Bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng mạnh, cảnh giác biến chứng nặng

Bệnh tay chân miệng là một căn bệnh truyền nhiễm, gặp phổ biến ở trẻ em và dễ lây lan. Bệnh có khả năng tự khỏi sau 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách bệnh tay chân miệng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong.

Tại thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận số trẻ em mắc bệnh tay chân miệng trong tháng 9/ 2019 là 6.573 trẻ, tăng gấp đôi số trường hợp mắc trong tháng 8.

1. Dấu hiệu nhận biết của bệnh tay chân miệng nặng cần nhập viện

Bệnh tay chân miệng nặng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng nắm rõ biểu hiện của bệnh khi nào cần nhập viện?

Các chuyên gia y tế khuyên rằng, khi thấy trẻ mắc tay chân miệng cha mẹ cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt để xác định mức độ bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần lưu ý những triệu chứng bệnh tay chân miệng thể nặng dưới đây:

  • Quấy khóc liên tục kéo dài:

Khi bị tay chân miệng, trẻ có thể quấy khóc cả đêm hoặc cứ ngủ từ 15 - 20 phút lại dậy và quấy khóc liên tục. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng trẻ khóc vì bị đau do các nốt lở loét trong miệng. Nhưng thực tế, đây chính là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn sớm.

  • Sốt cao liên tục không hạ:

Khi bệnh tay chân miệng trẻ em trở nặng, trẻ có thể sốt trên 38,5 độ C liên tục hơn 48h và không tác dụng với thuốc hạ nhiệt paracetamol. Điều này cảnh báo mức độ viêm rất mạnh trong cơ thể trẻ dẫn đến nhiễm độc thần kinh. Khi đó, trẻ cần được 1 loại thuốc hạ sốt đặc biệt có chứa Ibuprofen theo chỉ định của bác sĩ.

  • Hay giật mình:

Đây chính là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm độc thần kinh. Cha mẹ cần chú ý quan sát tần suất trẻ bị giật mình có thường xuyên hay không ngay cả khi trẻ đang chơi đùa.

Nếu thấy trẻ xuất hiện 1 trong 3 triệu chứng trên, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám tại những cơ sở y tế uy tín để được điều trị kịp thời.


Bệnh tay chân miệng nặng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ
Bệnh tay chân miệng nặng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ

2. Biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng gây ra

Biểu hiện của bệnh tay chân miệng rất dễ nhận biết nếu chú ý. Đó là các bóng nước có kích thước 2 - 10 mm nổi trên bề mặt da của trẻ, màu xám, hình bầu dục. Bóng nước xuất hiện ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thường ấn không đau. Bóng nước còn có thể xuất hiện trong miệng và khi vỡ ra gây những vết loét trong miệng khiến trẻ đau, chảy nước miếng.

Trẻ có thể bị sốt nhẹ, quấy khóc do đau miệng, bỏ ăn, nôn trớ, tiêu chảy khi các bóng nước bắt đầu nổi hay khi bóng nước đã xẹp.

Đa số các trường hợp bệnh sẽ tự khỏi nhưng nếu bệnh do tác nhân enterovirus 71 thì tác nhân này gây nguy hiểm, vì nó có thể dẫn đến các bệnh tay chân miệng biến chứng có thể dẫn đến tử vong như:

  • Biến chứng thần kinh khiến viêm não màng não, viêm thân não
  • Biến chứng hô hấp tuần hoàn: tổn thương cơ tim, suy tim, trụy tim mạch, phù phổi cấp và tử vong nhanh chóng.

3. Những dấu hiệu của biến chứng tay chân miệng

Tuỳ theo biểu hiện bệnh và các biến chứng bệnh tay chân miệng được phân ra các mức độ khác nhau:

Cấp độ 1: Chỉ có loét miệng hoặc tổn thương da

Cấp độ 2 gồm:

  • Cấp độ 2A: giật mình ít hơn 2 lần mỗi 30 phút, sốt nhiều hơn 2 ngày hay sốt cao trên 39 độ C, nôn ói, biểu hiện lừ đừ...
  • Cấp độ 2B: giật mình nhiều hơn 2 lần mỗi 30 phút, sốt cao trên 39 độ C thuốc hạ sốt không phát huy tác dụng, chân tay bắt đầu run, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng, nôn trớ nhiều, thay đổi giọng nói...
  • Cấp độ 3: chân tay hoạt động yếu ớt, liệt thần kinh sọ, co giật, rối loạn tri giác, hôn mê
  • Cấp độ 4: phù phổi cấp, tăng huyết áp, trụy mạch.

Ở cấp độ 1, trẻ có thể được điều trị tại nhà nhưng từ cấp độ 2 trở đi, bố mẹ cần đưa trẻ nhập viện điều trị. Việc quan trọng là phụ huynh cần phát hiện sớm các dấu hiệu biến chứng của bệnh tay chân miệng nhằm kịp thời đưa con đi khám và điều trị, tránh những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe cũng như tính mạng của con.


Khi phát hiện sớm các dấu hiệu biến chứng bệnh tay chân miệng cần khẩn trương đưa con đi khám và điều trị
Khi phát hiện sớm các dấu hiệu biến chứng bệnh tay chân miệng cần khẩn trương đưa con đi khám và điều trị

4. Các hình thức lây bệnh tay chân miệng

Những trường hợp mắc tay chân miệng sẽ dễ gây lây lan trong tuần đầu tiên mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể bị lây trong tuần sau khi các triệu chứng biến mất. Một số người, đặc biệt là người lớn, những người bị nhiễm virus gây bệnh có thể không có bất cứ dấu hiệu nào. Họ vẫn có thể lây lan virus cho người khác, virus có thể lây lan qua các con đường:

  • Tiếp xúc gần gũi, như ôm, hôn, hoặc dùng chung bát và dụng cụ ăn uống
  • Thông qua đường hô hấp: Ho và hắt hơi
  • Tiếp xúc với phân: Có thể xảy ra trong quá trình thay tã cho trẻ
  • Tiếp xúc với dịch mủ khi các bóng nước xuất hiện trên da vỡ ra
  • Chạm vào những bề mặt có virus lây bệnh.

5. Chủ động phòng tránh bệnh tay chân miệng

Chủ động ngừa bệnh tay chân miệng bằng cách vệ sinh cá nhân sạch sẽ:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt sau khi thay tã, sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi chăm sóc trẻ, trước khi ăn và chế biến thức ăn, sau khi tiếp xúc với người bệnh...
  • Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống sôi; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung dụng cụ ăn uống hay cầm vào đồ chơi chưa được khử trùng
  • Khử trùng thường xuyên các dụng cụ hay bề mặt tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường
  • Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh
  • Sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà vệ sinh sau đó làm sạch với các chất tẩy rửa, đảm bảo an toàn không lây lan bệnh.

Quan sát phát hiện thấy trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám, uống thuốc theo chỉ định, vệ sinh, chăm sóc đúng cách nhằm tránh những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe cũng như tính mạng của trẻ.

Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: Sốt virus, sốt vi khuẩn, sốt xuất huyết, viêm phế quản, viêm phổi, bệnh chân tay miệng ở trẻ,....Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe