Bệnh trĩ ở trẻ em và cách điều trị

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Trần Mai Phương - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Bệnh trĩ ở trẻ em gây ra do trẻ ngồi trên bề mặt cứng quá lâu, cố gắng rặn khi đi đại tiện, chế độ ăn uống thiếu cân đối, viêm ruột, ít vận động hoặc di truyền từ bố mẹ.

1. Nguyên nhân gây bệnh trĩ ở trẻ em

Trẻ em mắc trĩ có thể do một số nguyên nhân bao gồm:

  • Ngồi trên bề mặt cứng liên tục trong thời gian dài;
  • Ngồi bô quá lâu: Nếu trẻ ngồi bô hơn 10 phút thì nguy cơ trẻ mắc trĩ cao hơn bình thường. Theo đó, thời gian ngồi trên bô kéo dài quá lâu dẫn đến máu dồn lại và tích tụ ở vùng xương chậu, dễ dẫn đến trĩ;
  • Cố gắng rặn khi đi đại tiện;
  • Chế độ ăn uống thiếu cân đối, như ăn ít chất xơ, không uống đủ nước, làm tăng nguy cơ táo bón, nguy cơ dẫn đến trĩ;
  • Quấy khóc dữ dội và thường xuyên sẽ dễ khiến v. Nguyên nhân là vì khi la khóc dữ dội, máu trong cơ thể sẽ bị đẩy dồn xuống vùng xương chậu và làm gia tăng áp lực lên bụng từ bên trong, dẫn đến tình trạng ứ đọng máu trong khu vực trực tràng;
  • Bệnh trĩ ở trẻ em có thể do di truyền từ bố hoặc mẹ. Trường hợp này, triệu chứng bệnh có thể quan sát thấy ngay trong tuần đầu tiên sau sinh. Một số trẻ trong lúc đi đại tiện hoặc khi khóc thì những nốt trĩ thò ra ngoài hậu môn, khiến trẻ cảm thấy rất khó chịu;
  • Viêm ruột cũng là yếu tố liên quan đến sự hình thành búi trĩ;
  • Tương tự như người lớn, ít vận động, không tham gia chơi thể thao là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh trĩ ở trẻ em.

Bệnh trĩ ở trẻ em có thể do di truyền từ bố hoặc mẹ
Bệnh trĩ ở trẻ em có thể do di truyền từ bố hoặc mẹ

2. Triệu chứng bệnh trĩ ở trẻ em

Đối tượng trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ mới tập đi, không có khả năng diễn đạt chính xác điều gì đang xảy ra khiến chúng khó chịu. Do đó, bố mẹ cần phải theo dõi cẩn thận và lưu ý đến một vài triệu chứng nhất định để xác định xem bé có đang bị trĩ hay không.

Bệnh trĩ ở trẻ nhỏ có khả năng dẫn đến những tình trạng khác, chẳng hạn như táo bón hoặc nứt hậu môn. Một số triệu chứng báo hiệu bệnh trĩ ở trẻ em bao gồm:

  • Xuất hiện vệt máu đỏ tươi lẫn trong phân;
  • Rò rỉ chất nhầy ở cửa hậu môn;
  • Trẻ đau, khóc khi đi đại tiện;
  • Phân cứng, khô.

Nếu quý phụ huynh nghi ngờ trẻ đang mắc bệnh trĩ, hãy đến gặp bác sĩ nhi khoa để được thăm khám và chẩn đoán chính xác. Mặc dù có biểu hiện giống bệnh trĩ nhưng có thể những dấu hiệu bệnh không phải do bệnh trĩ gây ra, ví dụ như khi thấy trẻ đi ngoài ra máu thì vẫn có khả năng trẻ mắc phải một bệnh lý khác nghiêm trọng hơn.

Khi đã đưa ra được kết luận chính xác sau quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ thông báo cho bố mẹ và tìm phương án xử trí phù hợp để giải quyết các vấn đề thật hiệu quả, giúp trẻ bớt khó chịu và hạn chế quấy khóc, khiến cho triệu chứng ngày càng nặng hơn.

2. Cách điều trị ban đầu cho trẻ em mắc bệnh trĩ

Cách điều trị bệnh trĩ ở trẻ cần căn cứ vào đặc điểm bệnh cảnh của trẻ để áp dụng phương pháp cải thiện thích hợp. Ở nhà, gia đình có thể áp dụng một trong những cách sau đây để hạn chế tác hại của bệnh:

  • Điều chỉnh lại chế độ ăn uống của trẻ để trở nên cân đối hơn, tránh việc chỉ cho ăn một loại thức ăn. Nên thường xuyên bổ sung cho trẻ các rau củ, hoa quả, trái cây tươi ngon để cung cấp đầy đủ chất xơ, hạn chế nguy cơ trẻ bị táo bón;

Bổ sung rau củ quả cho trẻ khi mắc bệnh trĩ
Bổ sung rau củ quả cho trẻ khi mắc bệnh trĩ
  • Giúp trẻ hình thành thói quen đi đại tiện đúng giờ, tốt nhất mỗi ngày đại tiện một lần vào một thời điểm nhất định;
  • Giữ gìn vệ sinh tại khu vực hậu môn, nên rửa nước ấm sau khi đại tiện và trước khi đi ngủ.

Bệnh trĩ ở trẻ em không chỉ gây ra đau đớn, khó chịu mà còn dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh có nguy cơ dẫn đến mất máu, nhiễm trùng nặng nếu không tiến hành điều trị từ sớm.

Xem thêm: Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn khâu treo triệt mạch trĩ dưới hướng dẫn siêu âm Doppler

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe