Thay khớp gối toàn phần là biện pháp điều trị cuối cùng dùng để sửa chữa khớp gối bị hỏng nặng không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị bảo tồn khác.
1. Chỉ định thay khớp gối
Các bộ phận được thay (Tái tạo bề mặt): diện khớp lồi cầu đùi; mâm chày; bánh chè
Các bệnh lý gây hỏng khớp gối: Đa số do Thoái hóa khớp gối nguyên phát ở người cao tuổi - nữ giới mắc nhiều hơn; Một số nguyên nhân khác: hư khớp sau chấn thương; viêm khớp - màng hoạt dịch gây hư sụn khớp...
Chống chỉ định: khi đang có ổ nhiễm trùng bùng phát ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể; cứng khớp gối do mất bộ phận duỗi gối (Gân, xương bánh chè, cơ tứ đầu đùi); tắc mạch chi. Hoặc tồn tại bệnh lý nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.
2. Làm thế nào để bạn biết nếu bạn cần phẫu thuật thay khớp gối
Phẫu thuật thay khớp gối có thể là một lựa chọn khi các can thiệp không phẫu thuật như dùng thuốc, vật lý trị liệu và sử dụng nạng trợ đỡ hoặc các phương tiện đi bộ khác không còn giúp giảm đau. Các dấu hiệu khác có thể bao gồm đau ở khớp, sau đó là thời gian giảm đau tương đối; đau còn duy trì sau khi sử dụng thuốc giảm đau; mất khả năng vận động; cứng khớp sau thời gian không hoạt động hoặc nghỉ ngơi; và / hoặc đau dường như tăng trong thời tiết ẩm ướt.
Bác sĩ chăm sóc chính của bạn có thể giới thiệu bạn đến một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình, người sẽ giúp bạn xác định khi nào / nếu đó là thời gian để phẫu thuật đầu gối và loại phẫu thuật đầu gối nào là phù hợp nhất. Bác sĩ phẫu thuật của bạn có thể quyết định rằng phẫu thuật thay khớp gối là không phù hợp nếu bạn bị nhiễm trùng, không có đủ xương hoặc xương không đủ khỏe để hỗ trợ khớp gối nhân tạo.
Các bác sĩ thường cố gắng trì hoãn thay thế toàn bộ đầu gối càng lâu càng tốt để điều trị ít xâm lấn. Như đã nói, nếu bạn bị bệnh khớp tiến triển, việc thay khớp gối có thể mang lại cơ hội giảm đau và quay trở lại các hoạt động bình thường.
3. Mức độ phổ biến của phương pháp thay khớp gối trên thế giới?
Thay khớp gối là một phẫu thuật thường quy được thực hiện trên hơn 600.000 người trên toàn thế giới mỗi năm. Hơn 90% những người đã thực hiện thay khớp gối toàn phần trải qua sự cải thiện về đau đầu gối và được cải thiện về chức năng.
4. Làm thế nào để bạn có được chẩn đoán tình trạng khớp gối chính xác?
Để chẩn đoán tình trạng của bạn, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sẽ thực hiện kiểm tra kỹ lưỡng đầu gối của bạn. Các xét nghiệm cần thiết: Chụp X-quang; Cộng hưởng từ hoặc Cắt lớp; Đo độ loãng xương . . .
Bạn sẽ được yêu cầu mô tả nỗi đau của bạn, nếu bạn bị đau khớp và nếu bạn chịu đựng những tổn thương trong quá khứ có thể ảnh hưởng đến tình trạng đầu gối hiện tại của bạn. Nó có thể hữu ích để giữ một bản ghi đau đầu gối của bạn để chia sẻ với bác sĩ của bạn.
Các khớp gối của bạn sau đó sẽ được kiểm tra sức mạnh và phạm vi chuyển động thông qua một loạt các test thăm khám, bao gồm gấp, duỗi gối và đi bộ.
5. Dấu hiệu cho thấy đã đến lúc bạn cân nhắc việc phẫu thuật thay khớp gối
- Cơn đau của bạn kéo dài hoặc tái phát theo thời gian
- Đau đầu gối của bạn trong và sau khi tập thể dục
- Bạn không vận động gối được như bạn mong muốn
- Việc sử dụng thuốc và nạng trợ đỡ không đem lại hiệu quả giảm đau cho gối của bạn
- Đầu gối của bạn cứng lên khi ngồi trong xe hơi hoặc rạp chiếu phim
- Bạn cảm thấy đau trong thời tiết mưa
- Cơn đau khiến bạn không ngủ được.
- Bạn cảm thấy giảm chuyển động đầu gối hoặc mức độ mà bạn có thể gập đầu gối của bạn giảm.
- Đầu gối của bạn bị cứng hoặc sưng
- Bạn gặp khó khăn khi đi bộ hoặc leo cầu thang
- Bạn gặp khó khăn trong việc ra vào ghế và bồn tắm
- Bạn gặp phải tình trạng cứng khớp buổi sáng thường kéo dài dưới 30 phút (trái ngược với tình trạng cứng kéo dài hơn 45 phút, một dấu hiệu của tình trạng viêm được gọi là viêm khớp dạng thấp)
- Bạn cảm thấy rất khó chịu với gối của bạn
- Bạn đã bị chấn thương trước đó với dây chằng chéo trước (ACL) ở đầu gối của bạn
6. Tuổi nào có thể thay khớp được?
Đa số người bệnh từ 50 – 80 tuổi. Nhưng với những tiến bộ công nghệ ngày nay có thể thay khớp cho lứa tuổi thiếu niên hoặc người rất cao tuổi (≥ 100 tuổi).
7. Kỳ vọng thực tế sau khi thay khớp gối?
Bạn cần hiểu thấu đáo rằng: sau khi mổ thay khớp gối nhân tạo, bạn không được làm các hoạt động mạnh hay chơi thể thao có va chạm, như: chạy, nhảy, leo trèo, lộn nhào; không được ngồi xổm, bắt chéo chân, xếp bằng tròn.
Tuy vậy bạn có thể đi bộ thoải mái, lái xe, chơi golf, bơi, đạp xe và một số môn thể thao nhẹ nhàng khác.
8. Cần chuẩn bị gì trước khi mổ thay khớp?
Khám bệnh kỹ lưỡng và làm đầy đủ Hồ sơ bệnh án:
- Khám xác định bệnh, mức độ thương tổn của khớp; tình trạng sức khỏe chung. Đánh giá các yếu tố nguy cơ, các biến chứng không mong muốn.
- Các xét nghiệm cần thiết: Chụp X-quang; Cộng hưởng từ hoặc Cắt lớp; xét nghiệm máu, nước tiểu, điện tâm đồ hoặc bổ xung các xét nghiệm khi có bệnh kèm theo.
- Đọc, hiểu tường tận và ký đồng ý các bản Cam kết sử dụng dịch vụ tại bệnh viên
Kiểm tra tình hình dùng thuốc trước đây, Dược sĩ lâm sàng sẽ hướng dẫn chi tiết cách dùng thuốc trước, trong và sau khi phẫu thuật.
Khi có đủ Hồ sơ bệnh án sẽ khám gây mê. Tại đây bác sĩ gây mê cùng thống nhất chọn cách thức gây mê hay gây tê cho bạn; giải thích về giảm đau sau mổ.
Cần điều trị các ổ viêm nhiễm đang tồn tại(Sâu răng; Đái buốt); giảm cân nếu đang bị béo phì; thu xếp công việc và kế hoạch chăm sóc tại nhà cho chu tất – tuy rằng sau mổ có thể tự chống hai nạng đi lại được sớm.
Nếu có xây sát da hay viêm da tại vùng mổ thì cũng cẫn xử lý ổn định trước khi mổ thay khớp.
9. Quá trình phẫu thuật
- Bạn phải nhịn ăn 6 tiếng trước mổ, vì nếu trong dạ dày còn thức ăn dễ gây sặc và ngưng thở trong khi mổ.
- Nhập viện, nhận phòng, vệ sinh thân thể bổ xung trước giờ mổ ít nhất 01 tiếng đồng hồ.
- Khi nhập viện bạn không cần đem theo các vật dụng cá nhân vì trong phòng riêng của bạn đã có đủ các thứ bạn sẽ cần dùng trong thời gian nằm viện.
- Nhân viên y tế phụ trách sẽ đánh dấu vết mổ cho bạn (Để tránh nhầm lẫn bên mổ)
- Nhân viên Phòng Mổ sẽ đón bạn, kiểm tra Hồ sơ, công việc chuẩn bị và đưa vào phòng mổ để chuẩn bị gây tê tủy sống hoặc gây mê.
- Kỹ thuật mổ (sơ lược): Rạch da đường dọc giữa gối từ lồi củ xương chày đến trên xương bánh chè, chiều dài vết mổ khoảng 10 -15cm. Mở vào khớp gối. Cắt bỏ các phần bị hỏng. Cắt các lát cắt tạo hình và đặt khớp nhân tạo vào. Kiểm tra độ chính xác và độ vững của khớp nhân tạo. Cuối cùng, đặt một ống dẫn lưu từ trong khớp ra và khâu lại vết mổ. Ống dẫn lưu sẽ được rút sau 48 tiếng.
XEM THÊM:
- Ưu điểm của thay khớp gối nhân tạo - Khi nào nên thay khớp gối nhân tạo?
- Thay khớp gối - giải pháp cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối nặng
- Tìm hiểu về phương pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) điều trị thoái hóa khớp gối tại Vinmec