Rất hiếm trường hợp bị tái phát bệnh thủy đậu bởi sau khi mắc bệnh, cơ thể đã tự tạo miễn dịch với bệnh. Tuy nhiên, virus gây bệnh sẽ đi sâu vào các rễ thần kinh và tồn tại ở đó, một khi hệ miễn dịch con người suy yếu, virus sẽ tái hoạt động trở lại và gây nên bệnh zona.
1. Nguyên nhân gây bệnh thủy đậu
Thủy đậu là một loại bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra. Biểu hiện ban đầu của bệnh là nổi các mụn nước trên da và niêm mạc, sốt cao, suy nhược, mệt mỏi. Bệnh có tốc độ lây lan khá nhanh, lây trực tiếp từ người sang người.
Bệnh thủy đậu chủ yếu lây qua đường hô hấp, vì vậy, các trường hợp mắc bệnh đều do tiếp xúc với người bị thủy đậu khi hít phải nước bọt khi người bị thủy đậu ho, hắt xì hoặc tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với chất dịch bên trong mụn nước. Việc sử dụng chung các vật dụng cá nhân cũng là một trong những nguyên nhân lây truyền bệnh.
2. Bệnh thủy đậu đã bị rồi có bị lại không?
Vậy trường hợp đã nhiễm virus 1 lần, bệnh thuỷ đậu có tái phát không? Theo đó, rất hiếm trường hợp bị tái phát bệnh thủy đậu, bởi sau khi mắc bệnh, cơ thể đã tự tạo miễn dịch với bệnh. Tuy nhiên, virus gây bệnh sẽ đi sâu vào các rễ thần kinh và tồn tại ở đó, một khi hệ miễn dịch con người suy yếu, virus sẽ tái hoạt động trở lại và gây nên bệnh zona.
Bên cạnh đó, trẻ bị bệnh thủy đậu dưới 6 tháng tuổi hoặc người bị thủy đậu lần đầu ở mức nhẹ, kháng thể sinh ra sau lần mắc bệnh chưa đủ để tiêu diệt sự tấn công của virus thủy đậu trong những lần tiếp theo. Mặc dù khả năng bị lại thủy đậu chiếm tới 10-20% nhưng so với lần đầu thì lần bị bệnh kế tiếp sẽ ở mức độ nhẹ hơn và nhanh khỏi hơn, các triệu chứng cũng không nghiêm trọng như lần một.
3. Biến chứng bệnh thủy đậu
Tuy là căn bệnh lành tính nhưng thủy đậu vẫn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng nếu không điều trị đúng cách và kịp thời. Một số biến chứng thường gặp của bệnh thủy đậu bao gồm:
- Bệnh zona thần kinh: Sau khi khỏi bệnh, virus thủy đậu vẫn tồn tại ở rễ dây thần kinh. Khi hệ thần kinh suy yếu, virus tái hoạt động và gây bệnh zona thần kinh.
- Biến chứng thủy đậu khi mang thai (thủy đậu chu sinh): Thai phụ bị thủy đậu sẽ gây nhiều ảnh hưởng nguy hiểm đến thai nhi như: Thai nhi nhiễm thủy đậu từ mẹ gây khuyết tật và tử vong.
- Nhiễm trùng, bội nhiễm thứ phát: Biến chứng này là do các nốt mụn nước xuất huyết bên trong khi mụn nước bị vỡ, trầy xước, bong tróc dẫn đến nhiễm trùng, tạo mủ, lở loét. Do bị nhiễm trùng nên khi khỏi bệnh sẽ để lại sẹo sâu khó trị khỏi.
- Viêm não, viêm màng não: Biến chứng này xuất hiện ở cả người lớn và trẻ nhỏ, xuất hiện sau khi nổi bong bóng nước 1 tuần. Biến chứng có thể gây tử vong cho người bệnh nếu không điều trị kịp thời.
- Hội chứng liệt Landry: là bệnh hiếm gặp liên quan đến hệ thần kinh ngoại biên, khiến tứ chi tê yếu, liệt dần rồi lan sang toàn thân.
- Viêm thanh quản: Nguyên nhân là do mụn thủy đậu mọc trong khoang miệng hay niêm mạc miệng gây nhiễm trùng, sưng tấy.
- Viêm võng mạc: Virus VZV xâm nhập vào giác mạc sẽ tổn thương đến mắt, thậm chí dẫn đến bệnh viêm võng mạc.
- Viêm phổi thủy đậu: Thường xảy ra ở người lớn, ở ngày thứ 3 – 5 của bệnh với các biểu hiện như ho nhiều, ho ra máu, đau ngực, khó thở.
- Viêm cầu thận cấp: Nếu bị bệnh thủy đậu nặng sẽ ảnh hưởng đến thận, gây viêm thận, viêm cầu thận cấp.
