cộng hưởng từ toàn thân là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh từ MRI trên toàn bộ cơ thể, được thực hiện trên nhiều mặt cắt để thu được hình ảnh 3D rõ nét nhất. Phương pháp này cho phép đánh giá tình trạng của nhiều vùng trên cơ thể, chẩn đoán nhiều bệnh lý khác nhau trong một lần chụp.

Nhiều bệnh lý có thể tác động lên toàn cơ thể như nhiễm trùng, các bệnh chuyển hóa và đặc biệt là ung thư. Do đó thay vì tiến hành xét nghiệm từng phần trên cơ thể, chụp MRI toàn thân giúp đánh giá toàn bộ tình trạng của cơ thể chỉ với một lần chụp, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người bệnh

Khi nào cần chụp MRI toàn thân?

  • Tất cả trường hợp được chẩn đoán ung thư, cần MRI toàn thân để xác định sự di căn của khối u nhằm phân loại mức độ bệnh
  • Đánh giá tình trạng khối u sau khi điều trị bằng xạ trị, hóa trị hay phẫu thuật
  • Những trường hợp nhiễm trùng không rõ nguyên nhân
  • Một số trường hợp tổn thương có tính chất lan rộng toàn thân như viêm nhiễm, các bệnh chuyển hóa
  • Sàng lọc ung thư trước khi xuất hiện các biểu hiện thực thể rõ ràng.

Hình ảnh máy chụp cộng hưởng từ 3.0 Tesla tại Vinmec
Hình ảnh máy chụp cộng hưởng từ 3.0 Tesla tại Vinmec

4. Chụp MRI não cho trẻ em

Não là một trong những tổ chức quan trọng và dễ bị tổn thương nhất của cơ thể đặc biệt là đối với trẻ em khi hệ thống xương sọ chưa hoàn thiện để thực hiện chức năng bảo vệ não. Chụp MRI có thể phát hiện một loạt các tình trạng của não như u nang, khối u, chảy máu, phù nề, bất thường về phát triển và cấu trúc, nhiễm trùng, tình trạng viêm hoặc các vấn đề liên quan với mạch máu.

Chụp cộng hưởng từ não cho trẻ em là kỹ thuật an toàn, không xâm lấn giúp phát hiện một loạt các tình trạng của não như các khối u, xuất huyết, tụ máu não, viêm não hay những bất thường trong sự phát triển cấu trúc của não trẻ.

Chụp MRI não cho trẻ em hữu ích trong việc đánh giá các tình trạng: đau nhức đầu kéo dài, chóng mặt, mệt mỏi, trẻ lười vận động, co giật hay một số bệnh về não bẩm sinh. MRI có thể cung cấp những hình ảnh về một số khu vực của não trẻ rõ ràng hơn so với X-quang hoặc siêu âm.

Chụp cộng hưởng từ não cho trẻ em cần chuẩn bị những gì?

Thông thường MRI não không cần chuẩn bị gì đặc biệt. Kỹ thuật viên sẽ yêu cầu trẻ gỡ bỏ những vật bằng kim loại trên người vì nó có thể ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh. Kỹ thuật viên cũng sẽ khai thác tiền sử liên quan đến việc trong cơ thể trẻ có lắp đặt thiết bị kim loại nào đó hay không. Nếu có, trẻ có thể sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm khác.

Để thu được kết quả MRI với chất lượng cao nhất, trẻ sẽ cần nằm yên trong suốt quá trình chụp. Với trẻ sơ sinh hay những bé hiếu động, điều dưỡng có thể tiêm một liều thuốc an thần qua đường tĩnh mạch để chúng ngủ yên trong khi tiến hành MRI.


Chụp MRI não cho trẻ em là kỹ thuật an toàn, giúp chẩn đoán các triệu chứng đau nhức đầu kéo dài, chóng mặt
Chụp MRI não cho trẻ em là kỹ thuật an toàn, giúp chẩn đoán các triệu chứng đau nhức đầu kéo dài, chóng mặt

Tại một số bệnh viện hoặc phòng khám, bố mẹ của trẻ có thể ở lại trong phòng chụp cùng con mình nhưng đa số sẽ được yêu cầu chờ ở bên ngoài hoặc có thể quan sát bé qua màn hình trong phòng điều khiển của kỹ thuật viên.

MRI não cho trẻ thường thực hiện trong khoảng 30-45 phút. Sau khi kết thúc quá trình chụp, trẻ sẽ được kỹ thuật viên đưa xuống khỏi giường hoặc chuyển đến khu vực hồi phục trong trường hợp sử dụng thuốc an thần.

Chụp cộng hưởng từ là phương pháp chẩn đoán hình ảnh an toàn, không xâm lấn và không sử dụng bức xạ ion hóa có hại. MRI mang đến nhiều hiệu quả trong chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị bệnh, đặc biệt trong xác định các tổn thương não và cột sống. Ngoài ra chụp cộng hưởng từ còn hỗ trợ trong việc tầm soát các bệnh lý ác tính, đặc biệt là ung thư trước khi các khối u di căn và biểu hiện những triệu chứng thực thể.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe