Suy tim ở trẻ em là một bệnh lý nguy hiểm có thể do nhiều nguyên nhân và yếu tố gây ra. Tùy vào mức độ bệnh mà trẻ có những biểu hiện và cách điều trị khác nhau. Vậy bệnh suy tim ở trẻ em có nguy hiểm không?
1. Nguyên nhân nào gây ra suy tim ở trẻ em?
Suy tim là tình trạng mà tim không còn khả năng đảm bảo chức năng cung cấp máu đáp ứng được các nhu cầu chuyển hóa của cơ thể. Các nguyên nhân gây suy tim bao gồm:
Bệnh tim bẩm sinh:
- Luồng thông trái-phải trong các dị tật như thông liên thất, còn ống động mạch, thông sàn nhĩ thất.
- Hẹp eo động mạch chủ; Hẹp lỗ van động mạch chủ; Bệnh cơ tim phì đại, tắc nghẽn, hoặc bệnh cơ tim hạn chế.
- Nguyên nhân rất hiếm gặp trong bệnh tim bẩm sinh: Hồi lưu tĩnh mạch phổi bất thường hoàn toàn; Bất thường về van 2 lá bẩm sinh.
Bệnh lý tim mắc phải
- Thấp tim và các bệnh lý van tim do thấp ở trẻ nhỏ.
- Bệnh Kawasaki.
- Viêm cơ tim cấp tiên phát: Thường gặp nhất do virus coxsakie B, ngoài ra có thể do các vi khuẩn khác Rickettsia, do thương hàn nặng, bạch hầu
- Viêm màng ngoài tim với tràn dịch nhiều.
- Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.
- Bệnh cơ tim thứ phát: Sau viêm cơ tim do virus, do nhiễm độc thuốc anthracyclines, do nhiễm sắt trong các bệnh tán huyết mạn nặng.
Nguyên nhân ngoài tim:
- Nhiễm độc giáp (Basedow) thường thấy ở trẻ lớn.
- Thiếu vitamin B1 nặng.
- Tắc nghẽn hô hấp kéo dài như hen phế quản nặng, dị dạng đường thở nặng.
- Quá tải tuần hoàn: suy thận cấp, truyền dịch quá mức.
- Do các thuốc điều trị thuốc chống ung thư.
- Thiếu máu nặng.
2. Dấu hiệu nhận biết suy tim ở trẻ em?
Tùy vào mức độ nặng của bệnh và độ tuổi mà trẻ có những biểu hiện khác nhau.
Đối với trẻ nhỏ hơn 1 tuổi
- Trẻ ăn hay bú khó khăn với số lượng ít hơn so với bình thường.
- Không lên cân hoặc lên cân quá chậm.
- Mồ hôi ra quá nhiều, vật vã kích thích, khóc yếu.
- Đôi khi biểu hiện như mắc bệnh viêm tiểu phế quản: Co kéo lồng ngực; trẻ thở nhanh thường xuyên hoặc có thể có khó thở.
- Da xanh, đầu chi thường lạnh ẩm, những dấu hiệu này nhiều khi làm nhầm lẫn hoặc chẩn đoán suy tim muộn hơn.
Đối với trẻ lớn lớn hơn có thể thấy dấu hiệu như:
- Khó thở: Đây là triệu chứng sớm của suy tim, nhất là suy tim trái. Với biểu hiện là thở nhanh nông xuất hiện khi gắng sức, biến mất khi nghỉ. Sau đó, các dấu hiệu khó thở có thể tăng lên nghỉ chơi bình thường, nghỉ ngơi.
- Cơn khó thở kịch phát: thường xảy ra về đêm, bệnh nhân cảm thấy ngạt thở, hoảng hốt kèm theo ho, thở khò khè ngay cả ở tư thế ngồi.
- Mệt mỏi: Những triệu chứng này không đặc hiệu của suy tim nhưng là triệu chứng thường gặp. Những triệu chứng này xuất hiện là do cơ bắp trong cơ thể không được cung cấp đủ máu.
- Trẻ tiểu ít, đau ngực, ngất khi gắng sức, da xanh, phù nề...
3. Suy tim ở trẻ em có nguy hiểm không?
Suy tim có khả năng ảnh hưởng đến bên trái (suy tim trái) hoặc bên phải (suy tim phải) và đôi lúc xuất hiện đồng thời cả hai bên (suy tim toàn bộ).
Suy tim là một bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt ở trẻ nhỏ, vì nó thường xảy ra cấp, cho dù khởi đầu là suy tim phải hoặc tim trái cũng đều có thể tiến triển rất nhanh đến suy tim toàn bộ, dễ dẫn tới đến tử vong nếu như không được phát hiện điều trị sớm và tích cực. Đối với trẻ lớn hơn thì các dấu hiệu có thể tương tự người lớn, mức độ nặng tăng dần theo thời gian.
Có thể nói suy tim ở trẻ em là bệnh rất nguy hiểm, vì nó có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của trẻ:
- Gây ra những triệu chứng ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của trẻ: Khi tim phải hoạt động kém hiệu quả, khiến cho tuần hoàn ngoại biên bị ứ đọng máu. Khiến cho chân và mắt cá chân hay bụng của trẻ sẽ có dấu hiệu sưng lên, phù nề do ứ dịch.
- Phù phổi cấp: Đối với suy tim trái, khi lượng máu không được bơm qua động mạch chủ đến những cơ quan khác trong cơ thể hiệu quả. Khi đó, máu cũng tồn đọng ở bên trái của tim và có thể chảy ngược lên tĩnh mạch phổi, gây ra phù phổi cấp. Lúc này dịch bị ứ đọng ở phổi khiến cho trẻ khó thở kịch phát và thở nhanh hơn bình thường. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ.
- Nguy cơ đột tử do rối loạn nhịp tim: Rối loạn nhịp tim khi suy tim là một biện chứng rất nghiêm trọng. Khi xảy ra cơn nhịp nhanh trên thất kịch phát mà không được điều trị nhanh thì trẻ rất dễ có nguy cơ đột tử do tim.
- Đột quỵ do tim ở trẻ em: Rối loạn nhịp tim do dẫn truyền không bình thường hay rung nhĩ khiến cho máu bị ứ đọng ở tim có nguy cơ hình thành huyết khối. Huyết khối này có nguy cơ gây tắc mạch máu não.
- Trẻ chậm phát triển: Do suy tim nên cơ thể sẽ không được cung cấp đủ lượng máu để đáp ứng được các nhu cầu trao đổi chất trong cơ thể. Từ đó dẫn tới tình trạng mệt mỏi và tăng trưởng phát triển kém ở trẻ. Bé sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, thường hay cáu gắt, quấy khóc và không chơi nhiều.
4. Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị suy tim
Suy tim không có biện pháp điều trị để đảo ngược bệnh, nhưng việc điều trị đặc hiệu cho trẻ nhằm giúp giảm gánh nặng cho tim, từ đó tăng sức co bóp cơ tim và điều trị nguyên nhân gây nên suy tim. Việc điều trị bệnh sẽ giúp giảm tình trạng thiếu máu, nguy cơ nhiễm trùng, hạ đường huyết và hạn chế các biến chứng cấp tính của suy tim. Do đó, sau khi được chẩn đoán bệnh cha mẹ cần cho trẻ điều trị đúng phác đồ được bác sĩ chỉ định.
Ngoài việc dùng thuốc thì cách chăm sóc trẻ khi bị suy tim cũng góp phần tăng hiệu quả điều trị và chậm diễn biến bệnh:
- Một số giải pháp giúp giảm triệu chứng bệnh khi trẻ khó thở có thể áp dụng như nằm đầu cao, nghỉ ngơi, tránh xúc động, kích thích.
- Nên xây dựng cho trẻ chế độ ăn uống hợp lý: Không nên ăn quá mặn và có chế độ ăn uống lành mạnh với đầy đủ các dưỡng chất.
- Hoạt động thể chất theo sức khoẻ của trẻ, không nên tập các bài nặng.
- Tiêm phòng đầy đủ để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn cho trẻ.
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với nguồn lây nhiễm vi sinh vật gây bệnh để hạn chế tình trạng nhiễm trùng.
- Thăm khám định kỳ để đánh giá tình trạng bệnh của trẻ và để bác sĩ chuyên khoa đưa ra các biện pháp điều trị phù hợp.
Bệnh suy tim ở trẻ là bệnh lý rất nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, chất lượng cuộc sống mà suy tim có thể gây ra các biến chứng cấp tính với các biểu hiện nặng và rầm rộ, nếu không được điều trị trẻ có nguy cơ tử vong rất cao. Vì thế, khi trẻ có dấu hiệu của bệnh, cha mẹ cần sớm đưa trẻ đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị suy tim
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.