- Viêm gan: Hiếm xảy ra và thường sẽ không có biểu hiện rõ ràng. Một số biểu hiện có thể xuất hiện ở người bệnh như khó tiêu, buồn nôn, miễn dịch suy giảm.
- Viêm tai ngoài, tai giữa: Người bị bệnh thủy đậu có thể bị biến chứng viêm tai trong trường hợp mụn nước mọc ở trong tai gây loét, lở và ngứa.
- Hội chứng Reye: Người mắc bệnh thủy đậu trong quá trình điều trị có sử dụng Aspirin sẽ mắc phải Hội chứng Reye - căn bệnh liên quan đến não và thoái hóa mỡ gan. Các triệu chứng thường gặp của biến chứng này như hôn mê, vàng da, não bị phù, co giật, xuất huyết....
4. Điều trị và phòng ngừa tái phát bệnh thủy đậu
4.1. Điều trị bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu hiện chưa có thuốc đặc trị, tuy nhiên, người bệnh có thể tự điều trị tại nhà theo sự chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ. Trong trường hợp có dấu hiệu viêm nhiễm ở các mụn nước cần được điều trị tại bệnh viện. Cách điều trị bệnh thủy đậu nhanh khỏi, không để lại sẹo, người bệnh cần kết hợp chăm sóc tại nhà và điều trị thuốc như sau:
Chăm sóc tại nhà:
- Hạn chế tiếp xúc với nhiều người và tránh đến các khu vực công cộng. Nên lựa chọn quần áo rộng, nhẹ và mỏng, thấm hút mồ hôi tốt để tránh làm vỡ các mụn nước.
- Tránh ra gió vì lúc này cơ thể rất dễ nhiễm lạnh, khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.
- Sử dụng đồ dùng cá nhân (khăn mặt, ly, chén, muỗng, đũa) riêng; nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, sạch sẽ, cách ly với người chưa nhiễm bệnh (cách ly từ 7 – 10 ngày tính từ ngày phát ban); giữ gìn vệ sinh thân thể, cắt móng tay và giữ tay sạch sẽ (với trẻ nhỏ, bố mẹ nên dùng bao tay bằng vải cho bé để tránh việc bé làm tổn thương đến các mụn thủy đậu).
- Không gãi để tránh làm vỡ các mụn nước, dây dịch mủ ra các vùng da lành xung quanh.
- Nếu người bệnh có các biểu hiện bất thường như sốt cao kéo dài, co giật, hôn mê, xuất huyết cần đưa ngay đến bệnh viện để theo dõi và điều trị.
Điều trị bằng thuốc:
- Đối với các nốt đỏ trên cơ thể, có thể sử dụng dung dịch thuốc tím bôi lên các nốt mụn để kháng viêm, ngăn ngừa hình thành sẹo về sau.
- Nếu mụn nước vỡ, dùng dung dịch xanh Methylen bôi lên. Tuyệt đối không sử dụng vôi mỡ Tetraxiclin, mỡ Penixilin, thuốc đỏ.
- Khi nốt mụn đóng vảy, người bệnh có thể sử dụng kem trị dị ứng, các loại thuốc bôi trị ngứa (trẻ em dưới 6 tháng tuổi và phụ nữ đang mang thai không sử dụng kem trị ngứa có chứa thành phần Phenol).
- Nhỏ mắt ngày 2 – 3 lần với dung dịch Cloramphenicol 0,4% hoặc Acgyrol 1% để sát khuẩn cho mắt, mũi.
- Nếu sốt cao có thể sử dụng các loại thuốc hạ sốt thông thường nhưng cần phải tuân theo sự chỉ định của bác sĩ (không dùng thuốc Aspirin hay sản phẩm có chứa thành phần Aspirin để hạ sốt).
4.2. Phòng ngừa tái phát bệnh thủy đậu
Để phòng ngừa tái phát thủy đậu, Mọi người cần thực hiện một số biện pháp sau:
- Hạn chế tiếp xúc với nguy cơ mầm bệnh.
- Nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng của cơ thể bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh và cân bằng, ăn đủ chất dinh dưỡng kết hợp với việc luyện tập thể dục thường xuyên.
- Tiêm ngừa vắc-xin thủy đậu. Đây là cách phòng tránh bệnh hiệu quả cho trẻ em hoặc người lớn chưa mắc thủy đậu bao giờ. Sau khi tiêm chủng, cơ thể sẽ tạo kháng thể giúp chống lại virus gây bệnh thủy đậu, tương tự, người mắc bệnh thủy đậu lần một cũng có sẵn kháng thể miễn dịch sau đó.
- Nên vệ sinh cá nhân hàng ngày, giữ gìn vệ sinh chung môi trường sống, làm việc xung quanh.
- Nếu phát nghi ngờ có dấu hiệu bị thủy đậu, nên ý thức tự cách ly, chăm sóc bản thân để bảo vệ những người khác.