Nhiều người cho rằng rối loạn tiền đình là bệnh lý của người lớn tuổi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Số lượng người trẻ bị rối loạn tiền đình có xu hướng tăng trong những năm gần đây.
1. Rối loạn tiền đình là gì?
Rối loạn tiền đình do hai nhóm nguyên nhân chính là: rối loạn tiền đình ngoại vi (chiếm 90-95%) và rối loạn tiền đình trung ương. Bệnh nhân rối loạn tiền đình biểu hiện trên lâm sàng với các triệu chứng thường gặp là:
- Chóng mặt: Đây là biểu hiện điển hình của rối loạn tiền đình.
- Rối loạn thăng bằng: Bệnh nhân rối loạn tiền đình thường bị rối loạn thăng bằng, ảnh hưởng đến việc đi đứng.
- Rung giật nhãn cầu: Rối loạn tiền đình có thể làm xuất hiện triệu chứng rung giật nhãn cầu với chuyển động bất thường lặp đi lặp lại, không chủ ý của nhãn cầu.
Ngoài ra, rối loạn tiền đình còn biểu hiện các triệu chứng khác tùy vào vị trí tổn thương như: ù tai, giảm thính lực, rối loạn nuốt, hội chứng tiểu não,...
2. Nguyên nhân rối loạn tiền đình ở người trẻ?
Rối loạn tiền đình phổ biến ở người trung niên, lớn tuổi, nhưng ngày càng có nhiều người trẻ bị rối loạn tiền đình. Hàng ngày tại các phòng khám, cơ sở y tế có nhiều người trẻ bị đau đầu được chẩn đoán rối loạn tiền đình. Dưới đây là các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này:
2.1. Stress quá mức
Áp lực học tập, công việc cũng như cuộc sống thường ngày khiến người trẻ có xu hướng bị stress quá mức. Tình trạng này kéo dài có thể làm tổn thương hệ thần kinh cũng như ảnh hưởng đến hệ thống tiền đình, gây ra các triệu chứng rối loạn tiền đình.
Rối loạn tiền đình còn liên quan đến tình trạng mất ngủ, gây ảnh hưởng đến dây thần kinh số 8 và hệ thống tiền đình.
2.2. Thói quen lười vận động
Rối loạn tiền đình ở người trẻ còn liên quan với thói quen lười vận động và đặc điểm công việc phải tiếp xúc với màn hình của các thiết bị điện tử trong thời gian dài.
2.3. Các nguyên nhân khác
Ngoài các nguyên nhân thường gặp trên, người trẻ bị rối loạn tiền đình còn do các nguyên nhân khác như:
- Bệnh lý tim mạch: Các vấn đề tim mạch như huyết áp thấp, thiếu máu, tai biến,... là một trong những nguyên nhân gây rối loạn tiền đình. Nguyên nhân là do lưu thông máu đến não kém làm ảnh hưởng chức năng của hệ thống tiền đình.
- Bệnh lý thần kinh: Rối loạn tiền đình ở người trẻ cũng có thể là hậu quả của các bệnh lý thần kinh như: viêm dây thần kinh do virus, u dây thần kinh, u góc cầu tiểu não, u thân não, thiếu máu não hệ sống nền, áp xe não, máu tụ vùng hố sau,...
- Bệnh lý tai: Các bệnh lý ở tai như viêm mê nhĩ, bệnh Meniere (gây rối loạn thính lực), thạch nhĩ lạc chỗ (sỏi tiền đình), viêm tai giữa,... cũng có thể dẫn đến rối loạn tiền đình ở người trẻ.
- Ô nhiễm tiếng ồn: Thường xuyên sống và làm việc ở môi trường nhiều tiếng ồn có thể là nguyên nhân hoặc yếu tố khởi phát các triệu chứng rối loạn tiền đình ở người trẻ.
- Thay đổi thời tiết: Người trẻ có thể khởi phát rối loạn tiền đình do sự thay đổi đột ngột của thời tiết hay nhiệt độ môi trường.
- Nhiễm độc: Việc phơi nhiễm với một số chất độc hoặc sử dụng một số loại thuốc trong thời gian dài có thể dẫn đến rối loạn tiền đình ở người trẻ.
3. Điều trị và phòng tránh rối loạn tiền đình ở người trẻ
Điều trị rối loạn tiền đình ở người trẻ cần phải căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh. Với từng nguyên nhân khác nhau thì cách điều trị chứng rối loạn tiền đình cũng khác nhau. Bên cạnh việc tìm hiểu và điều trị nguyên nhân thì cần lưu ý một số vấn đề sau:
3.1. Cách xử trí cơn chóng mặt cấp
Khi xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiền đình, để bệnh nhân nằm nghỉ ngơi ở nơi yên tĩnh, tránh ánh sáng mạnh. Nếu bệnh nhân đang sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ thì cho bệnh nhân dùng thuốc theo đúng hướng dẫn (ngoại trừ trường hợp bệnh nhân nói khó, rối loạn chức năng nuốt thì không dùng thuốc bằng đường uống lúc này)
3.2. Phòng tránh cơn rối loạn tiền đình tái phát
Dưới đây là một số biện pháp giúp phòng tránh tái phát triệu chứng rối loạn tiền đình:
- Tuân thủ phương pháp điều trị của bác sĩ: Cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ để tránh tái phát cơn rối loạn tiền đình.
- Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng: Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ kết hợp với vật lý trị liệu, phục hồi chức năng giúp tăng cường vận động của cơ thể và phục hồi sự mất cân bằng của hệ thống tiền đình.
- Hạn chế căng thẳng, stress: Hạn chế tối đa các căng thẳng, lo âu; nên sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý. Khi gặp các áp lực trong cuộc sống, cần giải tỏa bằng cách chia sẻ với người thân, bạn bè và nghỉ ngơi nhiều hơn.
- Tránh ngồi quá lâu trước màn hình máy tính, điện thoại: Đối với tính chất công việc phải tiếp xúc với các thiết bị điện tử quá lâu, nên sắp xếp thời gian giải lao sau mỗi 1-2 giờ làm việc để thay đổi tư thế, vận động nhẹ nhàng.
- Không nên thức khuya: Không nên thức quá khuya, nên đi ngủ trước 11 giờ và ngủ đủ 7-8 giờ mỗi đêm.
- Uống đủ nước: Cần uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày để đảm bảo các hoạt động của cơ thể, đào thải độc tố và hoạt động của hệ thần kinh cũng tốt hơn.
- Tăng cường vận động: Tập thể dục và vận động thường xuyên giúp lưu thông máu đến não, tăng cường sức khỏe, giảm căng thẳng và giúp phòng ngừa rối loạn tiền đình.
Hi vọng những thông tin trong bài viết trên giúp bạn hiểu hơn về bệnh rối loạn tiền đình ở người trẻ để từ đó sớm biết được nguyên nhân và có cách điều trị hiệu quả nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.