Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Võ Thị Thùy Trang - Bác sĩ Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nội tiêu hóa - Gan mật tụy.
Tắc ruột là tình trạng ngưng trệ hoạt động lưu thông của các chất có trong lòng ruột. Tắc ruột được chia làm nhiều loại dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Tắc ruột cần được điều trị sớm, nhiều trường hợp phải cấp cứu nếu không sẽ rất đến hoại tử ruột và tử vong.
Mức độ và hậu quả của tắc ruột phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Cơ chế tắc: tắc do thắt nghẹt hay bít tắc
- Vị trí tắc: tắc ở đầu ruột hay cuối ruột, tắc ở ruột non hay phần đại tràng
- Mức độ tắc: tắc hoàn toàn hay tắc không hoàn toàn
- Tắc ruột cơ học hay tắc ruột cơ năng
Nguyên nhân chính gây ra tắc ruột và những biến chứng nguy hiểm của tắc ruột bao gồm:
1. Tắc ruột do bít tắc
Khi bị tắc ruột, đoạn ruột trên chỗ tắc sẽ bị ảnh hưởng rất nhanh chóng và ngày càng trở lên nghiêm trọng. Ngay khi xảy ra tắc, cơ chế thần kinh điều khiển các sóng nhu động ruột tăng mạnh nhằm chống lại sự cản trở. Sự xuất hiện của các sóng nhu động này khiến bệnh nhân có các cơn đau bụng như rắn bò trên thành bụng. Sau đó, các sóng nhu động giảm dần và biến mất khi thành ruột tổn thương.
Phần ruột trên chỗ tắc sẽ bị ảnh hưởng, dần dần dãn ra. Khoảng 70% tổng số hơi trong ống tiêu hóa là do cơ thể nuốt vào, còn lại 30% là do vi khuẩn phân hủy thức ăn, thức ăn lên men và tạo thành hơi.
Dịch trong ruột là do hệ tiêu hóa bài tiết, trung bình một ngày ruột bài tiết khoảng 6 lít dịch. Chính sự gia tăng áp lực trong lòng ruột đã làm ứ trệ tĩnh mạch, quá trình tưới máu mao mạch ở thành ruột bị giảm, dẫn đến niêm mạc ruột bị phù nề, xung huyết, quá trình hấp thu dịch tiêu hóa giảm dần cho đến khi mất hẳn, gây ứ đọng dịch.
Khi dịch và hơi trong ruột quá nhiều, để giảm bớt sự gia tăng áp lực, cơ thể sẽ có phản xạ trào dịch và nôn. Tuy nhiên, nôn quá nhiều, nhất là trong trường hợp tắc ruột cao lại càng khiến tình trạng bệnh nhân trở nên nghiêm trọng hơn với sự mất nước, rối loạn chất điện giải, thăng bằng kiềm toan.
Phần ruột dưới chỗ tắc trong giai đoạn đầu thì nhu động ruột đẩy phân và hơi xuống dưới khiến ruột xẹp xuống.
Trường hợp tắc ở đại tràng, hậu quả tại chỗ và hậu quả toàn thân cũng tương tự như tắc ruột non nhưng xảy ra chậm hơn và muộn hơn. Tình trạng tăng sóng nhu động trên chỗ tắc ít xảy ra hơn, ruột giãn ro do chứa nhiều khí và dịch nên xảy ra hiện tượng vi khuẩn ở đại tràng lên men. Khi áp lực trong đại tràng cao, nếu van Bauhin mở ra thì cũng sẽ có các hiện tượng tương tự như tắc ruột non do dịch và hơi ở trên chỗ tắc trào lên ruột non. Nhưng nếu van này tự chủ, đóng kín, không đẩy được hơi, dịch và phân ở đại tràng lên ruột non được khiến đại tràng chịu áp lực quá lớn, giãn to đến một mức độ nhất định có thể gây vỡ đại tràng.
2. Tắc ruột do thắt nghẹt
Trong các loại tắc ruột do thắt nghẹt thì xoắn ruột là tình trạng phổ biến và cũng gây ra hậu quả nghiêm trọng nhất. Các biểu hiện rối loạn tại chỗ và toàn thân một phần do ảnh hưởng của ruột trên chỗ tắc gây ra giống với tắc ruột do bít tắc nhưng chủ yếu là do quai ruột và mạch máu mạc bị nghẹt gây nên.
Xoắn ruột rất nguy hiểm. Khi quai ruột bị xoắn, giãn to ra, chủ yếu chứa dịch, rất ít hơi trong ruột, trừ trường hợp xoắn đại tràng. Phần quai ruột xoắn có chứa nhiều hơi là do vi khuẩn lên men tạo ra. Tĩnh mạch ở quai ruột xoắn bị ứ trệ làm máu và huyết tương thoát vào trong quai ruột bị xoắn và ổ bụng. Ruột xoắn khiến thành ruột bị tổn thương, niêm mạc ruột bị phá hủy. Các chất chứa trong lòng ruột dẫn bị vi khuẩn tấn công khiến cho nội độc tố của vi khuẩn thoát vào ổ phúc mạc. Ổ phúc mạc sẽ tái hấp thu các nội độc tố này. Do đó, cơ thể sẽ bị sốc nhiễm độc, nhiễm khuẩn, kết hợp với sốc do giảm khối lượng tuần hoàn. Ngoài ra, động mạch mạc treo tương ứng cũng bị nghẹt khiến cho máu không lưu thông được tới quai ruột. Việc không cung cấp đủ máu khiến quai ruột bị hoại tử, vỡ vào ổ ủng dẫn đến viêm phúc mạc.
Nếu bị lồng ruột cấp tính thì phần cổ của khối lồng có thể làm nghẹt đoạn ruột lòng và mạc treo tương ứng gây chảy máu lòng ruột, hoại tử khối lồng.
3. Tắc ruột do liệt ruột
Hậu quả của tắc ruột do liệt ruột gây ra bởi các bệnh cấp tính ở ổ bụng có thể thay đổi theo từng nguyên nhân. Trường hợp liệt ruột cơ năng do phản xạ thì hậu quả toàn thân và hậu quả tại chỗ diễn ra muộn và từ từ. Ruột bị chướng từ rất sớm, chủ yếu là chương hơi. Vì không có nhu động nên bệnh nhân ít bị nôn. Cùng với đói, lượng dịch ứ đọng trong lòng ruột không nhiều, ruột bị tổn thương muộn, cơ chế tái hấp thu của ruột được bảo tồn lâu hơn. Bị tắc ruột trong trường hợp này không nguy hiểm như các trường hợp kể trên do hậu quả toàn thân và tại chỗ khá nhẹ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.